Chủ tịch Hà Nội quyết “trảm” hàng loạt xe khách bến Mỹ Đình
(Dân trí)- Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chỉ đạo Sở GTVT, Công an Thành phố phân tuyến để xe khách bến Mỹ Đình sang bến khác. Trước mắt phải điều chuyển 52 phương tiện từ Mỹ Đình vào bến xe Yên Nghĩa và điều chỉnh có lộ trình những phương tiện còn lại.
Buông lỏng quản lý
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ ra rằng thời gian gần đây, bến xe Mỹ Đình đã trở nên quá tải, gây ra tình trạng mất trật tự bên trong và khu vực xung quanh bến, gây khó khăn cho hoạt động của các phương tiện, hành khách đi lại, công tác quản lý và trật tự an toàn, an ninh…
Nguyên nhân được ông Thảo cho là do tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế phát triển dẫn đến lượng hành khách tăng cao. Cơ chế quản lý, tổ chức phân luồng tuyến còn thiếu chặt chẽ, chưa khoa học cũng là nguyên nhân được ông Thảo chỉ rõ. Ngoài ra, theo ông Thảo nguồn lực đầu tư hạn hẹp nên chưa đầu tư thêm được bến xe mới, các bến xe cũ không có khả năng mở rộng. Mặt khác, công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa nghiên cứu điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tế phát triển. Trong khi đó công tác tổ chức quản lý thiếu tập trung, còn có lúc buông lỏng. Bên cạnh đó ý thức của các chủ phương tiện, lái xe còn không nghiêm túc thực hiện các quy định.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng việc tổ chức các bến xe phục vụ hành khách đi về Thủ đô là trách nhiệm của thành phố, vì vậy cần có giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân một cách ổn định, thuận lợi, không bị ngừng trệ, điều tiết, sắp xếp tối ưu cho các tuyến, tổ chức quản lý điều hành khoa học, hợp lý và thống nhất.
Chính vì vậy, ông Thảo chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Công an Thành phố nghiên cứu phân luồng, phân tuyến các bến xe. Hai đơn vị này cũng phải căn cứ lượng xe vào thành phố để nghiêu cứu đầu tư bến xe mới hoặc mở rộng theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về công suất hoạt động.
Sắp xếp khoa học, hợp lý các tuyến theo hướng QL1, QL1B đi vào bến xe Gia Lâm. Các tuyến theo hướng đường Hồ Chí Minh, QL 6 đi vào bến xe Yên Nghĩa. Các tuyến đi theo hướng QL 32 đi vào bến xe Mỹ Đình. Đối với các tuyến phía Nam đi theo QL1, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (từ Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) đi vào bến xe Giáp Bát và bến Nước Ngầm. Nếu các bến xe không đủ điều kiện bố trí thì Sở GTVT Hà Nội đề xuất địa điểm đầu tư mới hoặc tạm thời.
Ông Thảo chỉ đạo điều chuyển ngay 52 phương tiện (các chủ phương tiện đã cam kết với Sở GTVT) chạy tuyến Hòa Bình về bến xe Yên Nghĩa. Các phương tiện còn lại ông Thảo chỉ đạo điều chuyển một cách có lộ trình. Trong bến xe Mỹ Đình cũng được sắp xếp lại một cách hợp lý diện tích sử dụng để tăng hiệu quả. Nghiên cứu phối hợp sử dụng các bến xe như Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 và bãi xe phía sau bến Mỹ Đình để tổ chức hoạt động chung, điều hành thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát để giải quyết tình trạng khó khăn trước mắt.
Cuối năm nay có thêm nhiều bến mới
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, ông Thảo chỉ đạo các sở ngành Hà Nội lên kế hoạch xây dựng thêm bến xe mới. Theo đó, Tổng Công ty vận tải Hà Nội tổ chức thực hiện mở rộng bến xe Mỹ Đình theo quy hoạch với phần đất rộng 1,3 ha phía sau bến. Theo ông Thảo trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu cùng đầu tư thì có cơ chế góp vốn phù hợp với Tổng Công ty để triển khai dự án, việc điều hành bến xe phải tổ chức thống nhất theo điều hành của Tổng Công ty vận tải Hà Nội.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội còn giao Sở GTVT làm chủ đầu tư nghiên cứu, lập dự án và đầu tư xây dựng bến xe tạm tại bãi đỗ xe khu vực nút giao đường Pháp Vân - Vành đai 3 (có diện tích 6ha), đón trả khách các tuyến xe từ phía Nam theo QL1 và tuyến theo QL5, không xây dựng công trình kiến trúc cao tầng.
Đơn vị này cũng nghiên cứu, lập dự án và đầu tư bến xe khách, tiêu chuẩn cấp 2 hoặc cấp 3 tại khu vực hồ điều hòa kết hợp công viên cây xanh tại Km1 đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, để đón trả khách các tuyến xe theo hướng QL2, QL3. Chủ tịch Hà Nội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù và cải cách thủ tục hành chính để dự án trên triển khai đưa vào hoạt động cuối năm nay.
Vị trí bãi đỗ xe Đền Lừ hiện nay, ông Thảo chủ trương chỉ làm bãi đỗ xe tĩnh kết hợp bãi đỗ xe trung chuyển hoàng hóa, không chuyển đổi sang các chức năng khác, kể cả bổ sung chức năng hoạt động thương mại.
Quang Phong