Cô giáo bị ném dép có quyền khởi kiện phụ huynh học sinh không?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi của các em học sinh có dấu hiệu xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cô H. Nữ giáo viên có quyền khởi kiện, yêu cầu phụ huynh của các em bồi thường theo quy định pháp luật.

Sáng 29/11, trong tiết học âm nhạc của lớp 7C trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), cô giáo P.T.H. nhắc nhở học sinh chưa chịu vào lớp thì bị phản ứng. Khi tiết học bắt đầu, giữa giáo viên và học sinh xảy ra khúc mắc do một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô không đồng ý.

Sau giờ học, một số học sinh có hành vi thiếu chuẩn mực với cô H. như nói tục, xúc phạm, khiêu khích, ném dép, giấy rác vào giáo viên và quay video đăng lên mạng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí tại nhà riêng, cô H. cho biết bị mất ăn, mất ngủ, sụt cân còn đầu óc luôn căng thẳng, bị ám ảnh bởi những câu từ chửi bới của học sinh. Nữ giáo viên phải đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang và uống thuốc chống trầm cảm.

Trước những vấn đề trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi dưới góc độ pháp lý về việc nữ giáo viên có quyền khởi kiện, yêu cầu gia đình các em học sinh bồi thường hay không?.

Cô giáo bị ném dép có quyền khởi kiện phụ huynh học sinh không? - 1

Cô P.T.H., giáo viên bị học sinh ném dép, lăng mạ, tiếp phóng viên báo Dân trí tại nhà, tối 6/12 (Ảnh: Thế Hưng).

Có quyền khởi kiện phụ huynh hay không?

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, dưới góc độ xã hội, đây là sự việc đáng báo động, là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh cũng như những người làm giáo dục về tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh hiện nay. Còn dưới góc độ pháp lý, nếu thông tin các em học sinh đang học lớp 7 và không bị lưu ban là chính xác, trách nhiệm hình sự sẽ được miễn trừ do các em chưa đủ 14 tuổi.

Tuy nhiên, những hành vi như trong clip vẫn có thể làm phát sinh trách nhiệm bồi thường dân sự, và cô H. có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường đối với tổn thất của bản thân.

Trích dẫn khoản 5, Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, luật sư cho biết trong vụ việc có đương sự là người từ đủ 6 đến dưới 15 tuổi thì việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này tại Tòa án sẽ do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Còn theo Tiểu mục 3.1, Mục 3 Phần 1 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, trong trường hợp người gây thiệt hại chưa đủ 15 tuổi, bố mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của các em học sinh có hành vi lăng mạ, xúc phạm, xâm hại tới danh dự, sức khỏe của cô giáo sẽ phải chịu trách nhiệm về dân sự theo quy định của pháp luật và có thể phải tham gia tố tụng với tư cách bị đơn trong vụ án dân sự nếu gia đình người bị thiệt hại khởi kiện.

Đối chiếu với sự việc trên, luật sư Trang nhìn nhận dấu hiệu của yếu tố lỗi, xâm phạm tới danh dự và sức khỏe của cô giáo được thể hiện qua các hành vi thể hiện trong clip như chửi tục, nhục mạ cô giáo, lấy thước kẻ đánh vào người, ném dép, giấy rác làm cô bị ngất và quay clip đăng tải lên mạng. Bởi vậy, có cơ sở để xem xét trách nhiệm của người lớn khi để sự việc trên xảy ra.

Theo quy định về tố tụng dân sự, nếu giải quyết sự việc bằng pháp luật, cô H. có quyền khởi kiện phụ huynh của các em học sinh đã có hành vi xâm phạm tới danh dự, sức khỏe của bản thân và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại đã xảy ra trong phạm vi lỗi của các em học sinh này.

Cô giáo bị ném dép có quyền khởi kiện phụ huynh học sinh không? - 2

Những vật dụng học sinh dùng để ném cô giáo ở trong lớp và ngoài đường (Ảnh: Mỹ Hà).

Cô giáo có quyền yêu cầu bồi thường những khoản nào?

Cũng theo dõi vụ việc, luật sư Hoàng Đức Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại các Điều 586, 587 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại, cha mẹ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình gây ra. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì phần bồi thường của mỗi người bằng nhau.

Về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những khoản bồi thường cơ bản mà người bị thiệt hại có quyền yêu cầu như sau:

Thứ nhất, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

Thứ hai, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại;

Thứ ba, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Nếu người bị thiệt hại cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, bên gây thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà phía bị thiệt hại gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa bằng 50 lần mức lương cơ sở, tức 90 triệu đồng.

Về bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các khoản bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút do hành vi vi phạm gây ra và các Thiệt hại khác theo luật định. Về mức bồi thường tổn thất về tinh thần, con số bồi thường do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì hạn mức bồi thường bằng 10 lần mức lương cơ sở, tức 18 triệu đồng.

Đối chiếu những căn cứ pháp lý trên, luật sư Tâm cho rằng hành vi nhục mạ, xúc phạm, ném đồ vật vào cô giáo và đăng clip lên mạng đã xâm phạm tới sức khỏe và danh dự, nhân phẩm cô H. Do đó, có cơ sở để nữ giáo viên yêu cầu các khoản bồi thường thiệt hại do sức khỏe và danh dự bị xâm phạm.

Để có căn cứ yêu cầu bồi thường, nữ giáo viên cần cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ liên quan tới việc thăm khám, chữa trị, bồi dưỡng, hồi phục sức khỏe cũng như các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh phần thu nhập bị giảm sút trong thời gian phải tạm nghỉ dạy để điều trị, hồi phục sau những sang chấn về tâm lý. Đây sẽ là những cơ sở pháp lý quan trọng để Tòa án giải quyết, đưa ra phán quyết về mức bồi thường phù hợp.

Hoàng Diệu