Bài 5:

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang ra công văn hoả tốc sau bài báo chống tiêu cực của Dân trí!

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí đăng tải thông tin điều tra “Lộ dấu hiệu “quan huyện” Phú Quốc cấp đất sai đối tượng, trái pháp luật”, ngày 17/4, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã ra công văn hoả tốc chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc kiểm tra nội dung báo Dân trí phản ánh và báo cáo Chủ tịch tỉnh chậm nhất vào 6/5.

Sáng 18/4 trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết, liên quan đến bài viết mà báo Dân trí phản ánh những chứng cứ giả trong việc UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ cho bà Hồ Thị Bích Phượng, ông đã có ý kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến loạt bài “đất vàng đang tranh chấp, huyện Phú Quốc vẫn cấp sổ đỏ” mà báo Dân trí từng phản ánh, ngày 16/4 khi Dân trí đăng tiếp bài: “Lộ dấu hiệu “quan huyện” Phú Quốc cấp đất sai đối tượng, trái pháp luật”, ngày 17/4 Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đến Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.

Theo nội dung công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc kiểm tra lại nội dung báo Dân trí phản ánh và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 6/5.

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang ra công văn hoả tốc sau bài báo chống tiêu cực của Dân trí! - 1

Công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc kiểm tra thông tin báo Dân trí phản ánh

Như Dân trí phản ánh, vào năm 2008 ông Lê Tiến Tình và bà Hồ Thị Bích Phượng xảy ra tranh chấp thửa đất có diện tích trên 13.000m2 tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc (ông Nguyễn Văn Quốc ủy quyền cho bà Phượng đứng ra tranh chấp). Đến tháng 4/2008, UBND xã Bãi Thơm tổ chức hòa giải việc tranh chấp đất giữa ông Tình và bà Phượng nhưng không thành.

Sau đó mảnh đất này “bỗng nhiên” trở thành đất của bà Phượng và bà Phượng có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Phú Quốc. Ngày 14/01/2009, tại buổi họp giải quyết tranh chấp đất giữa ông Tình và bà Phượng, Phòng TN – MT báo cáo Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc về việc ông Tình sử dụng đất trái pháp luật; còn bà Phượng thì sử dụng đất đúng quy định. Tuy nhiên, Chủ tịch Phạm Vũ Hồng chỉ đạo Phòng TN –MT kiểm tra hiện trạng, xác minh nguồn gốc đất giữa hai bên, đặc biệt là việc chuyển nhượng từ ông Ô Rê cho bà Phượng.

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang ra công văn hoả tốc sau bài báo chống tiêu cực của Dân trí! - 2

Chỉ đạo của nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Phạm Vũ Hồng về việc kiểm tra, xác minh lại nguồn gốc đất giữa ông Tình và bà Phượng; việc sang nhượng từ ông Ô Rê sang bà Phượng...

Như vậy, Phòng TN  - MT có thực hiện việc kiểm tra nguồn gốc đất giữa ông Tình và bà Phượng cũng như việc chuyển nhượng mảnh đất từ ông Ô Rê sang bà Phượng hay không? Nếu có kiểm tra thì lí do gì ông Lê Tiến Tình và bà Trần Thị Cho không hề biết việc này?

Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2009 đến tháng 7/2011, Phòng TN  - MT và một số cán bộ UBND xã Bãi Thơm đã âm thầm thực hiện các thủ tục hợp thức hóa mảnh đất tranh chấp (giữa ông Lê Tiến Tình và bà Hồ Thị Bích Phượng) cho bà Phượng. Đến tháng 7/2011, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng ký cấp sổ đổ cho bà Hồ Thị Bích Phượng nhưng đến tháng 12/2011, bà Phượng bán thửa đất lại cho bà Trần Thị Út – xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc.

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang ra công văn hoả tốc sau bài báo chống tiêu cực của Dân trí! - 3

Văn bản họp lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc đất cho bà Phượng được cho là giả, vì trong văn bản này cán bộ xã Bãi Thơm đã ghi khống và giả chữ ký của nhiều hộ dân

Đến cuối 2017, ông Tình mới biết việc bà Phượng được UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ mảnh đất hơn 10.000m2 mà ông và bà Phượng từng tranh chấp từ năm 2008 nên ông Tình làm đơn khởi kiện tranh chấp đất với bà Hồ Thị Bích Phượng và yêu cầu UBND huyện Phú Quốc hủy bỏ Quyết định cấp đất cho bà Phượng.

Bà Trần Thị Cho nhiều lần khẳng định mảnh đất mà UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ cho bà Phượng là của ông Tình khai khẩn từ năm 2002 -2003. Ngoài ra, bà Cho còn khẳng định không hề bán đất cho bà Phượng và không hề ký giáp ranh cho bà Phượng. Hiện bà Cho đang có đơn tranh chấp mảnh đất bà đang ở với bà Phượng.

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang ra công văn hoả tốc sau bài báo chống tiêu cực của Dân trí! - 4

Những người dân biết việc UBND xã Bãi Thơm tổ chức buổi "họp dân trên giấy", giả chữ ký nhiều người dân vô cùng bức xúc trước cách làm việc không công tâm này

Trong biên bản xác minh nguồn gốc đất cho bà Phượng, UBND xã Bãi Thơm đã ghi tên và giả chữ ký nhiều hộ dân. Hiện những người dân này đang bức xúc trước cách làm gian dối của một số cán bộ UBND xã Bãi Thơm.

Ông Lê Văn Thống -  ấp Rạch Tràm, cho biết: “Khi tôi giữ chức vụ Phó trưởng ấp Rạch Tràm vào năm 2003 tôi và nhiều người dân trong ấp biết ông Tình khai khẩn mảnh đất này. Chính vì thế tôi mới ký xác nhận vào đơn “xin mác minh nguồn gốc đất” của ông Tình. Về sau việc tranh chấp đất như thế nào tôi không rõ nhưng theo tôi, cán bộ xã và huyện nếu muốn tìm hiểu thửa đất này của ai thì tổ chức họp dân, nhất là những hộ có đất liền kề với thửa đất này thì rõ thôi. Còn tổ chức “họp trên giấy”, giả chữ ký người dân thì hỏng việc rồi”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm