Sóc Trăng:

Chính quyền làm khó, người dân đồng loạt ký đơn xin mở bến phà mới

(Dân trí) - Liên quan đến việc chính quyền làm khó người dân mở bến phà qua sông đoạn huyện Long Phú qua huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), hàng trăm người dân ở xã Đại Ân 1 đã đồng ký tên vào đơn gửi chính quyền địa phương và ngành chức năng xin được có bến mới tại vị trí mà bà Thủy xin phép.

Trong đơn kiến nghị, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ xã Đại Ân 1) cho biết: “Chúng tôi là dân nghèo, sống bằng làm thuê làm mướn, hàng ngày luôn qua lại trên bến phà Long Phú - Cù Lao Dung. Từ chỗ chúng tôi đến bến phà Đại Ân 1 (bến cũ) phải chạy xe gần một giờ đồng hồ, lại phải chờ phà khá lâu nên ảnh hưởng rất lớn đến công việc cũng như tốn kém hơn. Trong khi đó, nếu đi phà từ Vàm Rạch Lớn sang Long Phú chỉ mất chừng 10-15 phút chạy phà”.

Khi biết bà Thủy đầu tư mở bến tại địa phương mình, nhiều người dân rất phấn khởi vì từ đó sang Long Phú hay xuống huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu gần hơn rất nhiều so với đi bến cũ. Để “tiếp sức” cho bà Thủy, gia đình ông Nguyễn Văn Thấm đã cho bà Thủy sử dụng phần đất của gia đình có chiều dài 886m để làm đường bê tông rộng 2m nối từ đường giao thông liên xã xuống bến phà.

Ông Nguyễn Văn Thấm cho biết, người dân rất vui khi bà Thủy mở bến phà để phục vụ việc đi lại cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Thấm cho biết, người dân rất vui khi bà Thủy mở bến phà để phục vụ việc đi lại cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Thấm cho biết: “Từ trước đến nay, người dân chúng tôi muốn sang Long Phú hay đi về cảng Trần Đề phải đi vòng lên bến phà cũ, vừa xa vừa tốn kém, mất thời gian. Với lại, còn đường đến bến phà cũ là đường bê tông khoảng 1,2m đã bị hư hỏng nhiều, chạy xe vất vả lắm, nhất là những người chở hàng hóa ra chợ bán. Còn bây giờ bà Thủy mở bến phà này, chúng tôi chỉ cần khoảng 15 phút qua sông là sang tới huyện Long Phú, rút ngắn cả chục cây số chứ không ít ỏi gì. Bà Thủy mở bến phà là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con ở đây. Mấy ngày đầu hoạt động, người dân đi phà đông lắm nhưng do huyện cho lực lượng như công an, thanh tra giao thông xuống trực tại bến phà nên người dân phải bỏ phà của bà Thủy để đi phà cũ. Thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng cần sớm cấp phép cho bến phà mới hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân chúng tôi”.

Còn anh Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: “Hồi chưa có phà của bà Thủy, chúng tôi buôn bán thường lấy hàng của đại lý bỏ mối thì giá cao hơn bởi chi phí vận chuyển đường xa hơn. Từ ngày bà Thủy đưa phà vào hoạt động, đại lý bỏ hàng cho chúng tôi giá thấp hơn bởi không còn phải đi đường vòng như trước. Vì vậy, việc mở bến phà của bà Thủy là rất chính đáng, đáp ứng nhu cầu của bà con chúng tôi. Tôi đi nhiều, thấy ở nơi khác bến phà mở rất gần chứ không phải cách 4- 5km như ở đây”.

Bến phà của bà Thủy vắng tanh vì bị chính quyền địa phương làm khó.
Bến phà của bà Thủy vắng tanh vì bị chính quyền địa phương làm khó.

