Có phải mọi Sổ đăng ký ruộng đất hiện lưu trữ đều hợp pháp?
(Dân trí) - Người dân nếu có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, khi được cấp sổ đỏ đất ở sẽ không phải đóng tiền sử dụng đất; khi Nhà nước bồi thường sẽ được xác định đất ở theo nội dung ghi trong Sổ.
Chúng tôi là các hộ thuộc trường hợp bị thu hồi đất thực hiện Dự án để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới.
Về chủ trương mở đường để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, chúng tôi hết lòng ủng hộ, chúng tôi đồng thuận di dời, dù phải xa nơi chôn rau cắt rốn, nơi ăn ở nhiều đời để đi đến chỗ ở mới. Tuy nhiên chúng tôi vô cùng băn khoăn vì các xác định chủ sử dụng đất, loại đất, giá đất theo Sổ Đăng ký ruộng đất được lập từ năm 1990 lưu tại cấp xã.
Theo các thông số trong Sổ về chủ sử dụng, về loại đất thì dù đất cha mẹ cho con gần 30 năm, con cái đã ra ở riêng, lập gia đình nhiều thế hệ, xây nhà 3 tầng trên đất nhưng vẫn quy chủ về cho cha mẹ, bồi thường cho cha mẹ; xác định loại đất là đất trồng cây với giá đền bù rất rẻ.
Chúng tôi xin kính mong tòa soạn báo Dân trí thông tin, phổ biến cho tôi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước với việc này để chúng tôi nắm được, lựa chọn những phản hồi phù hợp với việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư đang diễn ra.
Độc giả X.B (Xuân Trường - Nam Định)
Trả lời:
Về thắc mắc này của bạn đọc, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội có ý kiến tư vấn như sau:
Người dân phải thực hiện nghĩa vụ Công dân trong việc phối hợp với cơ quan chức năng khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các Dự án phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.
Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc người dân phải hi sinh quyền lợi cá nhân chính đáng, đúng đắn để phục vụ lợi ích chung. Pháp luật hiện nay quy định rất chặt chẽ, đúng đắn để đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, lợi ích chung của xã hội trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Về cơ sở pháp lý: Sổ đăng ký ruộng đất mẫu (5a, 5b) được lập theo chỉ thị 299/TTg, tuân thủ đúng theo quy định về thủ tục đăng ký, thống kê ruộng đất do Tổng cục Quản lý ruộng đất ban hành tại Quyết định 56/ĐKTK ngày 05-01-1981.
Nội dung, tính hợp pháp
"Chỉ có Sổ đăng ký ruộng đất (lập theo quy định tại Quyết định số 56-ĐKTK) và Sổ địa chính (được lập theo quy định tại Quyết định số 499 QĐ-ĐC và Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC) mới được coi là loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Đất đai).
Vì các Sổ này chỉ ghi đối với những người sử dụng đất đã kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và được Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã thẩm tra, xác nhận là sử dụng hợp pháp, đồng thời được ủy ban nhân dân cấp huyện xét duyệt công nhận (theo quy định tại Quyết định số 56-ĐKTK)".
Điều này đã được Bộ tài nguyên và Môi trường khẳng định rõ tại Công văn số 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25 tháng 04 năm 2007.
Theo các trích dẫn trên đây có thể thấy Sổ đăng ký ruộng đất phải được lập đúng quy định pháp luật, tiến hành đúng trình tự, UBND cấp xã có thành lập Hội đồng đăng ký ruộng đất và Sổ được đơn vị này thẩm tra xác nhận là sử dụng hợp pháp; UBND cấp huyện xét duyệt công nhận thì Sổ đăng ký đó mới hợp pháp.
Từ đó nội dung chủ sử dụng, loại đất ghi trong Sổ mới có giá trị pháp lý. Còn nếu Sổ đăng ký ruộng đất không đảm bảo điều kiện như trên dù có tồn tại thì cũng không có giá trị pháp lý, không sử dụng được.
Hiện nay nhiều địa phương trong cả nước dù có lưu trữ Sổ đăng ký ruộng nhưng chưa được cơ quan Nhà nước phê duyệt. Về nội dung này tại Văn bản số 1555 /BTNMT-TCQLĐĐ "V/v giải quyết vướng mắc đối với pháp luật về đất đai" do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 25 tháng 03 năm 2020 gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam có nội dung:
"Việc Sổ Đăng ký ruộng đất được lập theo Chỉ thị số 299/TTg nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là do lỗi của cơ quan Nhà nước mà không phải do lỗi của người sử dụng đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thống kê, rà soát, kiểm tra, thẩm định lại Sổ Đăng ký ruộng đất đã lập nhưng chưa được phê duyệt và trình Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận, theo nguyên tắc:
Sổ Đăng ký ruộng đất đã được lập và sử dụng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương kể từ thời điểm lập Sổ; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chỉ đạo, thống kê, rà soát, kiểm tra tính pháp lý của Sổ Đăng ký ruộng đất đã lập nhưng chưa được phê duyệt và tính xác thực của các thông tin trong Sổ Đăng ký ruộng đất".
Với hồ sơ, tư liệu người dân cung cấp có thể nhận thấy Sổ Đăng ký ruộng đất được lập năm 1990 tại xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định có thể thấy:
i) Trang bìa rách nát, chữ viết bằng bút bi tại phần trang bìa không đồng nhất về thời điểm ghi, thời điểm ký, đóng dấu so với chữ viết bằng bút mực trong nội dung các trang trong sổ;
ii) Ngày …tháng…năm tại Trang bìa: Phần có dấu của UBND huyện ghi bằng bút mực ngày 20 tháng …(bị mờ) năm….(viết đè bút bi, mực nhòe, có dấu hiệu chỉnh sửa, ghi đè); Phần có dấu của UBND xã chỉ có ngày 20….;
iii) Con dấu tại Trang bìa của Sổ này được cho là có hai cơ quan ký đóng dấu của UBND huyện và của UBND xã. Tuy nhiên hình ảnh được cho là con dấu bị rách nát gần hết, nhòe mờ chỉ còn thể hiện dấu vết đỏ, khoanh tròn không nhận biết các thông số cơ quan, dấu quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những dấu hiệu như vậy không thể khẳng định, hay xác thực có phải là con dấu, lại còn là con dấu của cơ quan Nhà nước.
iv) Phần nội dung trong sổ ghi bằng bút mực, bị gạch, xóa, can sửa tùy tiện không đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản quản lý đất đai.
Do vậy theo quy định pháp luật, hiện trạng thì khó có căn cứ để xác định Sổ đăng ký ruộng đất được lập đúng quy định pháp luật, được lập vào thời điểm năm 1990.
Hướng xử lý: Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa triển khai hướng dẫn "Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thống kê, rà soát, kiểm tra, thẩm định lại Sổ Đăng ký ruộng đất đã lập nhưng chưa được phê duyệt và trình Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận" thì giá trị của Sổ Đăng ký ruộng đất này chưa đảm bảo giá trị sử dụng, không thể dựa vào đây xác định chủ sử dụng đất, loại đất.
Khi này, việc xác định chủ sử dụng đất phải dựa trên thực tế "Hiện trạng" ai "đang sử dụng đất" thì người đó được quy chủ và đất có xây nhà thì xác định là đất ở với căn cứ được quy định tại điều 101, Luật đất đai năm 2013, hướng dẫn chi tiết tại điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Hi vọng rằng với các kiến thức pháp lý trên đây, cùng với tinh thần thượng tôn pháp luật, sự việc thắc mắc của người dân được sáng tỏ, từ đó các bên chấp hành đúng pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và cơ quan có thẩm quyền.