Tiếp bài "Làm rõ việc tạm giữ lô hàng gỗ nhập khẩu ở cảng Tiên Sa":

Có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?

(Dân trí) - Liệu có chăng câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” ở Chi cục Hải quan CK Cửa Việt (Quảng Trị) hay phía Hải quan Đà Nẵng đang làm “to” sự việc khi những nghi vấn “có vấn đề” trong quá trình giải quyết lô hàng gỗ của Công ty Ngọc Hưng?

Như Dân trí đã đưa tin, đã hơn 60 ngày trôi qua kể từ khi lô hàng (22 container) gỗ nhập khẩu của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng bị Chi cục Hải quan CK Cảng Đà Nẵng tạm giữ để thực hiện việc khám xét vì nghi vấn doanh nghiệp đã khai không đúng với kê khai ban đầu. 

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã “ngược dòng” về Quảng Trị để ghi lại hành trình của lô hàng gỗ từ CK Cửa Việt về Cảng Tiên Sa - Đà Nẵng để làm thủ tục lên tàu sang Trung Quốc của Công ty Ngọc Hưng. 

Theo thông tin PV Dân trí thu thập được, Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào đã xuất bán cho Công ty Ngọc Hưng lô hàng 535,800 m3 gỗ, điều kiện giao hàng DAF Lao Bảo. Trước khi nhập hàng, một doanh nghiệp Trung Quốc  là khách hàng của Ngọc Hưng đã sang Lào để xem hàng gỗ, kiểm tra chất lượng và có đánh dấu cùng viết chữ Trung Quốc lên các gói hàng thuộc lô hàng 535,800 m3 nói trên.

 
Có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?
Gỗ trắc xẻ trong lô hàng đã được khách Trung Quốc ghi chữ đánh dấu trước khi nhập từ Lào về Việt Nam.

Sau khi làm việc xong với Ngọc Hưng, lô hàng được vận chuyển về trên 13 xe kéo móc (gồm 8 xe mang BKS Việt Nam và 5 xe mang BKS Lào) cùng nối đuôi với rất nhiều xe gỗ của các doanh nghiệp khác “rồng rắn” thẳng tiến từ Lào về cửa khẩu Lao Bảo - Quảng Trị chờ làm thủ tục thông quan. 

Tại cửa khẩu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo cũng đã tiến hành việc đăng ký người điều khiển phương tiện (lái xe của 13 xe trên). Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu Lao Bảo cũng đã tiến hành phun thuốc khử trùng làm thủ tục kiểm dịch thực vật cho 13 xe hàng kể trên.  

Sau khi hoàn thành các thủ tục trên và nhận toàn bộ bộ tờ khai hải quan tại Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo, đoàn xe vận chuyển toàn bộ lô hàng nhập khẩu của Công ty Ngọc Hưng hướng thẳng về Thành phố Đông Hà (Quảng Trị).  

Khi về đến thành phố Đông Hà, lô hàng được chuyển trực tiếp từ 13 xe sang 22 container 40 feet và làm thủ tục hải quan tại CK Cửa Việt. Tiếp đến, Hải quan Cửa khẩu Cảng đã kẹp chì, làm thủ tục chuyển khẩu, bàn giao toàn bộ lô hàng cho hải quan Đà Nẵng để thông quan.

 
Có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?
Hình ảnh lô hàng đang bị tạm giữ để khám xét tại Đà Nẵng.

Trao đổi với PV Dân trí, anh Tôn Thất Trực (28 tuổi) lái xe container BKS 43X - 7758 cho biết: Sau khi nhận hàng, cả đoàn xe lần lượt về đến của khẩu Cửa Việt. Tại đây, tất cả các container đều bị Hải quan Cửa Việt mở tung để kiểm tra ngẫu nhiên. Quá trình kiểm tra khoảng 30 phút/xe và cả đoàn xe được niêm phong, kẹp chì đi tiếp đến Cảng Đà Nẵng. 

Cho đến khi một container chạy sau đường bị Cảnh sát giao thông bắt giữ kiểm tra hàng và giao cho Hải Quan Đà Nẵng xử lý tiếp theo.

Rồi 21/22 container vẫn được Hải Quan Đà Nẵng làm thủ tục lên tàu vào đêm 29/12/2011 nhưng đến sáng 30/12/2011 thì phía Hải Quan lại nhận được thông báo hàng của Công ty Ngọc Hưng vẫn chưa rời cảng Tiên Sa vì sự cố mất điện vào đêm 29. Theo đó, lô hàng được yêu cầu dỡ ngược lại từ trên tàu xuống cảng để Hải Quan thực hiện lệnh khám xét .

 
Có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?
Ông Nguyễn Văn Quý ( ảnh bìa trái) - trong buổi làm việc với PV Dân trí về lô hàng.

Đến nay đã hơn 60 ngày trôi qua, lô hàng công ty Ngọc Hưng vẫn “dậm chân tại chỗ” tại Cảng Đà Nẵng khiến doanh nghiệp này mất ăn mất ngủ đi kêu cứu khắp nơi. Trình bày với PV Dân trí, ông Trương Huy Liệu - Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng bày tỏ: “ Từ khi lô hàng bị “ngâm” tại Đà Nẵng, người của công ty đã nhiều lần chạy đôn chạy đáo khắp nơi để liên hệ giải quyết quên cả việc đón tết nguyên đán vừa qua”.  