Như Dân trí đã phản ánh, bà Lê Thị Lệ Thủy (ngụ tại ấp Hòa Hinh, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đầu tư khoảng 3 tỷ đồng mở bến phà từ xã Long Phú (huyện Long Phú) sang xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) sau khi đã được các cơ quan chức năng từ xã, huyện và Sở GT-VT Sóc Trăng có những văn bản bước đầu “bật đèn xanh” cho xây dựng bến phà. Thế nhưng, sau khi bến xây xong thì việc cấp phép hoạt động cho bà Thủy bị gây khó bởi sự mâu thuẫn khó hiểu của địa phương và ngành chức năng.

Qua tìm hiểu, năm 2012, ông Nguyễn Văn Út (ngụ tại phường 4, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) xin phép các cơ quan chức năng của huyện Long Phú và huyện Cù Lao Dung cũng như Sở GT-VT Sóc Trăng để mở bến phà đưa khách ngang sông từ Rạch Mười Chiến (thuộc xã Long Phú, huyện Long Phú) sang Vàm Rạch Lớn (thuộc xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung) và ngược lại. Đơn của ông Út được UBND xã Đại Ân 1 và UBND xã Long Phú xác nhận đủ điều kiện mở bến.

Ngày 25/6/2012, Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Long Phú có Công văn gửi Sở GT-VT Sóc Trăng xin chủ trương vị trí đấu nối vào quốc lộ Nam Sông Hậu để mở bến khách ngang sông tại vị trí ông Út xin mở bến và được Giám đốc Sở GT-VT Sóc Trăng chấp thuận bằng văn bản ngày 20/7/2012.

Sau đó vì nhiều lý do, ông Út không làm tiếp nên ủy quyền lại cho bà Thủy thực hiện. Bà Thủy làm đơn xin cấp phép mở bến đều được UBND các xã Long Phú và Đại Ân 1 xác nhận và chuyển về Phòng Kinh tế- Hạ tầng các huyện Long Phú và Cù Lao Dung cùng Sở GT-VT Sóc Trăng xem xét, giải quyết.

Ngày 18/12/2014, ông Trần Bé Tư (Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung) có công văn trả lời bà Thủy với nội dung “Vị trí xin mở bến (của bà Thủy) và vị trí bến khách Đại Ân 1 (đã có từ nhiều năm trước- PV) có khoảng cách tương đương 3km sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác kinh doanh vận tải của 2 bến. Hiện tại bên Đại Ân 1 (bến có trước) đã đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và đảm bảo an toàn giao thông, không cần thiết mở thêm bến Vàm Rạch Lớn”. Còn huyện Long Phú cũng trả lời “Thống nhất với huyện Cù Lao Dung”.

Lý giải việc này, ông Trần Anh Việt- Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: “Theo quy định, khi bà Thủy xin cấp phép mở bến thì phải được sự đồng ý chấp thuận của UBND huyện Cù Lao Dung và huyện Long Phú bởi nơi đây là nơi cấp phép theo ủy quyền của UBND tỉnh”.

Quá nóng ruột vì đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để mở bến nhưng chờ không thấy cấp phép, bà Thủy đánh liều hoạt động thì huyện Long Phú cho lực lượng xuống túc trực tại bến phà, không cho người dân đi phà của bà Thủy mà buộc họ phải đi bến phà của người khác, cách đó khoảng 5km.

Hồ sơ xin đầu tư xây bến phà đã cho thấy khi ông Út xin mở bến phà, đã có sự chấp thuận của chính quyền và ngành chức năng. Cụ thể, Phòng Kinh tế- Hạ tầng của 2 huyện và Sở GT-VT Sóc Trăng đều có văn bản xác nhận “Vị trí mở bến không nằm trong khu vực cấm xây dựng; không ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa”. Sở GT-VT Sóc Trăng có văn bản “Đề nghị ông Út đầu tư đường dẫn, cầu bến và lắp đặt biển báo hiệu loại C4.6 kết hợp với báo hiệu thông báo phụ loại C5.3 cho 2 đầu bến. Đồng thời, liên hệ với UBND huyện Long Phú và huyện Cù Lao Dung lập thủ tục mở bến”. Nhưng cuối cùng lại không cấp phép hoạt động cho bà Thủy khiến cho người dân bị thiệt thòi, còn bà Thủy thì…chết đứng.

Bạch Dương