Chồng mất không để lại di chúc, có vô lý khi em chồng đòi chia tài sản?
(Dân trí) - Liên quan đến vấn đề thừa kế tài sản, luật sư khuyên mọi người nên tìm hiểu kỹ về yếu tố hàng thừa kế để tránh những tranh chấp không mong muốn, như trường hợp trong bài viết dưới đây.
Tôi và chồng có mua được nhà và đất ở khoảng 300 m2, đã có sổ đỏ mang tên hai vợ chồng. Chồng tôi mất năm 2018, khi mất anh không để lại di chúc. Khi anh mất thì chúng tôi có 1 con và bố chồng còn sống.
Bố chồng tôi mất năm 2019. Đến nay, năm 2021 tôi muốn làm thủ tục sang tên thì người em trai của chồng tôi không đồng ý cho tôi đứng tên mà đòi chia di sản thừa kế.
Tôi xin hỏi yêu cầu của người em trai được quyền hưởng di sản thừa kế của anh trai có đúng không?
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, nếu mở thừa kế 1 lần khi chồng chị mất thì em trai không được hưởng di sản thừa kế đối với di sản do anh trai để lại do họ không thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Tuy nhiên, trong trường hợp của chị, do thừa kế được mở đến 2 lần nên người em được quyền hưởng phần tài sản của anh trai.
Cụ thể:
Tại thời điểm chồng chị mất, phần quyền (1/2 tài sản chung) của anh trong khối tài sản chung của hai vợ chồng được mở thừa kế. Khi đó những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng chị gồm: 1) Con đẻ, 2) Bố đẻ, 3) Vợ. Do sau khi chồng chị mất những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất trên không tiến hành khai nhận, phân chia thỏa thuận với nhau về việc hưởng di sản nên 3 người trên đều có phần quyền đối với nhà và đất.
Khi bố chồng chị chết, phần quyền của người này trong khối tài sản chung của vợ chồng chị lại được mở thừa kế một lần nữa. Theo đó người được hưởng di sản thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố chồng chị là cậu em.
Thừa kế đã được mở 2 lần. Lần thứ nhất khi chồng chị mất. Lần thứ hai khi bố chồng chị mất. Như vậy cậu em đã hưởng di sản phần quyền của bố để lại chứ không phải hưởng thừa kế trực tiếp từ anh trai mình.
Do đó yêu cầu của cậu em về việc được hưởng phần quyền đối với tài sản của anh trai là có căn cứ pháp luật.
Nếu cậu em không đồng ý ký vào văn bản phân chia di sản thừa kế thì không đủ thủ tục pháp lý làm căn cứ cho cơ quan chức năng cho bạn đứng tên trong sổ đỏ. Như vậy khi đã hiểu rõ được các quy định pháp luật, chị nên thương lượng để tính kỹ phần cậu em được hưởng bằng tiền và chi trả cho em. Sau đó cậu em ký văn bản từ chối hoặc nhường phần quyền thừa kế đó thì mới có thể hoàn thành việc khai nhận di sản, làm sổ đỏ đứng tên mình chị.
Xin cảm ơn Luật sư!