Chế tài xử lý nhóm bắt cóc tống tiền 10 tỷ đồng

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, có thể xem xét tình tiết định khung phạm tội "có tổ chức" với nhóm nghi phạm và xem xét áp dụng khung hình phạt 5-12 năm tù.

Như Dân trí thông tin, chiều 10/5, anh M.V.C. (Phó Giám đốc một doanh nghiệp tại TP Cần Thơ) bị nhóm 4 đối tượng gồm Nguyễn Hữu Nghĩa (47 tuổi, chủ mưu), Nguyễn Thanh Nguyên (37 tuổi, em ruột Nghĩa, cùng ở Đồng Tháp), Nguyễn Quốc Thanh (37 tuổi, ở Cần Thơ) và Lý Minh Chánh (46 tuổi, sống lang thang) lên kế hoạch dàn cảnh bắt cóc, tống tiền. Nhóm đối tượng yêu cầu gia đình anh C. nộp 10 tỷ đồng để chuộc người, nếu không sẽ phải "nhận xác con tin". 

Tới rạng sáng 12/5, khi mới nhận được của gia đình 44,5 triệu đồng, nhóm đối tượng bị lực lượng cảnh sát hình sự các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long và của Bộ Công an phối hợp bắt giữ. 

Với hàng loạt hành vi có tính chất, thủ đoạn tinh vi như trên, Nghĩa và các nghi phạm còn lại có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật? 

Chế tài xử lý nhóm bắt cóc tống tiền 10 tỷ đồng - 1

Nhóm đối tượng bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Ảnh: CTV).

Luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá dưới góc độ xã hội, những hành vi nêu trên của nhóm đối tượng là hết sức liều lĩnh, thể hiện sự manh động, coi thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội cũng như tiềm ẩn nguy cơ xâm hại tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác, cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Dưới góc độ pháp lý, ông Thắng nhìn nhận dựa trên diễn biến tâm lý, ý chí chủ quan và quá trình thực hiện hành vi phạm tội, nhóm nghi phạm đã bộc lộ rõ ý đồ bắt cóc anh C. nhằm tống tiền, chiếm đoạt tài sản của gia đình nạn nhân. Do đó, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015. 

Về chế tài, khoản 1 Điều này quy định người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù 2-7 năm. Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết định khung như phạm tội có tổ chức, đối với 2 người trở lên, chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đến dưới 200 triệu hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 11% đến dưới 30% thì bị xử lý theo khoản 2 Điều này với khung hình phạt 5-12 năm tù. 

Đối chiếu với vụ việc trên, có thể thấy dù yêu cầu số tiền 10 tỷ đồng nhưng trên thực tế, nhóm đối tượng mới chiếm đoạt được của gia đình 44,5 triệu đồng. Do đó, xét về giá trị tài sản chiếm đoạt, hành vi của Nghĩa và các đồng phạm chưa thuộc khoản 2 Điều này. 

Tuy nhiên, về tính chất, với việc các nghi phạm đã phối hợp lên kế hoạch hết sức chi tiết từ việc thuê các căn nhà tại Vĩnh Long và Hậu Giang, dùng SIM không chính chủ liên lạc, mời anh C. tới khảo sát, dùng điện thoại của nạn nhân để liên lạc với gia đình hay yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân để tránh bị truy lùng, có thể thấy có sự phối hợp vô cùng tinh vi, đồng bộ giữa các nghi phạm. Do đó, có cơ sở để xem xét tình tiết định khung phạm tội "có tổ chức" đối với 4 đối tượng này. 

"Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 quy định đồng phạm là trường hợp có 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm, còn phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đối với trường hợp này, đây là vụ việc có yếu tố đồng phạm, trong đó Nghĩa là chủ mưu còn những người còn lại có vai trò giúp sức tích cực, phối hợp để giúp Nghĩa đạt được mục đích cuối cùng. Bởi vậy, việc xem xét tình tiết định khung phạm tội có tổ chức là hoàn toàn phù hợp", ông Thắng bình luận. 

Chế tài xử lý nhóm bắt cóc tống tiền 10 tỷ đồng - 2

Theo luật sư Dương Đức Thắng, việc xem xét tình tiết định khung phạm tội có tổ chức đối với các nghi phạm là hoàn toàn có cơ sở (Ảnh: NVCC).

Nếu bị xử lý theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt có thể áp dụng cho nhóm nghi phạm là 5-12 năm tù. 

Tuy nhiên, bên cạnh mức phạt trên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ đánh giá một cách khách quan, toàn diện hồ sơ vụ án và xem xét cả những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với nhóm nghi phạm. Căn cứ quy định tại các Điều 51 và 54 Bộ luật Hình sự 2015, nếu người bị kết tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên và đáp ứng các điều kiện khác về lý lịch, nhân thân... theo quy định của pháp luật, tòa án có thể xem xét tuyên phạt mức án thấp hơn so với khung hình phạt người phạm tội có thể bị truy tố theo quy định của pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm