Kiên Giang - Bài 5:
Chủ nhiệm đoàn luật sư bất bình về hành trình kêu oan của cô thủ quỹ khốn khổ!
(Dân trí) - Theo luật sư Đoàn Công Thiện - Trưởng VP Luật Sư Đoàn Công Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang, cho biết, ông là người hỗ trợ pháp lí cho cô Lê Thị Mỹ Chi trong vụ kiện mà cô Chi yêu cầu TAND Kiên Giang hủy bỏ quyết định của Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang về việc cho cô Chi nghỉ việc. Qua hai phiên tòa còn nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ, nhất là tình tiết ông chứng minh cô Mỹ Chi không tư túi số 70 triệu đồng nhưng HĐXX chưa quan tâm.
Để rộng đường dư luận, mới đây PV Dân trí có cuộc phỏng vấn Luật sư Đoàn Công Thiện - Trưởng VP Luật Sư Đoàn Công Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang liên quan đến những khuất tất cô Lê Thị Mỹ Chi - Thủ quỹ Trung tâm giáo dục thường xuyên Kiên Giang bị Sở GD-ĐT Kiên Giang cho nghỉ việc vì làm mất quỹ hơn 600.000đồng.
Phóng viên: Khi tiếp nhận hồ sơ bảo vệ quyền lợi cho cô Lê Thị Mỹ Chi - Thủ quỹ Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Kiên Giang, luật sư nhận định như thế nào về vụ việc này?
Luật sư Đoàn Công Thiện: Trước khi nhận trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cô Lê Thị Mỹ Chi, tôi có tìm hiểu và được biết: Cô Mỹ Chi là người có đơn gởi cơ quan chức năng, phản ảnh những tiêu cực của Ban giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Kiên Giang, yêu cầu thanh tra làm rõ xử lý theo qui định. Sau khi thanh tra, cơ quan chức năng kết luận Ban giám đốc Trung tâm và Kế toán đã có hành vi sai phạm để ngoài sổ sách và chi sai nguyên tắc gần 700 trăm triệu đồng. Sau khi có kết luận thanh tra, Giám đốc được giải quyết cho nghỉ hưu, điều chuyển công tác đối với kế toán. Riêng cô Mỹ Chi thì bị buộc thôi việc, đây là điều không bình thường.
Từ những thông tin nắm được, điều mà tôi quan tâm là: Cô Lê Thị Mỹ Chi có bị trù dập hay không, bởi cô là người phát hiện và tố cáo tiêu cực? Nếu cô Chi có vi phạm, thì mức độ vi phạm đến đâu? Việc thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với cô có phù hợp với tính chất, mức độ sai phạm, có đúng với qui định của pháp luật hay không?
Phóng viên: Theo luật sư, Kết luận số 18 có đủ cơ sở pháp lí để Sở GD- ĐT tỉnh Kiên Giang ra quyết định thi hành kỷ luật buộc thôi việc cô Lê Thị Mỹ Chi? Luật sư có thể lí giải như thế nào về số tiền 70 triệu đồng mà ngành chức năng cho rằng cô Mỹ Chi không nhập sổ quỹ và làm mất?
Luật sư Đoàn Công Thiện: Nếu nói về cơ sở pháp lý, thì cả hai kết luận (KL18 và KL 60) của Sở tài chính Kiên Giang, đều là những căn cứ pháp lý về hình thức, để xem xét trách nhiệm cá nhân của những người có sai phạm ở Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, trong đó có cô Lê Thị Mỹ Chi.
Riêng về nội dung, hai kết luận xác định đối với số tiền rút ở kho bạc, cô Chi không nhập quỹ và làm mất quỹ với tổng số tiền 70.609.258 đồng, nhưng không làm rõ không nhập quỹ bao nhiều và mất bao nhiêu, là chưa rành mạch; Do đó, Quyết định của Sở GD -ĐT tỉnh Kiên Giang, thi hành kỷ luật buộc thôi việc cô Lê Thị Mỹ Chi là chưa thỏa đáng, bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất: Đối chiếu với quỹ tiền mặt tại thời điểm sau khi cô Chi rút tiền ở kho bạc, trong sổ quỹ phần chi thường xuyên cho cơ quan luôn bị âm, trong đó số âm cao nhất hơn 80 triệu. Như vậy, số tiền chi âm chính là số tiền ở kho bạc rút về không nhập quỹ. Số tiền này, không có chứng cứ nào xác định cô Chi sử dụng cho cá nhân cô.
Thứ hai: Việc cô Lê Thị Mỹ Chi, không thực hiện ghi nhập vào sổ quỹ là do Kế toán không ra phiếu thu, chứ không phải do cô Chi tự ý không nhập vào sổ quỹ. Đây là lỗi của Kế toán, chứ không phải lỗi của Thủ quỹ. Cô Chi chỉ có lỗi mất tiến tiền mặt 609.258 đồng khi kiểm tra, lỗi này là không đáng kể, không đến mức phải bị buộc thôi việc.
