Có xử lý được hành vi phản cảm của nhóm du khách nữ cởi áo ở Cửa Lò?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, rất khó để đưa ra được những tiêu chí xác định về việc ăn mặc phản cảm, không đúng mực hay trái với thuần phong mỹ tục nên các trường hợp vi phạm đều khó xử lý...

Đoạn clip đăng tải hình ảnh nhóm du khách nữ cởi áo chơi team building ở bãi biển Cửa Lò lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội mấy ngày qua, đang khiến dư luận vô cùng bức xúc. Nhiều người đã lên án hành vi phản cảm nói trên của nhóm du khách.

Có ý kiến cho rằng bãi biển tại khu du lịch luôn có ban quản lý, sẵn sàng xử lý các vụ việc xảy ra, vậy tại sao để xảy ra các hành vi phản cảm đi ngược thuần phong mỹ tục thế này? Phải chăng Ban quản lý bãi tắm đã không làm tròn chức phận được giao? Những hành vi này có thể xử phạt được không?

Có xử lý được hành vi phản cảm của nhóm du khách nữ cởi áo ở Cửa Lò? - 1

Hình ảnh nhóm du khách tổ chức Team Building "phản cảm" tại biển Cửa Lò (Nghệ An), khiến dư luận xôn xao (Ảnh: Cắt từ clip).

Chia sẻ quan điểm về vụ việc trên, Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, truyền thống văn hóa của người Việt Nam là luôn coi trọng các giá trị đạo đức và thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc. Vì vậy, những hành vi bị coi là lệch chuẩn, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây phản cảm và ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý thật nghiêm.

Theo luật sư, đối với trường hợp này, trước hết cần xác định thế nào là hành vi ăn mặc phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, bởi hiện nay định nghĩa cũng như các tiêu chí xác định hành vi "phản cảm" trong luật hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng, nếu vận dụng không phù hợp sẽ gây sự áp đặt. Bên cạnh đó, về xử phạt đối với các hành vi không phù hợp với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, hiện nay mới chỉ áp dụng trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, căn cứ vào Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Còn đối với những hành vi ăn mặc phản cảm tại nơi công cộng nói chung, hiện vẫn chưa có quy định chi tiết về chế tài xử phạt.

Khó xử lý!

Trong vụ việc trên, theo thông tin ban đầu, một số người phụ nữ trong nhóm du khách đã có hành vi cởi áo ngực làm dụng cụ múc nước, trong khi tại bãi biển có rất đông người lớn, trẻ em đang đi du lịch. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xem xét, đánh giá tính chất của hành vi, cũng như mức độ tác động, ảnh hưởng của hành vi đến dư luận xã hội, từ đó làm căn cứ để tiến hành xử phạt vi phạm.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi này vi phạm quy định về trật tự công cộng, gây mất trật tự công cộng thì căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, những người này có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Trong trường hợp hành vi này có dấu hiệu "khiêu dâm" tại nơi công cộng, căn cứ điểm e khoản 5 Điều 7 Nghị định này, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 8 triệu đồng.

Có xử lý được hành vi phản cảm của nhóm du khách nữ cởi áo ở Cửa Lò? - 2

Hình ảnh nhóm du khách tổ chức Team Building "phản cảm" tại biển Cửa Lò (Nghệ An), khiến dư luận xôn xao (Ảnh: Cắt từ clip).

Mặc dù hành vi nêu trên của một số cá nhân trong nhóm du khách bị coi là hành vi phản cảm, lệch chuẩn về suy nghĩ và nhận thức, tuy nhiên trong hoàn cảnh đó, có thể hiểu đây là những hành động bột phát, có phần nhiệt tình quá mức cần thiết của một số cá nhân khi tham gia teambuilding. Nhưng suy cho cùng, dù có vì lý do gì đi chăng nữa, điều này cũng thể hiện, phản ánh văn hóa bên trong một con người, việc thanh minh, giải thích tại thời điểm này cũng không còn quan trọng.

Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra phương án xử lý sao cho hợp lý, hài hòa, vừa thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, vừa có tính răn đe đối với các đối tượng khác.

Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm, trên thực tế, rất khó để đưa ra được những tiêu chí xác định về việc ăn mặc phản cảm, không đúng mực hay trái với thuần phong mỹ tục, cho nên các trường hợp vi phạm đều rất khó xử lý, chủ yếu chỉ bị nhắc nhở và cảnh cáo. Vì vậy, trước hết, để giảm thiểu, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm có thể tiếp diễn trong tương lai, các khu du lịch, tham quan, nghỉ mát nên ban hành những nội quy, quy tắc riêng tại từng khu vực, đối với những du khách có hành vi vi phạm, có thể căn cứ vào mức độ hành vi để có những phương án xử lý phù hợp. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định của khách du lịch, tạo ra môi trường tham quan văn minh, lịch sự, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Đối với các du khách khi đi du lịch, tham quan cần chú ý đến hành vi, hình ảnh của mình, không nên tạo ra những hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam, cũng như ảnh hưởng xấu đến văn hóa, con người tại địa phương nơi mình đến tham quan, du lịch. Mỗi cá nhân bên cạnh việc chấp hành, tuân thủ quy định chung của pháp luật, điều quan trọng hơn cả là phải luôn xây dựng, gìn giữ những phẩm chất tốt đẹp, thể hiện được nét văn hóa và giá trị con người - Luật sư Tiền khẳng định.