Chồng giả mạo chữ ký của vợ để vay tiền ngân hàng thì phạm tội gì?
(Dân trí) - Vợ chồng tôi đang trong quá trình ly thân, mới đây tôi được biết anh ấy mang bìa đỏ của nhà đi thế chấp để vay tiền ngân hàng và nhờ một người khác giả làm vợ ký vay tiền.
Hiện nay chồng tôi đã bỏ đi, tôi muốn ra ngân hàng chuộc lại sổ về có được không? Tôi muốn kiện chồng vì nhờ người giả chữ ký của tôi được không? Liệu chồng tôi hay người được nhờ sẽ bị xử lý? Mức xử phạt là như thế nào? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tại khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch và Bộ luật dân sự năm 2015 quy định khi giao dịch tài sản chung bắt buộc phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng…"
Nếu chị muốn đến ngân hàng tiến hành các thủ tục tất toán các khoản vay để giải chấp đối với tài sản là quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của 2 vợ chồng, thì chị cần phải có văn bản ủy quyền của chồng chị.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc định đoạt tài sản chung phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Trong trường hợp này, hai vợ chồng chị cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc chồng chị nhờ người khác giả mạo chữ ký của chị để thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật.
Do đó, giao dịch dân sự thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền tại ngân hàng có thể được xác định vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chị có thể làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố giao dịch vô hiệu. Hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Ngoài ra, hành vi nhờ người ký giả chữ ký của chị để thế chấp đất vay tiền ngân hàng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Để xác định khung hình phạt cụ thể thì cần căn cứ vào số tiền trên thực tế mà chồng bạn đã chiếm đoạt và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của vụ án. Chồng chị và người được nhờ ký giả có thể phải đối diện với trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức xử phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 12 năm, 20 năm và tù chung thân.