Chuyện cái lý - cái tình từ việc dân dựng barie chặn xe máy ở Hà Nội

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Trong khi nhiều người cho rằng việc dựng rào chắn là "ích kỷ, vi phạm pháp luật" thì với những người từng trải qua hoàn cảnh tương tự, họ bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ việc làm trên.

Những ngày qua, câu chuyện về việc cư dân sinh sống tại ngõ 126 Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tự ý dựng barrier chắn xe máy đi qua ngõ vào giờ cao điểm trở thành chủ đề gây xôn xao, tạo ra nhiều luồng dư luận và các ý kiến tranh luận trái chiều. 

Trong khi nhiều người bày tỏ sự đồng cảm bởi đây là con ngõ có vị trí "đắc địa", thường xuyên phải "gánh" lượng lớn phương tiện vào giờ tan tầm gây ra tình trạng ồn ào, ùn tắc, gây khó chịu và phiền toán cho người dân thì ở chiều ngược lại, không ít người lại cho rằng đây là hành động thể hiện sự ích kỷ và không phù hợp quy định của pháp luật. 

"Đừng lấy lý do đường tắc để che đi sự ích kỷ của bản thân"

Theo luồng quan điểm phản đối, độc giả Pham Anh Tuan bình luận gay gắt: "Cuộc sống vốn dĩ đã bon chen, khó khăn rồi, đừng lấy lý do để che đi sự ích kỷ của mình. Đường của dân, của Nhà nước, ngõ chật mà vẫn làm bậc để xe  chiếm nốt cái lòng đường. Nếu mỗi người lùi lại một ít đất thì có khi nhà nào ô tô cũng vào được". 

"Không thể để tình trạng vi phạm pháp luật ngang nhiên như vậy. Nếu thấy không ở được thì đi chỗ khác, đừng có cấm đường thiên hạ như vậy", bạn đọc Bao Do tiếp lời. 

"Đường Nhà nước, có phải của riêng ai đi đâu mà chặn? Những người như vậy rất ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân", anh Nhật Thanh Nguyễn viết. 

Có chung sự bất bình, độc giả Đạt Huỳnh bình luận châm biếm: "Vậy hẻm này là đất của "công" hay đất của "ông"?". 

Chuyện cái lý - cái tình từ việc dân dựng barie chặn xe máy ở Hà Nội - 1

Con ngõ được người dân lắp barrier di động (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

"Đường của chung, nỗi khổ của riêng"

Trong khi nhiều người bày tỏ sự bất bình thì ở chiều ngược lại, không ít người bày tỏ sự cảm thông với hành động trên của những người dân trong ngõ, đặc biệt với những người đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Chia sẻ câu chuyện bản thân, độc giả Huynh Huynh viết: "Tôi ở ngõ 149 đường Láng, ngày trước lúc chưa có thanh chắn, dân họ bán hàng ở chợ cạnh đó còn dựng cả xe, khóa dây sắt để khóa xe họ vào cửa nhà tôi tránh bị mất cắp, chắn hết cả lối ra vào, cửa không mở được rất bực mình. 

Việc này ảnh hưởng rất lớn tới người khác, có hôm tôi còn phải trèo qua tầng nhà hàng xóm để xuống chợ tìm người để xe chắn cửa, rất mất thời gian và gây ức chế. Bởi vậy, có thể hiểu cho sự phiền toái của người dân tại đây khi phương tiện lúc nào cũng qua lại nườm nượp, choán hết lối ra vào của gia đình, gây ồn ào và ô nhiễm". 

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Nguyen Van Phuoc viết: "Khu nhà tôi cũng có con hẻm độc đạo dẫn qua đường lớn, giờ cao điểm rất nhiều xe máy lựa chọn cung đường này. Để giảm tình trạng này, Tổ trưởng khu phố đã cho lắp đặt gờ giảm tốc tại các giao lộ với hẻm khác và kết quả rất khả quan khi giảm hẳn xe máy đổ dồn vào hẻm, nếu có đều phải chạy chậm cho an toàn". 

"Tôi không sống ở trong khu này nhưng tôi hoàn toàn đồng ý chặn lại. Đường lớn không đi, toàn đi vào khu dân cư làm tắc hết đường. Không khí thì ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi", độc giả Phú Lê ủng hộ việc chặn ngõ của cư dân. 

Phản biện những ý kiến chỉ trích, chủ tài khoản Linh Thầy Giáo viết: "Các bạn nào không đồng ý thì xin lưu ý vài vấn đề như sau: Thứ nhất, khi tắc ùn, ngõ 2 xe máy tránh nhau mà bịt kín lại thì lượng khí thải, âm thanh dồn thành một cục sẽ như thế nào? Nên nhớ xung quanh là tường cao. Thứ hai, nếu bắt dỡ bỏ, tin tôi đi, họ sẽ dựng hàng rào bằng người đứng chặn 2 đầu đường. Người dân ở đó họ quá khổ rồi, họ sẽ sẵn sàng làm vậy. Thứ ba, người Việt tính hy sinh rất cao, nhưng khổ quá thì họ mới phải làm vậy và cũng chỉ có 1 tiếng buổi sáng, ngoài ra họ cũng đã báo cáo, xin phép lãnh đạo phường rồi mà". 

"Ai đã và đang ở những hẻm nhỏ mới thấu hiểu được nổi khổ này, mong cơ quan chức năng giải quyết thấu tình đạt lý", "Từng bước dẹp xe máy thì sẽ hết thôi. Đường của chung, nỗi khổ của riêng"... nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ sự đồng cảm với người dân trong con ngõ này. 

Chuyện cái lý - cái tình từ việc dân dựng barie chặn xe máy ở Hà Nội - 2

Sau giờ cao điểm, rào chắc được dựng lên để các phương tiện đi lại (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Giải pháp nào cho những con ngõ ở Thủ đô?

Từ tình trạng trên, độc giả Doanh Tran đưa ra gợi ý như sau: "Thành phố nên ra quy định về chiều rộng tối thiểu để cho phép xe ra vào, đồng thời quy định giờ ra vào ngõ đối với ngõ nhỏ hẹp, tránh tình trạng chặn lối đi vô tội vạ, thích chặn là dựng barrier". 

"Nên học tập TPHCM, xây dựng phong trào xóa ngõ hẹp trong thành phố. Mỗi bên chỉ cần lui vào 50 cm sẽ có lối đi vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa đảm bảo an toàn cháy nổ", bạn đọc Trai Nguyen bình luận. 

Còn với độc giả Hoang Sy Ke, người này nhìn nhận đây là con ngõ có nhiều hộ dân có sổ đất chờm ra lối đi. Khi xưa họ đã thảo luận tự lùi lại để lấy lối đi cho người trong ngõ. Bởi vậy, lãnh đạo phường cần có ý kiến, đo đạc lại và thỏa thuận đền bù (nếu có) cho họ, rồi sau đó áp dụng các phương pháp tiếp theo để giải quyết tình trạng này".