Chồng lấy tiền vợ thì bị khởi tố, vợ cất giữ tiền chung thì sao?
(Dân trí) - Vụ người chồng bị khởi tố vì lấy trộm tiền của vợ đã gây nhiều tranh cãi: Nếu chồng lấy tài sản chung thì bị coi là ăn trộm của vợ, vậy việc vợ giành cất giữ tài sản chung, tự do sử dụng thì sao?
Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) mới đây đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Được (SN 1978, ngụ xã Tân Bình, huyện Bình Tân) để điều tra về hành vi "Trộm cắp tài sản". Điểm đáng chú ý ở vụ án này chính là việc Được bị khởi tố và bắt giam vì lấy trộm tiền của vợ.
Theo kết quả điều tra, ngày 9/3, lợi dụng lúc chị Nguyễn Thị Niêm (là vợ của Được, SN 1977) không có mặt ở nhà, Được đã lấy máy xăng để trước cửa nhà nổ máy, gây tiếng ồn, sau đó dùng búa, đục và xà beng cạy khóa két sắt để trong phòng ngủ, lấy tiền và nữ trang trị giá gần 500 triệu đồng.
Sau đó, Được mang số tài sản trên đến một nhà trọ thuộc tỉnh Kiên Giang để lẩn trốn. Quá trình điều tra, Công an huyện Bình Tân đã phối hợp với Công an tỉnh Kiên Giang, bắt giữ Được. Theo trình báo, trong số tài sản bị trộm có gần 200 triệu đồng là tiền chị Niêm cất giữ cho mẹ ruột, số tiền còn lại là tài sản chung của vợ chồng Được.
Trước sự việc, nhiều người thắc mắc: Tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung, như vậy ông chồng lấy chính tài sản của mình mà lại bị xử lý hay sao?
PV Dân trí đã có buổi trao đổi với thẩm phán, luật sư để phân tích kỹ sự việc dưới góc độ pháp lý.
Dù là tài sản riêng hay chung thì đều bị xử lý hình sự
Đó là quan điểm của một lãnh đạo viện kiểm sát cấp quận tại TP Hà Nội. Vị này cho biết: Dù là vợ chồng nhưng nếu chị Niêm mà chứng minh được số tiền 200 triệu đúng là tài sản riêng của mẹ chị gửi, thì bị cáo Được sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trộm cắp.
"Ngoài số tiền 200 triệu mà chị Niêm khai là của mẹ gửi, còn số tài sản chung mà bị can Được lấy trộm, thì dù là tài sản chung của hai vợ chồng họ nhưng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm phải xử về tội trộm cắp tài sản. Bởi lẽ bản chất của sự việc là người chồng cố tình muốn chiếm đoạt tài sản chứ không đơn giản là giận tức thời nên gây chuyện.
Cụ thể là người này đã dàn dựng hiện trường để thực hiện hành vi cạy két lấy trộm tiền, đem đi lẩn trốn, khi bị công an bắt thì anh chồng mới nhận tội. Với hành vi ngụy tạo của người chồng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng đủ cơ sở để xử tội danh này. Còn nếu anh ta lấy rồi và công khai thừa nhận với vợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự", vị thẩm phán nêu quan điểm.
Đồng tình với ý kiến nêu trên, luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, những vụ việc như thế này ít được xử ở Việt Nam bởi lâu nay quan niệm vợ chồng như một, tiền vợ là tiền chồng, tiền chồng cũng là tiền vợ. Trong khi đó, luật nước ngoài quy định rất rõ ràng: Hai người là hai cá nhân độc lập, phần nào thỏa thuận là tài sản chung thì là tài sản chung, phần nào riêng là riêng. Vợ tự cho mình quyền lục ví lấy tiền của chồng khi chồng không đồng ý là không đúng. Ngược lại cũng vậy, muốn lấy để sử dụng chung phải có sự đồng ý của cả hai.
Luật sư Xuyến dẫn chứng điều 43 Luật hôn nhân gia đình 2014: "Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng."
Theo điều trên, tiền của chồng/vợ có thể được coi là tài sản riêng của để phục vụ nhu cầu thiết yếu của bản thân.
Bên cạnh đó, theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi bạo lực về kinh tế trong gia đình thì:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình; Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động; Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Như vậy trong vụ việc này, chồng lấy tiền của vợ có thể bị coi là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cần xem xét toàn diện
Không đồng tình với hai quan điểm trên, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Công ty Luật LSX cho rằng tội trộm cắp phải thỏa mãn hai điều kiện: Lén lút và lấy tài sản của người khác.
Về hành vi lén lút thì bị cáo Được đã hoàn thành, nhưng điều gây tranh cãi là tài sản này có phải của người khác hay không? Trên thực tế, hai vợ chồng chưa ly hôn, tức tài sản này vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Vì thế, trong trường hợp này không thể xác định phần tài sản của người khác (người vợ) là bao nhiêu.
Để xác định thì cần phải có thỏa thuận của hai vợ chồng hoặc một bản án của tòa. Hai người vẫn chưa ly hôn và chưa xác định được phần của mỗi người trong tài sản bị lấy nên không thể xác định người chồng "trộm" bao nhiêu trong số tài sản bị lấy để định tội danh. Vì vậy, dù người chồng có lén lút lấy nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để buộc tội cho anh ta là trộm cắp tài sản của vợ.
Về tài sản chung của vợ chồng, căn cứ theo Điều 33, Luật Hôn nhân và Gia đình và về tài sản riêng của vợ, chồng, căn cứ Điều 43, Luật Hôn nhân và Gia đình thì nếu như không có thỏa thuận nào khác giữa hai vợ chồng về tài sản đó là tài sản riêng của mỗi người thì tài sản đó là tài sản chung. Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập quan hệ sở hữu đối với tài sản đó để xác định hành vi lén lút lấy tiền, vàng của bị cáo Được có cấu thành tội phạm hay không.
Sẽ có hai trường hợp xảy ra như sau: Nếu chứng minh được số tiền 200 triệu là của mẹ chị Niêm gửi và tài sản mà Được lấy trộm là tài sản riêng của chị Niêm thì bị cáo sẽ bị kết tội trộm cắp tài sản theo khoản 1, Điều 138. Còn nếu không chứng minh được đó là tiền của mẹ chị Niêm gửi và tài sản mà Được lấy trộm là tài sản chung của vợ chồng thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Bộ luật Hình sự chỉ quy định tội trộm cắp đối với hành vi "Trộm cắp tài sản của người khác" (Điều 173, Bộ luật Hình sự 2015), chứ không có quy định nào đối với hành vi xâm phạm tài sản chung hợp nhất, trong đó có phần tài sản của chính mình. Trong Bộ luật Hình sự, đối với các tội về xâm phạm sở hữu cũng đều quy định như vậy - nghĩa là phải xâm phạm tài sản của người khác thì mới cấu thành các tội phạm này.
Bộ luật Hình sự đã quy định rõ hành vi trộm cắp là lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Không cần biết chủ tài sản là ai, chỉ khi nào không phải của mình mà lén lút lấy thì mới là phạm tội trộm cắp. Tiền, vàng của vợ chồng trong trường hợp này là loại tài sản chung hợp nhất của người giữ (vợ) và người lấy về (chồng) chứ không phải tài sản của người thứ ba nào khác.
Nếu cứ suy luận người chồng lấy tài sản chung là ăn trộm của vợ thì việc người vợ giành cất giữ hết tài sản chung, tùy tiện chi xài, tự do sử dụng… là gì đây?