CĐV: Xuân Son là liều thuốc cho "căn bệnh" của đội tuyển Việt Nam

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Trong thế giới bóng đá yêu cầu nhiều hơn từ một tiền đạo cắm như hiện nay, việc bổ sung cầu thủ như Xuân Son chẳng khác nào liều thuốc cho căn bệnh khan hiếm tiền đạo giỏi của bóng đá Việt Nam".

Phút 84 trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Singapore tại bán kết lượt đi AFF Cup 2024, sau một nhịp khống chế và tì đè, Nguyễn Xuân Son (tên nước ngoài là Rafaelson) tung cú vô lê trái phá, găm thẳng vào góc xa khung thành đội tuyển Singapore.

Dù bàn thắng không được công nhận, song pha xử lý đó đã nói lên nhiều điều. Chất lượng của Xuân Son nói chung cũng như các cầu thủ ngoại nói riêng là không phải bàn cãi và hoàn toàn vượt trội. Liệu đã tới lúc những người làm thể thao nên nghiêm túc cân nhắc và có một chính sách rõ ràng trong việc nhập tịch, sử dụng vận động viên gốc nước ngoài hay chưa? 

CĐV: Xuân Son là liều thuốc cho căn bệnh của đội tuyển Việt Nam - 1

Xuân Son ôm đầu tiếc nuối sau khi "siêu phẩm" bị từ chối một cách khó hiểu bởi trọng tài (Ảnh: Tuấn Bảo)

Dưới góc nhìn của người chơi thể thao, độc giả Hoàng Linh cho rằng dù chỉ là một tình huống nhưng đó là pha bóng lột tả sự khác biệt giữa Xuân Son nói riêng cũng như cầu thủ ngoại nói chung so với phần còn lại của đội tuyển Việt Nam. 

"Ai chơi thể thao đều hiểu tại thời điểm cuối trận, để tì đè và xử lý "ngọt" bước một tại một pha bóng như vậy đã khó, nhưng xoay lưng lại và vung chân để tung ra cú sút như vậy lại càng khó hơn, đòi hỏi chân trụ, trọng tâm phải rất chắc cũng như lực chân phải rất khỏe. Bóng đá Việt Nam có thể sản sinh ra nhiều tiền đạo giỏi, nhưng có một điều phải thẳng thắng thừa nhận rằng tố chất của người Việt Nam chưa cho phép chúng ta sở hữu một tiền đạo với đầy đủ phẩm chất xuất sắc như vậy. 

Văn Quyến, Công Vinh hay Tiến Linh có thể khéo léo, có cái chân rất "ngoan" nhưng thiếu sức mạnh, thể lực trong khi Việt Thắng hay Anh Đức có sức mạnh, khả năng cài đè nhưng kỹ thuật lại hạn chế. Trong thế giới bóng đá yêu cầu nhiều hơn từ một tiền đạo cắm như hiện nay, việc bổ sung cầu thủ như Xuân Son chẳng khác nào liều thuốc cho căn bệnh khan hiếm tiền đạo giỏi của bóng đá Việt Nam. 

Tất nhiên, thành công của Xuân Son không cho phép chúng ta được nuông chiều và nhập tịch ồ ạt để đi theo vết xe đổ của các đội tuyển như Trung Quốc hay Singapore, nhưng đó là một gợi ý cho những người làm thể thao nước nhà. Đối với những vị trí mà thể chất người Việt Nam chưa đáp ứng được như trung vệ, tiền vệ phòng ngự hay tiền đạo cắm, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch là phương án không tồi nhằm gia tăng sức mạnh cho đội tuyển. Tuy nhiên, cần phải chọn lọc một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng và có những bộ tiêu chí cụ thể đối với những VĐV muốn khoác lên mình màu cờ sắc áo Việt Nam", độc giả này bình luận. 

