Bài 5:
Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe doạ, tàu cát tập kết ồ ạt “rút ruột” sông Cầu
(Dân trí) - Ngay sau khi Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa tiếp tục cho phép doanh nghiệp nạo vét luồng tuyến kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu thì khoảng 60 tầu trọng tải từ 300 tấn đến 500 tấn tập kết tổ chức “rút ruột” dòng sông. Cùng đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có kiến nghị lên Thủ tướng về việc nhiều cán bộ và cả chủ tịch tỉnh này bị đe doạ.
Bất chấp UBND tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị tạm dừng ngay việc thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu thuộc địa phận hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, gây sạt lở đê kè, thiệt hại nhiều tỷ đồng, khiến người dân bức xúc, mất an ninh trật tự nông thôn... Tuy nhiên, ngày 02/3/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh nhận được các văn bản: số 1689/BGTVT-KCHT ngày 22/02/2017 (do Thứ trưởng: Nguyễn Nhật ký); số 266/CĐTNĐ-KHĐT ngày 01/3/2017 của Cục đường thủy nội địa Việt Nam về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn từ Km1+000-Km30+000 trên sông Cầu.
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng việc này là không đúng tinh thần buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 23/02/2017.
Bắc Ninh đề nghị điều tra tình trạng bảo kê, đe dọa lãnh đạo tỉnh liên quan tài nguyên cát.
Ngày 14/3/2017, trao đổi với PV Dân trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Võ Đặng Văn Tuấn cho biết hiện nay toàn bộ các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không có bất cứ dự án nào được tỉnh cấp phép về nạo vét, tận thu sản phẩm trên sông Cầu. Tuy nhiên tỉnh Bắc Giang có văn bản cho phép Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia và tận thu cát làm vật liệu san lấp trên sông Cầu địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Ông Tuấn cho biết thêm, ngay sau khi Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ra văn bản thực hiện dự án nạo vét đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu thì đầu tháng 3/2017, tại các xã Quế Tân, Việt Thống, Phù Lãng (Quế Võ) có khoảng 60 tầu hút cát tập kết ồ ạt tổ chức “rút ruột” dòng sông Cầu. Trước sự việc nghiêm trọng như vậy, thực hiện chỉ đạo của tỉnh Bắc Ninh, ngày 9/3, UBND huyện Quế Võ đã tổ chức thành lập 3 tổ công tác với hơn 80 thành viên, thường xuyên trực 24/24h,và một tổ phản ứng nhanh trực thuộc Công an huyện để giám sát thời gian hoạt động của dự án, giám sát việc khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông trên địa bàn, giám sát khối lượng và mật độ của các tầu hút cát, giám sát độ sâu của tuyến sông Cầu.
Hiện nay tuyến sông Cầu qua khảo sát những điểm hút có độ sâu từ 15m đến 23m, rất là sâu. Theo văn bản của Cục đường thủy nội địa Việt Nam thì các điểm tầu hút khối lượng cát tất ít, theo nhận định của các tổ công tác thì với khoảng 60 tầu công xuất từ 300 đến 500 khối ồ ạt tập kết hút cát từ sáng đến tối thì sẽ hút quá số lượng mà dự án đã phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Võ Đặng Văn Tuấn đề nghị các cơ quan chức năng chấm dứt dừng các dự án nạo vét trên sông Cầu vì nguy hại đến các tuyến đê, toàn bộ các khu công nghiệp được bảo vệ bởi các tuyến đê, các nguồn thu ngân sách của huyện, của tỉnh hàng nghìn tỷ đồng, nếu như để xảy ra vấn đề liên quan an toàn đê điều sẽ ảnh hưởng rất lớn, gây ra thảm họa môi trường trên địa bàn.
Trao đổi với PV Dân trí, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh Nguyễn Hữu Dũng cho biết dự án nạo vét, tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu lợi ích trước mắt chưa thấy đâu mà sự cố đã xảy ra trên toàn bộ hệ thống tuyến đê sông Cầu như năm 2015 và đầu năm 2016 một loạt các sự cố đã xảy ra làm sạt trượt mái, chân đê, cơ đê trên tuyến sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư 30 tỷ đồng để xử lý sự cố để phòng chống thiên tai, khi đã xử lý sự cố rồi mà hiện tượng hút cát trên lòng sông Cầu vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay thì việc đảm bảo cho hệ thống tuyến kè đã được xử lý thì khó có khả năng đảm bảo ổn định để phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão, thiên tai.
Hiện trạng khai thác cát trên sông Cầu đoạn qua tỉnh Bắc Ninh.
“Chính vì vậy chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý dứt điểm, cấm toàn bộ hiện tượng hút cát trên lòng sông để đảm bảo giữ cho tuyến đê được chắc bền, đảm bảo cho việc phòng chống thiên tai”, ông Dũng đề nghị.
Sự việc liên quan đến nguồn tài nguyên cát tại Bắc Ninh còn trở nên nghiêm trọng khi nhiều cán bộ lãnh đạo, thậm chí Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đã bị đe doạ. UBND tỉnh Bắc Ninh còn cho rằng có sự bảo kê từ Trung ương đến địa phương.
Chính vì vậy, ngày 9/3/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản số 55 /UBND-NN.TN báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, về việc đề nghị tiếp tục tạm dừng thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên Sông Cầu.
UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh liên quan đến việc địa phường này kiên quyết cấm tận thu cát trên sông Cầu.
Một thực tế nhức nhối diễn ra nhiều năm nay là tình trạng cát tặc huỷ diệt các dòng sông để thu những nguồn lợi bất chính không lồ. Vì vậy, cát tặc vốn là loại tội phạm vô cùng manh động, trắng trợn và hung hãn. Thế nhưng, điều đáng sợ hơn là khi cát tặc được hợp thức hoá bằng các dự án được cơ quan nhà nước cấp phép như thực trạng đã xảy ra trên sông Cầu bị UBND tỉnh Bắc Ninh “bóc mẽ” và yêu cầu xử lý quyết liệt.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế - Bá Đoàn