Đà Nẵng:
Làm rõ việc tạm giữ lô hàng gỗ nhập khẩu ở cảng Tiên Sa
(Dân trí) - Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam vừa có công văn số 18/HHG-VP trình lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đề nghị sớm giải quyết tháo gỡ ách tắc lô hàng gỗ nhập khẩu của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng bị Hải quan Đà Nẵng tạm giữ nhiều tháng qua
Những nghi vấn khó hiểu?
Đã 60 ngày trôi qua, kể từ khi Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng có Quyết định “Tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan” đối với lô hàng gỗ nhập khẩu của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, cho đến thời điểm này những nghi vấn về vụ việc “có vấn đề” cùng đơn vị chức năng liên quan vẫn chưa thể sáng tỏ.
Trong đơn kêu cứu của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng ( Cty Ngọc Hưng), trụ sở tại Khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoa, Quảng Trị) gửi đến tòa soạn báo Dân trí phản ảnh, Quyết định tạm giữ lô hàng gỗ nhập khẩu của Chi cục Hải quan Đà Nẵng mà không chỉ rõ vi phạm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Việc không thông quan được hàng hoá đồng nghĩa Cty Ngọc Hưng không nhận được thanh toán từ đối tác, nguy cơ phá vỡ Hợp đồng cận kề và thiệt hại về kinh tế cho Cty sẽ khôn lường.
Qua hồ sơ được biết, ngày 05/12/2011, Cty Ngọc Hưng có ký kết với Nhà máy chế biết gỗ nội thất Lào lô hàng gỗ trắc Cam bốt tròn và xẻ các loại gồm 535,800m3, điều kiện giao hàng DAF Lao Bảo. Theo đó, ngày 17/12/2011, Công ty đã đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) nhận và mở tờ khai hải quan nhập khẩu số 1505/NK/KD/B33 để đưa hàng về Đông Hà (Quảng Trị) xuất bán ngay cho Công ty Hồng Kông (Trung Quốc) theo tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 849/XK/KD-C32D ngày 19/12/2011.
Biên bản 849/XK/KD-C32D và giấy tờ chứng minh lô hàng hợp pháp. Hàng được nhập khẩu, xuất khẩu nguyên lô, không lưu kho và được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt (Quảng Trị) kiểm hóa niêm phong trong 22 container 40 fit chuyển cho Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng (Biên bản bàn giao số 849/BBBG ngày 20/12/2011 - PV)
Tuy nhiên trong lúc vận chuyển vào cảng Đà Nẵng, một xe đầu kéo chạy sai tuyến đường nên bị Công an quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bắt giữ và khám xét. Sau đó bàn giao container này Chi cục Hải quan Đà Nẵng kiểm tra xử lý.
Điều đáng lưu ý, là ý kiến của Đội kiểm tra Chi cục Hải quan Đà Nẵng cùng sự chứng kiến của đại diện Doanh nghiệp tại thời điểm kiểm tra đã kết luận rằng: “ Qua kiểm tra, thực tế, Tổ kiểm tra nhận thấy số lượng gỗ đã kiểm tra đúng với Log list số lượng gỗ khai báo của người khai hải quan, Tổ kiểm tra đề xuất cho kết thúc việc khám xét” (Theo biên bản số 01/BB-CH4).
Đến đêm 29/12, Doanh nghiệp được Chi cục Hải quan cửa khẩu Đà Nẵng đồng ý cho làm thủ tục xếp hàng hóa lên tàu, chỉ giữ lại container số hiệu GESU 6243717 chờ xử lý. Tuy nhiên, khi xếp được 16 container lên tàu, còn lại 5 conteiner chưa kịp xếp lên tàu thì Cảng Tiên Sa bất ngờ mất điện.
