Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP Hà Nội nghĩ về một Chính phủ liêm chính

(Dân trí) - Bên thềm bầu cử Quốc hội toàn quốc ngày 22/5/2016, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội - ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIV (nhiệm kì 2016 -2021) thuộc đơn vị bầu cử số 6 - tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, TP. Hà Nội bày tỏ suy nghĩ về quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính trong sạch, gần dân, vì dân, đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, lãng phí của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra hồi đầu tháng 5/2016.

PV: Ở góc độ luật sư, theo ông có những nguyên nhân nào khiến cho người đứng đầu Chính phủ đưa ra Thông điệp hành động của một Chính phủ liêm chính?

LS Nguyễn Văn Chiến: Qua 30 năm đất nước đổi mới trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với mục tiêu xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, chúng ta đã đạt được thành công lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao uy tín Việt nam trên trường quốc tế, làm thay đổi bộ mặt xã hội và cải thiện đáng kể đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế Thế giới.

Tuy nhiên, đặc tính của nền kinh tế thị trường là mang nặng tính vật chất (hàng hóa, tiền tệ), còn bản chất của hội nhập là sự giao thoa đa lĩnh vực của các nền văn hóa khác nhau trên toàn cầu nên chúng ta không tránh khỏi những tác động tiêu cực về đạo đức công vụ, lối sống, tư duy, nhận thức và ý thức xã hội của một bộ phận cán bộ công chức, đảng viên. Theo đó, các hiện tượng tiêu cực nảy sinh: sống xa hoa, quan liêu, tham nhũng, lãng phí của công, cửa quyền, sách nhiễu người dân, chạy chức chạy quyền… và chính các tác động xấu này kìm hãm sự phát triển của xã hội, giảm uy tín của bộ máy công quyền, gây mất lòng tin trong nhân dân! Nhận thức sâu sắc được thực trạng này, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra thông điệp quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, hợp lòng dân là hết sức đúng đắn, có sức lan tỏa lớn.


Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội bày tỏ nhiều suy nghĩ về quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính trong sạch, gần dân, vì dân, đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, lãng phí của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội bày tỏ nhiều suy nghĩ về quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính trong sạch, gần dân, vì dân, đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, lãng phí của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

PV: Thưa ông, chúng ta phải hiểu thế nào về Chính phủ liêm chính trong thời cuộc hiện nay?

LS Nguyễn Văn Chiến: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ” và Người giáo dục đội ngũ cán bộ lối sống “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không hề chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”, biết nêu cao tinh thần “chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính”.

Về ngữ nghĩa, “Liêm” là trong sạch, “Chính” là thẳng thắn. Việc xây dựng một chính phủ liêm chính cũng chính là xây dựng một bộ máy hành pháp trong sạch. Biểu hiện của nó là không tham nhũng, tham ô, không quan liêu, tham quyền cố vị, không lãng phí của công, không tự cao tự đại, biết phê và tự phê, khiêm tốn, thật thà thẳng thắn xây dựng tinh thần tập thể, không vụ lợi cá nhân. Theo đó, toàn bộ bộ máy Chính phủ phải quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành tiết kiệm, gương mẫu trước đồng chí, trước nhân dân; biết đoàn kết, tu dưỡng đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường chính trị, thực hiện tác phong khiêm tốn, hoà mình gần dân; phụng sự hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân và không xa rời cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

PV: Làm thề nào để chúng ta có một Chính phủ liêm chính?

LS Nguyễn Văn Chiến: Trước hết, mỗi chúng ta phải tự nhìn nhận bản thân, soi xét lại mình để kiểm điểm, đánh giá nghiêm khắc, nhìn ra cái tốt để phát huy, tìm ra cái xấu để loại bỏ. Mỗi cán bộ, đảng viên đều có tài, đức và tâm thì chúng ta sẽ có một Chính phủ liêm chính, toàn dân sẽ học tập noi theo và biết tôn trọng chính quyền. Sự thay đổi tích cực của đội ngũ công bộc sẽ làm cho người dân có ý thức công dân hơn, họ biết yêu đất nước, biết hành động đúng, từ bỏ thói thờ ơ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng cũng như vận mệnh của đất nước hôm nay.

