Chửi bới, nhục mạ người khác coi chừng vừa mất tiền vừa bị ngồi tù!
(Dân trí) - Việc một cá nhân có hành vi chửi bới, xúc phạm người khác thì có bị coi là vi phạm pháp luật hay không? Đơn cử rõ nhất là vụ việc nữ hành khách chửi bới, xúc phạm nhân viên Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi: xúc phạm người khác sẽ bị xử lý như thế nào là hợp lý, hợp pháp?
Trước tiên, theo Luật gia Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty Luật TNHH LSX) cần nhìn nhận vấn đề dưới góc độ Quyền được bảo hộ về danh dự và nhân phẩm của con người:
Tại Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp Việt Nam 2013 có quy định:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Hay tại Khoản 1 điều 34 Bộ luật dân sự 2015 cũng có quy định
Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Theo đó, con người ai cũng đều được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm, không ai có quyền xâm phạm danh dự,nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi hành vi chửi bới, xúc phạm đến người khác đều sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Việc xử phạt hành vi chửi bới, nhục mạ nhân viên hàng không, theo Luật gia Nghĩa, lĩnh vực hàng không dân dụng là một lĩnh vực đặc biệt, có những quy định riêng về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm. Hành vi chửi bới, nhục mạ nhân viên hàng không tùy theo mức độ vi phạm mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
1. a) Xử phạt hành chính:
Hành vi chửi bới, xúc phạm nhân viên hàng không được quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực hàng không dân dụng:
Điều 26. Vi phạm quy định về an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; trên chuyến bay; tại nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không
...
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) đến 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
5. a) Gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. b) Vào khu vực hạn chế, lên tàu bay mà không đúng cổng, cửa quy định; không qua kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không;
7. c) Không khóa chốt cửa buồng lái tàu bay theo quy định trong thời gian tàu bay đang bay;
8. d) Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay;
đ) Tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học mà chưa gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng và chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
1. e) Để người, hành lý, hàng hóa, bưu gửi và các đồ vật khác chưa qua kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay;
2. g) Để người, phương tiện vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay không đúng quy định;
3. h) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay;
4. i) Đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay;
5. k) Thuê, lôi kéo hoặc xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau tại cảng hàng không, sân bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định, hành vi chửi bới, xúc phạm nhân viên hàng không sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
1. b) Xử lý hình sự:
Hành vi xúc phạm người khác nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
3. a) Phạm tội 02 lần trở lên;
4. b) Đối với 02 người trở lên;
5. c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
6. d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
1. e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
2. g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
4. a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
5. b) Làm nạn nhân tự sát.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó hành vi xúc phạm người khác có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng thậm chí có thể bị phạt tù đến 05 năm.
Trong trường hợp, vị hành khách của Vietnam Airlines có hành vi chửi bới, xúc phạm nhân viên hàng không nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nên vị khách này sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng.
Tóm lại, ai cũng cần được người khác tôn trọng, không ai có quyền được chửi bới, xúc phạm đến người khác, kể cả khách hàng.
Khả Vân (thực hiện)