Và đến ngày hôm sau 30/12, Chi Cục Hải quan Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu đơn vị vận hành dừng việc xếp hàng lên tàu và dỡ bỏ 16 container đưa về bãi cảng Đà Nẵng. Rồi đến ngày 20/1/2012, thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục Hải Quan, Chi cục Hải quan CK cảng Đà Nẵng lại tiếp tục ban hành Quyết định số 01/QĐ-HQCĐA về việc tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan với Cty Ngọc Hưng và lô hàng trên. Thời gian tính từ ngày 20/01/2012 đến 08/03/2012.
Doanh nghiệp kêu cứu!
Phản ứng trước QĐ trên, đại diện doanh nghiệp khẳng định, lô hàng 535,800 m3 gỗ trắc Cam bốt và xẻ các loại là lô hàng được nhập và xuất khẩu hợp pháp. Doanh nghiệp cho rằng sự “chậm chạp” của đơn vị chức năng liên quan đang làm “hao mòn” doanh nghiệp, gánh những khoản phí “ rơi xuống đầu”!
Trước thảm cảnh trên, Cty Ngọc Hưng đã có văn bản gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và Tờ trình gửi Bộ Tài Chính…Văn bản đã tường trình lại toàn bộ sự việc cũng như những cam kết, khẳng định phía Công ty đã thực hiện nghiêm túc việc xuất, nhập khẩu hàng hoá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam cũng như Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp. Và khẩn cầu các cơ quan chức năng can thiệp, nhanh chóng xác định đúng sai của lô hàng thuộc tờ khai hàng xuất khẩu số 849/VK/KD/C32D ngày 19/12/2011 để sớm được thông quan.
Cùng mong muốn sự việc được giải quyết, xử lý nhanh chóng nhằm mục đích giải cứu Doanh nghiệp thành viên sớm thoát khỏi bờ vực của việc phá sản, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ đạo các ngành liên quan giải quyết tháo gỡ ách tắc vụ việc.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 27/2, ông Nguyễn Văn Quý - Phó Cục trưởng cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải Quan cho biết: Qua xem xét lô hàng, qua kiểm tra chúng tôi phát hiện thêm một số đầu gỗ khác với kê khai ban đầu của Doanh nghiệp là gỗ Trắc, các loại gỗ này có trị giá tương đương và thấp hơn gỗ Trắc, hiện chúng tôi chưa thể khẳng định đây là lô hàng gỗ lậu bởi gỗ Trắc của Doanh nghiệp có mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu là 0%
"Khi phát hiện lô hàng không đúng với khai báo, Tổng cục Hải Quan chỉ đạo Hải Quan Đà Nẵng tạm giữ toàn bộ lô hàng để khám xét. Đến nay mới kiểm tra được trên 7 container, chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra tiếp và phân loại gỗ. Đồng thời, xác minh quy trình nhập khẩu để chứng minh nguồn gốc của lô hàng. Còn việc tạm giữ để kiểm tra qua 2 tháng thì là do dịp tết nghỉ dài, hơn nữa nhiều conteiner hàng mà anh em cán bộ lại ít người nên thời gian bị kéo dài là không thể khác được, hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục việc khám xét để báo cáo sự việc cụ thể lên cấp trên" - ông Quý cho biết.
Lý giải một số thắc mắc của PV Dân trí về những nghi vấn liên quan đến việc khám xét lô hàng, ông Quý nói rằng sẽ thông tin với PV sau khi có kết luận cụ thể về lô hàng và yêu cầu PV để lại nội dung câu hỏi để cán bộ Hải Quang rà soát rõ rồi thông tin đến PV.
Được biết, Cán bộ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính đã liên hệ với Tổng Cục Hải Quan để làm rõ các nội dung liên quan đến lô hàng bị tạm giữ tại cảng Tiên Sa. Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan, Cục điều tra phòng chống buôn lậu và Cục Hải quan Đà Nẵng sớm làm sáng tỏ để có kết luận đầy đủ về vụ việc.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc trên khi có diễn biến mới.
Quốc Cường