Căn cứ xử lý thêm tội danh với nghi phạm bắt cóc 2 bé gái ở TPHCM

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, bên cạnh tội danh đã bị khởi tố, cần xem xét thêm trách nhiệm hình sự của nghi phạm về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1, TPHCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, quê Tiền Giang) về tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Theo công an, Vi quen một người đàn ông nước ngoài và được chu cấp tiền. Người này yêu cầu Vi tìm các bé gái để quay clip khiêu dâm. Tối 3/4, Vi nhắm tới 2 bé gái trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, dẫn dụ 2 bé về căn hộ cho thuê tại chung cư Saigon Pearl để thực hiện hành vi đê hèn rồi gửi cho bạn trai. Kiểm tra điện thoại bị can, công an phát hiện nhiều hình ảnh, clip nhạy cảm của các nạn nhân.

Trường hợp này, Vi có thể bị áp dụng chế tài ra sao theo quy định của pháp luật? Có cơ sở để xem xét thêm tội danh đối với nghi phạm hay không là thắc mắc của nhiều độc giả.

Căn cứ xử lý thêm tội danh với nghi phạm bắt cóc 2 bé gái ở TPHCM - 1

Phạm Huỳnh Nhật Vi bị khởi tố về tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Ảnh: Thuận Thiên).

Bị can đối diện khung hình phạt nào?

Trích dẫn quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết người nào lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức sẽ bị xử lý về tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Khoản 4, Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giải thích trình diễn khiêu dâm được hiểu là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức.

Khoản 6 Điều này quy định các hình thức biểu hiện trình diễn khiêu dâm liên quan tới người dưới 16 tuổi bao gồm các hành vi cơ bản như sau:

Thứ nhất, trực tiếp trình diễn khiêu dâm, dụ dỗ người dưới 16 tuổi trực tiếp trình diễn khiêu dâm;

Thứ hai, chiếu trực tiếp cảnh trình diễn khiêu dâm có sự tham gia của người dưới 16 tuổi;

Thứ ba, dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi tự chụp, quay lại cảnh trình diễn khiêu dâm của mình sau đó phát tán;

Thứ tư, dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi khỏa thân và truyền tải trực tiếp âm thanh, hình ảnh qua internet (livestream);

Thứ năm, trình chiếu các ấn phẩm đồi trụy có sử dụng người dưới 16 tuổi hoặc hình ảnh mô phỏng người dưới 16 tuổi (hoạt hình, nhân vật được tạo ra bằng công nghệ số)

Thứ sáu, mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối chiếu lời khai được cơ quan chức năng cung cấp với các quy định của pháp luật liên quan, Vi đã dụ dỗ 2 bé gái về căn hộ chung cư rồi quay clip khiêu dâm gửi cho bạn trai. Đây là hành vi có dấu hiệu của việc sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Do đó, theo luật sư Giáp, việc cơ quan điều tra khởi tố nghi phạm về tội danh này là hoàn toàn có cơ sở.

Về khung hình phạt, mức phạt cơ bản của tội danh trên là 6 tháng tới 3 năm tù. Nếu cơ quan chức năng xác định Vi thực hiện hành vi với cả 2 bé gái, nghi phạm có thể bị áp dụng tình tiết định khung phạm tội đối với 2 người trở lên theo khoản 2 Điều 147 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt áp dụng là 3-7 năm tù.

Đồng thời, do người mẹ khai rằng con gái có vấn đề về tâm lý sau khi bị bắt cóc, công an cũng sẽ tiến hành giám định sức khỏe tâm thần đối với các bé để xác định nạn nhân có bị sang chấn tâm lý, loạn thần và ảnh hưởng tới hành vi hay không. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy kết quả tổn thương về tâm thần từ 11% trở lên, cơ quan chức năng sẽ xem xét áp dụng thêm các tình tiết định khung, tăng nặng dành cho nghi phạm. Khung hình phạt nặng nhất của tội danh này có thể lên tới 12 năm tù.

Ngoài ra, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ đánh giá một cách cẩn trọng, tỉ mỉ, khách quan các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm để áp dụng mức xử phạt phù hợp nhất, vừa đảm bảo tính răn đe nhưng cũng thể hiện sự khoan hồng của pháp luật nếu nghi phạm cho thấy sự ăn năn, hối cải và hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng.

Cơ sở xem xét thêm tội danh

Cũng theo dõi vụ việc, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ sự bất bình trước hành vi của nữ nghi phạm. Dưới góc độ xã hội, ông đánh giá đây là hành vi thể hiện sự đồi trụy, biến thái, xâm phạm nghiêm trọng tới nền tảng đạo đức xã hội.

Dưới góc độ pháp lý, với góc nhìn của người từng có nhiều năm tham gia các vụ án hình sự với vai trò kiểm sát viên, luật sư cho rằng cần bóc tách, làm rõ từng diễn biến hành vi của nghi phạm Vi trong vụ án này.

"Việc công an bước đầu khởi tố bị can theo Điều 147 là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp. Nối tiếp hoạt động trên, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục củng cố lời khai, thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của nghi phạm.

Trường hợp này, cần thiết phải bóc tách hành động của Vi thành 2 diễn biến hành vi cụ thể, đó là bắt cóc trẻ em và quay clip khiêu dâm. Khi đó, cần phải làm rõ việc Vi đưa 2 cháu về căn hộ nhằm mục đích gì, việc các cháu bị đưa đi là do tự nguyện hay do Vi sử dụng bạo lực, đe dọa để bắt đi hoặc dùng thủ đoạn khác, lợi dụng hạn chế về nhận thức để đưa các cháu đi theo mình. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để xem xét thêm trách nhiệm hình sự của nghi phạm", ông Thắng phân tích.

Trường hợp cho thấy 2 bé bị đưa đi là hậu quả của việc sử dụng bạo lực, đe dọa hoặc dùng thủ đoạn khác của Vi, có cơ sở để xem xét thêm trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Với tình tiết định khung phạm tội đối với từ 2 người trở lên, mức án có thể đề xuất là 5-10 năm tù, căn cứ khoản 2 Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, trách nhiệm pháp lý của người đàn ông nước ngoài cũng là vấn đề cần làm rõ. Trong đó, ông Thắng cho rằng có 2 vấn đề cần quan tâm, đó là: Thứ nhất, người đàn ông đó hiện có ở Việt Nam hay không, nếu không, có cơ sở để dẫn độ từ quốc gia người này đang cư trú về Việt Nam để phục vụ điều tra không? Thứ hai, vai trò của người đàn ông trong vụ án là gì, có tạo điều kiện về vật chất, tinh thần, ra lệnh, ép buộc hay cùng Vi lên kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội hay không. Đây sẽ là 2 cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét trách nhiệm hình sự của người này.

Về nguyên tắc xử lý tội phạm về tình dục, Điều 6 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP đã nêu cụ thể về việc đối với trường hợp xâm hại người dưới 13 tuổi, vi phạm luân thường, đạo đức, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, cần áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan.

Hoàng Linh