Bình Định:

Chòng chành trên những chuyến đò vượt sông Kôn đến lớp!

(Dân trí) - Nhiều năm qua, hàng ngày các em học sinh ở thôn Hữu Giang, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) phải vượt sông Kôn đến trường trên những chuyến đò ngang chòng chành, hiểm nguy rình rập… Học sinh cũng như người dân luôn ao ước một cây cầu bắc qua sông.

Bình Định: Chòng chành trên những chuyến đò ngang vượt sông tới trường

Hiểm nguy trên những chuyến đò

Nằm ở thượng nguồn sông Kôn, thôn Hữu Giang chỉ cách trung tâm xã Tây Giang chỉ chừng 1km, nhưng lại tách biệt bởi con sông Kôn. Cho nên, học sinh cũng như người dân phải sống cảnh “gần nhà, xa ngõ”. Nhiều năm nay, học sinh ở thôn Hữu Giang phải đến trường bằng những chuyến đò ngang chòng chành vượt sông Kôn rộng cả gần 100m. Vào mùa nước lũ, nước sông Kôn rộng và sâu hơn khiến cho mỗi lần qua đò sang sông trở thành nỗi bất an của người dân cũng như học sinh nơi đây.

Hàng ngày, các em học sinh ở thôn Hữu Giang, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) chòng chành trên những chuyến đò vượt sông Kôn đến trường.
Hàng ngày, các em học sinh ở thôn Hữu Giang, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) chòng chành trên những chuyến đò vượt sông Kôn đến trường.

Ghi nhận của PV Dân trí tại bến đò thôn Hữu Giang, sau buổi tan học, nhóm học sinh gần chục em và những cô, dì bán hàng cùng ngồi lên chiếc thuyền nhỏ, chẳng người nào mặc áo phao. Khi chiếc thuyền ra giữa dòng cứ chòng chành, nước mấp mé mép thuyền như muốn lật úp xuống sông nhưng các em vẫn xem như không. Có lẽ, hàng ngay phải đến trường trên chiếc thuyền nhỏ đã trở thành quen nên các em chẳng còn cảm giác sợ.

Em Huỳnh Thị Thanh Nhã (lớp 11A3, Trường THPT Võ Lai, huyện Tây Sơn) cho biết: “Mùa nắng đi đò thì thấy bình thường, nhưng vào mùa mưa, nước sông dâng cao thì sợ lắm. Hôm nào mưa to, gió lớn nước sông dâng thì chúng em phải nghỉ học hoặc cha mẹ chở đi xuống thôn Phú Lạc, xã Bình Thành rồi vòng qua đập dâng Vân Phong để đến trường mất chừng 15km, chưa kể chiều về”.

Các em học sinh bỏ xe đạp lại rồi lên đò ngang đến trường
Các em học sinh bỏ xe đạp lại rồi lên đò ngang đến trường

Cũng theo em Nhã, ở quê điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều khoản phí phải đóng góp nhưng mỗi năm học mỗi học sinh phải đóng cho chủ đò 150 đồng. Điều đáng nói, bến đò này tự phát, mọi người qua đò chẳng thấy ai mặc áo phao nên hiểm nguy luôn rình rập.

Ao ước có một cây cầu

Theo thống kê, toàn thôn Hữu Giang hiện có 370 hộ dân với 1.000 nhân khẩu. Không có cầu không chỉ khó khăn trong đi lại và sinh hoạt, mà còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội. Vào mùa thu hoạch lúa, bà con phải chi phí một số tiền lớn cho việc vận chuyển; muốn lên chợ Đồng Phó bán con gà, con vịt cũng phải mất cả buổi đường… Vì vậy, ngày nào ít cũng tốn 10 ngàn đồng tiền đò.

Bến đò chỉ vài chiếc phao cứu sinh để bờ phòng khi có sự cố xảy ra
Bến đò chỉ vài chiếc phao cứu sinh để bờ phòng khi có sự cố xảy ra

Trong khi đó, hơn 150 học sinh đang theo học ở các trường THCS và THPT cũng phải vượt sông Kôn để đến trường.

Thầy Phạm Văn Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Lai, cho biết: “Hiện có trên 60 học sinh ở 3 khối lớp 10, 11 và 12 ở thôn Hữu Giang đang theo học tại trường. Nếu đi đường đập Vân Phong các em phải vòng đường quá xa, nên hầu hết các em học sinh đều phải đi đò để tới trường. Mùa khô thì không sao, chứ mùa mưa lũ thì việc đến lớp của các em gian nan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước khi phải qua đò. Vì vậy, mỗi khi có mưa lũ, nhà trường phải động viên phụ huynh các học sinh tìm nhà người quen ở gần trường để cho các em ở lại. Nếu như có cây cầu bắc qua sông, việc học tập, đi lại của các em sẽ thuận lợi hơn”.

Bà Bùi Thị Mai (81 tuổi, trú Đội 1, thôn Hữu Giang, xã Tây Giang), chia sẻ: “Ở đây muốn đi đâu cũng khổ. Già như tui đây cũng phải ngồi đò qua bệnh xá xã khám lấy thuốc uống. Dân ở đây mong mỏi có một cây cầu bắc qua sông. Nếu có xây cầu tôi cũng chẳng mong sống tới lúc đó để đi qua cầu, nhưng thương cho các cháu học sinh hàng ngày đi học qua đò ngang nguy hiểm lắm”.

Người dân gặp nhiều khó khăn khi qua trung tâm xã
Người dân gặp nhiều khó khăn khi qua trung tâm xã
Hầu hết các em học sinh chẳng có áo phao khi ngồi đò qua sông
Hầu hết các em học sinh chẳng có áo phao khi ngồi đò qua sông

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Tây Giang, bến đò tại thôn Hữu Giang chỉ là tự phát, nhưng chính quyền xã không thể cấm vì đây là nhu cầu rất lớn của bà con. “Để đảm bảo an toàn cho việc đi lại, xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền kết hợp với kiểm tra chủ đò, người điều khiển đò để quán triệt, ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, cấp phát áo phao cho người đi đò, song ý thức chấp hành của chủ đò lẫn người đi đò còn hạn chế”- ông Anh nói.

Nói về khát vọng xây cầu của người dân, ông Anh, chia sẻ: “Đây là vấn đề nóng trong nhiều năm qua, tuy nhiên nguồn kinh phí xây dựng cầu vượt quá khả năng của địa phương. Chúng tôi rất mong chính quyền cấp trên và các ngành liên quan quan tâm xây dựng một chiếc cầu nối liền hai bờ sông, để cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn”.

Doãn Công