Luật sư Đoàn Công Thiện cho rằng, chỉ đạo của ông Bùi NGọc Sương chưa phải là cơ sở pháp lí để Sở GD -ĐT lấy làm căn cứ buộc cô Mỹ Chi thôi việc
Phóng viên: Qua các văn bản (02 bản án và quyết định buộc Cô Mỹ Chi thôi việc) ngành chức năng Kiên Giang căn cứ vào chỉ đạo miệng của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Ngọc Sương “buộc cô Mỹ Chi bồi thường số tiền 70 triệu đồng và cho nghỉ việc” (trích văn bản số 04 của Ban chỉ đạo tỉnh Kiên Giang về phòng chống tham nhũng vào ngày 2/3/2010). Chỉ đạo này có cơ sở pháp lý để Sở GD-ĐT Kiên Giang làm căn cứ buộc cô Chi nghỉ việc?
Luật sư Đoàn Công Thiện: Việc chỉ đạo miệng của Chủ tịch UBND tỉnh (tại thời điểm lúc giải quyết) như Phóng viên đặt vấn đề, theo tôi: Có thể là do báo cáo kết luận thanh tra không rõ như tôi trả lời ở trên, nên Chủ tịch mới đưa ra ý kiến chỉ đạo như vậy. Dù đó là ý kiến nhân danh Chủ tịch tỉnh, nhưng không phải là căn cứ pháp lý để cơ quan dưới quyền ra quyết định kỷ luật cô Chi, kể cả việc bồi thường thiệt hại; Căn cứ pháp lý phải là kết luận thanh tra, có cơ sở khách quan của cơ quan chức năng, chỉ ra được hành vi sai phạm của cô Chi theo qui định của pháp luật.
Phóng viên: Theo Luật sư, hai cấp Tòa án ở Kiên Giang bác đơn khởi kiện của cô Lê Thị Mỹ Chi có khách quan hay không?
Luật sư Đoàn Công Thiện: Trong quá trình tiến hành tố tụng, giữa Tòa án và Viện kiểm sát, có hai quan điểm khác nhau. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát tỉnh (Quyết định số 01/QĐKNPT-LĐ ngày 03-12-2014) cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng Luật lao động và Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết đơn khởi kiện của cô Chi là sai, nên yêu cầu cấp phúc thẩm hủy toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, nhưng cấp phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm căn cứ Nghị định 35/2005 ngày 17-03-2005 của Chính phủ là đúng, không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, giữ y bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của cô Chi.
Vấn đề này tôi xin được làm rõ khía cạnh pháp lý, kể cả lĩnh vực hành chính lẫn lĩnh vực lao động, để bạn đọc xem xét.
Về lĩnh vực hành chính:
Thời điểm ban hành quyết định kỷ luật cô Chi (ngày 01-11-2010), là thời điểm Luật cán bộ công chức đang có hiệu luật pháp luật (Luật số 22/2008/QH12 ngày 13-11-2008). Tại điều 80 qui định: Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ khi cán bộ, công chức có hành vi, vi phạm cho đến ngày xử lý; Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa không quá 4 tháng, kể từ khi phát hiện cho đến khi ra quyết định xử lý. Nếu cho rằng hành vi không nhập quỹ và mất tiền nói trên của cô Chi là sai phạm cần phải xử lý, thì hành vi đó xảy ra từ tháng 11 năm 2006 đến thời điểm xử lý kỷ luật (tháng 11-2010) đã quá 24 tháng; Thời hạn kể ngày 01-04-2010 (ngày ban hành kết luận số 18 được xem là ngày phát hiện sai phạm) đến ngày ban hành quyết định kỷ luật (ngày 01-11-2010) là quá 04 tháng. . . Như vậy, thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật đối với hành vi sai phạm của cô Chi đều vượt quá thời gian qui định của điều luật, như đã viện dẫn trên đây.
Bản án phúc thẩm số 01/2015/LĐ-PT ngày 28-05-2015 của TAND tỉnh Kiên Giang, áp dụng một số điều khoản của Luật Viên chức số 52/2010/QH12, ngày 15-11-2010, nhưng cũng không xem xét áp dụng điều 53 qui định thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật viên chức là chưa khách quan, vì nội dung điều 53 qui định thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật viên chức sai phạm tương tự như điều 80 Luật cán bộ công chức nêu trên.
Về lĩnh vực lao động:
Theo qui định tại Điều 85, Bộ Luật lao động 1994 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2002, năm 2006), thì người lao động chỉ bị sa thải trong các trường hợp sau:
- a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;
- b) Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm;
- c) Người lao động tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.
Nếu xem xét dưới góc độ lao động, thì sai phạm của cô Chi cũng không thuộc trường hợp phải bị sa thải.
Văn bản của TAND tối cao thụ lý hồ sơ của cô Lê Thị Mỹ Chi theo thủ tục giám đốc thẩm
Nguyễn Hành