Lúc này, nói không với tham nhũng, lãng phí là biểu hiện tích cực hàng đầu của Chính phủ trong điều kiện đất nước nợ công tăng cao, kinh tế suy giảm do khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu cũng như những bất ổn trong đời sống chính trị thế giới. Xây dựng một Chính phủ gần dân, vì dân là thể hiện quyết tâm việc gì có lợi cho dân sẽ hết sức làm, việc gì có hại cho dân là hết sức tránh, yêu dân – kính dân là để được dân kính, dân yêu. Vì vậy các vấn nạn liên quan đến bộ máy công quyền phải sớm loại bỏ: quan liêu, cửa quyền, “lái xe phong bì nhỏ, lãnh đạo phong bì to”, “ăn cắp giờ Nhà nước”, giảm lượng công chức “ăn bám” hưởng lương ngân sách, không đóng góp làm gì cho dân…

PV: Được biết luật sư là ứng cử viên ĐBQH khóa XIV (nhiệm kì 2016 -2021) thuộc đơn vị bầu cử số 6 của thành phố Hà Nội, ông có suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình đối với cư tri nếu trúng cử ĐBQH?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến: May mắn cho tôi được Ủy ban Bầu cử TP. Hà Nội giới thiệu về đơn vị bầu cử số 6 tham gia buổi tiếp xúc cử tri tại 04 huyện ngoại thành: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín trong các ngày 7/5 và 11/5/2016 vừa qua. Đây là những địa bàn nông thôn, cơ cấu kinh tế tiểu thủ công gắn với nông nghiệp nên người dân có nhiều bức xúc về môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, dân oan, kinh tế làng nghề suy thoái…Vì vậy, trong Chương trình hành động của tôi chủ yếu tập trung chủ yếu vào các vấn đề nóng bỏng này.

Đặc biệt, nếu trúng cử ĐBQH, tôi quyết tâm giám sát chống oan và giảm sai trong hoạt động tư pháp do bản thân đã có kinh nghiệm tham gia đoàn giám sát về án oan sai và án tồn đọng của Quốc hội cũng như tích lũy nhiều năm làm luật sư, trực tiếp minh oan cho nhiều người.

Bên cạnh đó, tôi sẽ quyết tâm phòng chống tham nhũng đến cùng thông qua việc đóng góp tâm huyết vào xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng đặc biệt là Luật phòng chống tham nhũng, giám sát về tham nhũng trong các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân; góp ý kiến phản biện vào những vấn đề trọng đại của đất nước nhằm chống lại nạn tham nhũng, có quan điểm kiến nghị để xây dựng một thể chế độc lập phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn. Để làm được điều này, nếu trúng cử ĐBQH thì tôi phải có trách nhiệm tham gia tích cực hoạt động của Quốc hội để nâng cao chất lượng các kỳ họp, thúc đẩy quá trình cải tiến hoạt động Quốc hội theo hướng tăng cường đối thoại, tranh luận nhằm thực hiện tốt chức năng giám sát, chất vấn theo luật định; đôn đốc các Bộ, Ngành, địa phương trả lời có chất lượng các kiến nghị chính đáng của cử tri, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Để không phụ lòng mong đợi và kỳ vọng mà cử tri đặt vào lá phiếu bầu cho tôi thì phương châm hành động của tôi là “Nói đi đôi với làm”. Tôi sẽ luôn đồng hành cùng cử tri địa phương thực hiện giám sát chặt chẽ và có chiều sâu đối với các hoạt động thực thi pháp luật nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân, giúp kiến tạo một bộ máy “chính quyền phục vụ” như thông điệp xây dựng một Chính phủ liêm chính, vì dân và gân dân của Thủ tướng Chính phủ.

Mỗi người có cách hành động riêng, nhưng với tôi thì số điện thoại di động của tôi chính là “đường dây nóng”, làm cầu nối để bà con cử tri tiếp cận, phán ảnh tâm tư, nguyện vọng về việc xây dựng chính quyền liêm chính và sau khi nghiên cứu, tôi có nghĩa vụ chuyển tải đến các cơ quan chức năng và Quốc hội bằng kiến nghị pháp lý của mình.

Anh Thế (thực hiện)