Đồng quan điểm, độc giả Toàn Lê phân tích: "Pha bắt vô lê vào lưới Singapore tuy không được công nhận nhưng đã cho thấy đẳng cấp của Xuân Son, không cầu thủ nội nào có thể làm được. Tại các nước như Nhật Bản, Qatar hay kể cả Trung Quốc, việc nhập tịch có thể chỉ là giải pháp tạm thời vì tại đây cầu thủ của họ vốn đã có thể hình, thể lực tốt, còn với các nước Đông Nam Á, việc nhập tịch cần được coi là bắt buộc bởi tố chất con người của khu vực chúng ta không phù hợp với bóng đá đỉnh cao. 

Ngoài ra, tôi cũng luôn ủng hộ việc sử dụng cầu thủ gốc Việt và khai thác tối đa nguồn lực Việt kiều. Đó là những cầu thủ được đào tạo bài bản ở các nước phát triển, có thể giúp nâng tầm bóng đá Việt Nam. Còn cứ đào tạo trẻ và chỉ ưu tiên cầu thủ quốc nội thì mãi chỉ có thể hướng tới AFF Cup mà thôi.

"Sử dụng cầu thủ nhập tịch là tốt, nhưng chỉ nên sử dụng người tâm huyết cống hiến cho bóng đá Việt Nam và xem Việt Nam như quê hương của mình như trường hợp của Xuân Son. Mong Xuân Son luôn khao khát và hết mình vì bóng đá Việt Nam", độc giả Nguyễn Văn Xúc nêu ý kiến. 

"Thời buổi hội nhập, nhập tịch để cất cánh là cần thiết, nhưng nên chọn lọc kỹ càng để bóng đá nội và cầu thủ thuần nội địa cố gắng, quyết tâm hơn thay vì đánh gục ý chí của họ. Đội tuyển chỉ nên giữ tỷ lệ 3-1, tức 3 cầu thủ thuần nội địa thì có một nhập tịch, tức tối đa chỉ nên có 4 cầu thủ trên sân trong một trận đấu. Nếu nhập tịch ồ ạt, không có chiến lược, kiểm soát có thể khiến người hâm mộ không còn hào hứng với đội tuyển cũng như làm thui chột giải quốc nội", anh Việt Anh gợi ý. 

CĐV: Xuân Son là liều thuốc cho căn bệnh của đội tuyển Việt Nam - 2

Xuân Son đang là sự khác biệt của đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Tuấn Bảo).

"Mỗi tuyến chỉ cần bổ sung một cầu thủ nhập tịch, chất lượng và tuổi đời tương tự Xuân Son là tốt rồi. Nên sử dụng người trẻ, còn khát khao cống hiến, không nên sử dụng các cầu thủ ngoài 30, đã qua thời đỉnh cao và không còn cam kết tương lai với đội tuyển. Thể chất con người của chúng ta hiện chưa đảm bảo, do đó vẫn cần có thêm sức mạnh và sự cơ bắp để bù trừ cho những khiếm khuyết hiện nay", bạn đọc Khánh Lahm bình luận. 

"Nhập tịch hiện là xu thế của thể thao thế giới, để đạt thành tích cao hoặc một mục tiêu ngắn hạn nào đó. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế khi chúng ta còn yếu, cần bổ sung, khỏa lấp các vị trí khiếm khuyết. Còn về lâu dài, để bóng đá Việt Nam phát triển bền vững thì cốt lõi vẫn là những giá trị từ nội tại, từ việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thể chất của người Việt Nam. 

Còn trước mắt, nên ưu tiên bổ sung cầu thủ Việt kiều, đồng thời chỉ sử dụng 1-2 cầu thủ nhập tịch có chất lượng thật sự để làm trụ cột, khỏa lấp vị trí còn thiếu. Không nên lạm dụng, nhập tịch ồ ạt bởi nó sẽ mang lại mặt trái, hủy hoại sự phát triển của bóng đá nước nhà", anh Lê Hoàng nhấn mạnh. 

CĐV: Xuân Son là liều thuốc cho căn bệnh của đội tuyển Việt Nam - 3