Theo lời ông Liệu, việc 1 container chạy sai đưỡng bị xử phạt hay tạm giữ là điều doanh nghiệp sẽ chấp nhận nhưng 21 container được niêm phong, kẹp chì và đã được Hải Quan Đà Nẵng cho thông quan xếp hàng lên tàu, rồi hôm sau lại yêu cầu dỡ hàng xuống cảng để khám xét là điều không hề có trong tiền lệ tại cảng Tiên Sa cũng như đối với doanh nghiệp. 

Ông Liệu cho biết thêm, sau khi nộp đơn lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, công ty ông cũng đã tiếp tục nộp đơn lên Bộ Công an và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mong sớm nhận được kết quả giải quyết lô hàng nhằm “giải cứu” lô hàng của doanh nghiệp đang “mắc kẹt” tại Đà Nẵng.

 
Có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?
Ông Trương Huy Liệu - chủ lô hàng

Dư luận nghi vấn quá trình thông quan “thuận lợi” của lô hàng tại cửa khẩu Cửa Việt và sự việc tạm giữ lô hàng để khám xét Hải quan Đà Nẵng thì đơn vị nào đúng và đơn vị nào sai? 

Về sự cố mất điện tại cảng Tiên Sa, PV Dân trí đã trực tiếp gặp ông Nguyễn Sỹ - Phó phòng HCTH xí nghiệp Cảng Tiên Sa thuộc Công ty TNHH MTV Đà Nẵng, ông Sỹ khẳng định: “ Vào đêm 29/12/2011 trên sổ nhật ký theo dõi của tổ máy phát điện đã không ghi lại, trên sổ không thể hiện việc có sự cố mất điện”. Như vậy, việc mất điện tại Cảng Tiên Sa vào đêm 29/12 đã không xảy ra (?!). 

Lý giải điều này, ông Phạm Ngọc Thuần - Cục phó Cục Hải Quan Đà Nẵng cho biết: “ Sáng 30/12, tôi nhận tin báo từ cấp dưới báo lên là đêm qua (29/12) có việc mất điện tại cảng Tiên Sa nên tàu vẫn chưa xuất cảng được. Tôi đã thông báo với anh em là vừa có “lệnh” của Tổng Cục Hải quan là yêu cầu doanh nghiệp dừng việc cho hàng lên tàu, tạm giữ lại lô hàng để khám xét...”.

Trong buổi làm việc với PV Dân trí, ông Thuần cũng cho hay việc tạm giữ lô hàng của Công ty Ngọc Hưng, anh em Hải Quan Đà Nẵng đã thực hiện theo quy định và chỉ đạo của Tổng Cục Hải Quan trong việc khám xét lô hàng khai sai so với kê khai ban đầu của doanh nghiệp. 

Còn ông Lê Minh Thành - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CK Cảng Cửa Việt (Quảng Trị) khẳng định: Việc thông quan cho lô hàng của doanh nghiệp Ngọc Hưng là đúng theo quy định. Chúng tôi cũng đã tiến hành mở toàn bộ 22 container và kiểm tra ngẫu nhiên 5% trên tổng số khối gỗ theo quy định và gỗ Trắc lô hàng nhập khẩu này không phải mặt hàng cấm nhập và xuất khẩu”. 

Theo ông Thành thì việc Doanh nghiệp nhập vào 535,800 m3 gỗ và xuất ra cũng 535m3 cùng việc Doanh nghiệp đã chấp hành đúng pháp luật khi nộp thuế GTGT đầy đủ, không có động cơ trốn thuế do mặt hàng gỗ trắc có mức thuế suất (xuất khẩu, nhập khẩu) là 0%

Có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?
Công văn hỏa tốc của VPCP chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra việc tạm giữ lô hàng gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng tại Đà Nẵng.

Làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Quý - Phó Cục trưởng cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết: Hải quan Đà Nẵng chịu sự chỉ đạo và thống nhất của Tổng cục Hải quan và việc khám xét của cơ quan Hải quan, việc ra Quyết định của Hải quan Quảng Trị và Hải quan Cảng Tiên Sa là có căn cứ.     

Cũng theo ông Quý, vụ việc trên liên quan đến nhiều đơn vị Hải quan nên cần thời gian làm rõ. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra, hy vọng kết thúc sớm và có thông tin cuối cùng. Quá trình hành trình của lô hàng, chúng tôi cũng đã yêu cầu Hải quan Quảng Trị báo cáo chi tiết. Đến nay, chưa có kết luận cụ thể vì nhiều lý do chủ quan và khách quan?

 Luật sư Đoàn Thu Nga - Công ty Luật LAWPRO cho rằng: “ Có thể có sự mâu thuẫn giữa 2 cơ quan hải quan bởi 2 quyết định của hai cơ quan hải quan đều “tuân thủ đúng quy định của pháp luật và thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan” nhưng kết quả hoàn toàn khác nhau. Nếu cả 2 quyết định này đều có cùng căn cứ thì câu hỏi đặt ra là “ai sai, ai đúng” hay chỉ là chuyện Hải quan Đà Nẵng cố tình “nhũng nhiễu” như doanh nghiệp đã “tố” khổ?”.  
 
Liên quan đến vụ việc trên, chiều ngày 02/3/2012, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn hỏa tốc số 1276/VPCP-KTNT gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc xử lý lô hàng gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng. Theo đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra việc tạm giữ lô hàng gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng tại Chi cục Hải quan Đà Nẵng, khẩn trương có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3/2012.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Quốc Cường