Con đường đất đỏ hành dân khốn khổ tại Gia Lai!
(Dân trí) - Hàng chục năm nay, người dân hai xã Ia Phí và Ia Ka (huyện Chư Păh, Gia Lai) đã hàng ngày phải “oằn mình” đi trên con đường đất đỏ, mưa thì lầy lội, nắng đến lại bụi mù mịt. Nhiều lần, dân cùng với chính quyền địa phương đã kiến nghị lên nhưng mọi thứ vẫn phải chờ…!.
Từ xưa đến nay, người dân hai xã Ia Ka và Ia Phí hàng ngày phải di chuyển rất khổ cực trên tuyến đường đất đỏ liên xã. Theo ghi nhận, con đường liên xã này có một đoạn đường nhựa dài khoảng 100m, còn lại là khoảng 6km đường đất đỏ.
Mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện lưu thông qua lại. Các làng nằm trên tuyến đường đất đỏ gồm: 2 làng Mrông Ngó 3 và Mrông Ngó 4 của xã Ia Ka đến 2 làng Yang 3, Yang 4 của xã Ia Phí). Cũng vì đường đất khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi tham gia lưu thông.
“Nhà tôi ở làng Mrông Yố 1 nhưng làm rẫy cuối làng Mrông Ngó 3 nên thường xuyên qua đoạn đường này. Trời nắng còn đỡ chứ mưa thì rất khổ. Xe lớn chạy qua nhiều nên hễ mưa là đường nhão nhoẹt và tạo nhiều rãnh sâu đọng đầy nước. Đến mùa mưa, chúng tôi gặp khó khi chở phân bón hay đồ đạc xuống rẫy do xe ô tô bị mắc lầy”, anh Rơ Châm Ba Lin cho hay.
Điều kì lạ nhưng chỉ có dân trong làng mới hiểu, khi trời nắng dân làng đều phải mang áo mưa tiện lợi ở ngoài nhằm tránh lớp bụi mù mịt khỏi bám vào quần áo...Chị Rơ Châm H’Beck (làng Mrông Ngó 3) cũng bức xúc: “Dân làng mình khốn khổ với đoạn đường này. Mùa nắng thì bụi bay mù trời, nhà cửa và cây cối bám đầy bụi đỏ, bà con phải bơm nước tưới đường liên tục. Khổ nhất là vào giữa mùa mưa hàng năm, nền đường đất đỏ gặp mưa nhiều là trơn như đổ mỡ, chạy xe không cẩn thận là ngã ngay.
Vất vả nhất là đám trẻ, do đường nhão nhoét khiến đất dính đầy bánh xe nên chúng phải đi bộ đến trường. Mỗi cuộc họp có lãnh đạo xã và huyện xuống dự, bà con đều kiến nghị làm đường nhựa nhưng chưa thấy giải quyết”.
Hiện nay, Gia Lai đang vào mùa mưa khiến đường sình lầy, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà, đọng nước. Khi lưu thông qua đây, người dân phải đi sát lề đường để tránh bị trơn trượt. Mỗi khi phương tiện giao thông có tải trọng lớn chạy qua, con đường lại oằn mình trong lớp bùn nhão.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ksor Sum (Chủ tịch UBND xã Ia Ka) cho biết: “Người dân đã kiến nghị nhiều lần rồi nhưng xã chưa có kinh phí để làm đường. Muốn vận động xã hội hóa cũng không được vì cuộc sống của người dân còn khó khăn. Ủy ban nhân dân huyện đã kiến nghị UBND tỉnh cấp kinh phí thảm nhựa đoạn đường này và đang chờ phê duyệt. Nhưng cũng rất khó khăn vì không có kinh phí mà dân đang hàng ngày khổ cực đi trên con đường này…”.
Phạm Hoàng