Chỉ dẫn lòng tin

Thật khó để giải thích cho một người cao tuổi hiểu được, đó là những tin tức xuyên tạc, bịa đặt, được tạo ra quá dễ dàng, nghe thì giống như thật nhưng không phải thật.

Lợi dụng mạng xã hội (MXH) để đăng thông tin bịa đặt vu khống, xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác, quảng cáo phản cảm, đó là những gì xảy ra thường xuyên trên MXH, khiến nhiều người hoang mang. Bộ quy tắc ứng xử trên MXH vừa ban hành sẽ là bảng chỉ dẫn, cảnh báo cho mọi người khi đi vào xa lộ thông tin.

Chú tôi một nông dân chính hiệu thường dành rất nhiều thời gian trong ngày để xem tin tức thời sự, chính trị... Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, thói quen đã thay đổi.

Ông ít nghe, xem tin tức qua đài tiếng nói, qua truyền hình, thay vào đó ông bật smart tivi, mở youtube để xem những kiểu tin tức được "chế biến" cho giống chuyện thâm cung bí sử, triều chính... Sau khi xem xong, đây sẽ là nguồn "nguyên liệu" quan trọng để ông bàn tán, đôi khi "thì thụt" với hàng xóm, láng giềng...

Những buổi chiều, dưới bóng hiên nhà, câu chuyện của những người già có thêm phần đặc biệt quan trọng, đó là chuyện chính sự, nhân vật đương thời hoặc quá khứ, của ông này ông kia, phe cánh... Đa phần các tin tức kiểu như vậy đã được bóp méo, "thêm mắm thêm muối" nhưng họ đón nhận với tâm trạng cực kỳ tò mò, thích thú.

Chỉ dẫn lòng tin - 1

Những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, kích động bạo lực… ngày một nhiều trên mạng.

Chú tôi hay nói, mày làm báo bao nhiêu năm chắc gì đã biết ông A có bao nhiêu vàng gửi ở nước ngoài, có mấy con riêng, hiện nay theo phe nào... nhờ có mạng tao mới biết được khối chuyện động trời, trước nay có ai dám nói đâu.

Thật khó để giải thích cho một người cao tuổi hiểu được, đó là những tin tức xuyên tạc, bịa đặt, được tạo ra quá dễ dàng, nghe thì giống như thật nhưng không phải thật. Nếu tranh luận, rất dễ bị ông nổi cáu và mắng té tát.

Đem câu chuyện này nói với bạn bè, đồng nghiệp của mình, tôi thấy giật mình khi nhận thấy, việc tiếp cận thông tin của người lớp người cao tuổi, không am tường công nghệ đang có xu hướng dịch chuyển rất lớn. Các kênh tin tức uy tín thực sự trên các kênh sóng truyền thống đang bị mất dần những khán giả trung thành, lâu năm của mình. Nhiều người dân chuyển sang xem tin tức trên mạng xã hội và bắt đầu tin theo, cho đó là tin tức thật.

Thuật toán thông minh của youtube cũng sẽ khiến các kênh thông tin fake này được sắp xếp nối tiếp nhau để khán giả có thể theo dõi, lắng nghe cả ngày không hết.

Hiện nay, chưa có một điều tra xã hội nào một cách chính thức về sự dịch chuyển trong việc tiếp cận thông của công chúng. Chúng ta biết mạng xã hội đang làm mưa làm gió, nhưng lại chưa nghiên cứu, đo lường được chính xác, người dân đang họ đang thực sự xem gì, thích gì, tiếp nhận tin tức hàng ngày ra sao, trong bao lâu...

Hệ quả là rất nhiều nhóm khán giả đang dò dẫm trên xa lộ thông tin với những dòng chảy bất tận. Và trên xa lộ đó, tất nhiên chưa có hướng dẫn, chưa có cảnh báo, quy tắc để mọi người đi đúng chiều, nắm bắt, tiếp nhận, chọn lọc được nhưng thông tin hữu ích.

Mới đây, Bộ thông tin Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử khi tham gia mạng xã hội. Nhìn chung, đây là một văn bản tích cực, khá cần thiết nhưng nếu nói về tính hiệu quả, thì lại là một câu chuyện khác. 

Từ trước tới nay, khi chưa có bộ quy tắc, người dùng mạng xã hội vẫn phải tuân thủ quy định không được đưa tin sai, không được chửi bới, xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác... Nếu vi phạm, nhà chức trách sẽ xem xét và chỉ rõ họ phạm vào điều nào, khoản nào để truy cứu chứ không thể lôi bộ quy tắc ra làm thước đo rồi xử lý.

Ý kiến của cá nhân tôi, có vẻ như các cơ quan quản lý đã chú ý nhiều hơn đến nhóm người, nhóm đối tượng có khả năng tạo ra tin tức, dù tin tức đó là đúng hay sai. Ngược lại, ở phía người tiếp nhận tin tức, chúng ta đang chưa có nhiều giải pháp để "nâng tầm" nhóm đối tượng này, giúp họ từng bước phân biệt và miễn nhiễm với tin tức giả.

Ví dụ như lớp người cao tuổi đang làm quen với mạng xã hội, nhiều người "ngây thơ" tin ngay vào những gì đang phát trên tivi và hình thức giống hệt những bản tin quen thuộc họ đang xem. Làm thế nào để phân biệt đâu là thật, đâu là giả là việc không dễ dàng gì.

Vậy, nếu đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cơ quan chức năng nên có nghiên cứu kỹ hơn về các nhóm công chúng, từ đó đưa ra các bộ quy tắc, chỉ dẫn, hướng dẫn một cách ngắn gọn, dễ hiểu khi tiếp cận thông tin từ mạng xã hội. Ví dụ khi lên mạng cần lựa chọn kênh nào uy tín, dấu hiệu nhận diện kênh uy tín là gì...

Mặt khác, các cơ quan truyền thông chính thống cũng cần xuất hiện trên môi trường này nhiều hơn, sáng tạo nội dung hấp dẫn hơn để thu hút công chúng.

Chúng ta phải thực sự thay đổi cách làm, những tin tức khô cứng kiểu "cúng cụ", phát sóng vào một khung giờ cố định và ép khán giả phải xem vào giờ đó chắc chắn cho hiệu quả rất thấp. Thậm chí có những bản tin phát vào giờ đi ngủ hoặc giờ ăn sáng sẽ chẳng có ai xem. Với xu hướng hiện nay, việc truyền thông một chiều như vậy sẽ không mang lại nhiều tác dụng.

Thời gian vừa qua, rất nhiều người dân mất tiền oan vì nghe các bản tin sức khỏe giống hệt bản tin trên báo chí, truyền hình chính thống. Công chúng bị thuyết phục, dẫn dắt và bỏ tiền cho các thần y, thần dược, phương thuốc ba đời bí truyền...

Khi để người dân tin theo những thông tin ba xàm, bá láp đó, rõ ràng việc quản lý và định hướng, tuyên truyền, hướng dẫn của chúng ta đã có những bất cập. Truyền thông chính thống, đáng tin đã không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Nhưng mất tiền dù sao cũng dễ thấy, dễ nhận biết, dễ xử lý hơn là việc người dân ngày ngày nghe theo những tin tức giả mạo, độc hại trên mạng xã hội. Nếu tiếp tục bỏ trống môi trường này, dần dần chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thứ có giá trị hơn tiền. Ví dụ như niềm tin của người dân.