3 phút cùng luật sư:
Chó cắn chết người, chủ nuôi phải chịu trách nhiệm gì?
(Dân trí) - Những trường hợp chó cắn chết người đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Tuy gây ra tổn thất lớn cho nạn nhân nhưng lại không thể xét xử vật nuôi. Vậy lúc này chủ vật nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
Từ đầu năm đến nay, đã có rất nhiều trường hợp bị chó tấn công dẫn đến bị thương hay thậm chí là gây ra cái chết thương tâm. Điển hình như vụ việc bé trai 7 tuổi bị đàn chó 7 con cắn chết tại Hưng Yên vào ngày 4/3 vừa qua đã khiến nhiều người phẫn uất.
Việc chó cắn chết người cũng không phải quá hy hữu. Hồi tháng 7/2018, một bé gái 8 tháng tuổi ở Đội Cấn, Hà Nội bị chó nhà nặng 40kg cắn gây chấn thương sọ não, chấn thương vùng trán và tử vong ngay sau đó. Hay tháng 8/2019 một người đàn ông ở Thanh Xuân, Hà Nội bị chó nhà em trai mình cắn vào cổ gây tử vong.
Vậy trong những trường hợp này, người chủ vật nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật? Chuyên mục 3 phút cùng Luật sư mời bạn đọc gặp gỡ Chuyên viên tư vấn pháp lý, Luật gia Tạ Quốc Dũng để cùng tìm hiểu về vấn đề này.
Thưa luật gia, trường hợp vật nuôi gây hại cho người khác như làm bị thương hay thậm chí gây tử vong, người chủ nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm gì theo pháp luật?
Trường hợp vật nuôi làm người khác bị thương dù có dẫn đến tử vong hay không thì trách nhiệm dân sự sẽ được đặt ra đầu tiên. Người sở hữu vật nuôi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại căn cứ theo quy định của BLDS. Ngoài ra hành vi trên có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 90/2017. Tùy vào mức độ, tính chất của hành vi thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội giết người, vô ý làm chết người, cố ý gây thương tích, tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.
Cụ thể trong vụ việc bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên, người nuôi đàn chó tấn công cháu bé đã thả rông chó của mình mặc dù biết chó của mình rất dữ và được hàng xóm nhắc nhở rất nhiều lần. Trong trường hợp này, người chủ có bị xem xét tăng nặng tội hay không thưa luật gia?
Do pháp luật hình sự hiện nay chưa quy định tội danh cụ thể đối với hành vi trên và quy định về tình tiết tăng nặng cũng chưa đề cập trường hợp này, nên theo quan điểm cá nhân của tôi thì sẽ không được xem là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, hành vi của người nuôi đàn chó ở Hưng Yên có thể phạm vào tội vô ý giết người vì người đó nhận thức thú nuôi mình nuôi rất hung dữ, vượt quá mức độ nguy hiểm của thú nuôi bình thường nhưng lại không có biện pháp an toàn như rọ mõm, xích... với trạng thái nhận thức được sự nguy hiểm đó có thể xảy ra nhưng lại cẩu thả trong việc nuôi nhốt chó của mình
Hoặc phạm tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người tại Điều 295 BLHS dẫn đến hâụ quả chết người. Vì đó là khu vực làng xóm, nhiều hộ dân cư, người qua lại nhưng chủ lại không có các biện pháp nuôi nhốt thú nuôi hợp lý dù chó của người đó rất hung dữ.
Có thể thấy, ý thức của người chủ vật nuôi rất quan trọng đối với an toàn của vật nuôi và cả những người xung quanh. Vậy có hình thức xử phạt nào đối với những người chủ không trông chừng cẩn thận mà hay thả rông vật nuôi của mình hay không thưa luật gia?
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, chủ con vật sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng nếu không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Theo Nghị định 41/2017/NĐ-CP, mức tiền phạt sẽ từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng với các vi phạm như: không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi; vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường;...
Thư Quỳnh - Nguyễn Quang