Cắt điện bất thường gây khó cho người dân nông thôn

Đã đến mùa mưa, các hồ chứa không thiếu nước dùng cho các nhà máy thuỷ điện mà người dân vẫn phải đối mặt với tình trạng cắt điện thất thường, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất.

Trước đây tình trạng cắt điện ở các khu vực nông thôn xung quanh Hà Nội khoảng 2-3h một ngày. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian cắt điện luân phiên này, người dân được thông báo thời gian, lịch trình cắt điện để chuẩn bị. Nhưng hiện nay, người dân không được thông báo như vậy nữa. Tình trạng cắt điện xảy ra thường xuyên và liên tục kéo dài. Có khi khoảng thời gian cắt điện là từ 5h sáng đến 6h tối. Nhưng cũng có khi từ 5h sáng tới tận 8h tối mà không hề được thông báo gì. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trước đây, ngành điện lý giải vì Sông Đà thiếu nước. Nhưng hiện nay, một nghịch cảnh xảy ra là nước Sông Đà đang ở mức báo động số 1, có lúc hồ chứa phải chuẩn bị xả lũ trong khi điện bị cắt ngày càng nhiều.

 

Với tình trạng kinh tế còn khó khăn như hiện nay, nhà nước cùng nhân dân đang oằn mình chống lại lạm phát và xoá đói giảm nghèo. Nhưng với tình hình cắt điện như vậy, những xưởng sản xuất nhỏ ở các vùng quê gần như bị ngưng trệ do không có tiền mà mua máy phát điện. Các hợp tác xã nhỏ không thể sản xuất hàng hoá vì thiếu điện và thường phải sản xuất vào ban đêm. Đó là không tính đến những hàng hoá không thể sản xuất ban đêm và việc sản xuất như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh.

 

Đơn cử như việc phát triển nghề thêu ở nông thôn, các doanh nghiệp đang phối hợp với người dân trong các dự án sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại các vùng quê nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo, mang thu nhập cho người phụ nữ các vùng nông thôn, giúp họ không phải ra thành thị kiếm sống mà bỏ mặc gia đình, con cái. Đồng thời những dự án này giúp giảm gánh nặng cho thành thị khi mà số lượng người lao động không có việc làm ở nông thôn ngày một nhiều tràn về các thành thị để kiếm việc làm gây nên những áp lực về kinh tế và bất ổn xã hội. Đấy còn là biện pháp góp phần giảm giá thành sản phẩm và tăng kim ngạch xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, với tình trạng cắt điện như hiện nay, việc sản xuất các mặt hàng này gần như không thực hiện được. Người phụ nữ không thể làm việc được khi đêm đã quá khuya. Thời hạn giao hàng thường xuyên bị kéo dài dẫn đến việc phá vỡ các hợp đồng. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài không quan tâm đến chuyện Việt Nam mất điện hay thiếu điện, họ chỉ quan tâm đến chuyện thực hiện các hợp đồng đúng hay không.

 

Hiện nay khi mà người dân đang oằn lưng với tình trạng giá cả nhu yếu phẩm leo thang hàng ngày trong khi giá cả sản xuất ngày một giảm, thu nhập bị ảnh hưởng do không sản xuất được hoặc sản xuất ít, người ta chỉ có thể lấy sức lao động và điều kiện sinh hoạt ở nông thôn để bù lại và để có hàng hoá sản xuất thì việc thiếu điện đang chất thêm lên vai họ những gánh nặng kinh tế.

 

Và với tình trạng thiếu điện hơn 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày như đang xảy ra thì sẽ đưa cuộc sống của người dân đến đâu ở các vùng nông thôn ? Cuộc sống  sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Với thời tiết 35-370C, trong khi điều hoá ở thành phố bật đến lạnh người thì người dân vùng nông thôn đang phải sống bằng những chiếc quạt tay và có nơi phải ăn cháo cho qua bữa.

 

Đây là vấn đề của ngành điện và cũng là vấn đề thuộc về chính sách đối với nông dân và nông thôn. Đẩy mạnh  cổ phần hoá đối với ngành điện là cần thiết, xong việc phần phối điện thuộc về quyền điều hành của chính phủ và không thể xem nhẹ các vùng nông thôn, càng không thể cắt điện tùy tiện theo quan điểm “sống chết mặc bay…”!

 

Những trì trệ trong việc giải quyết thỏa đáng việc phân phối điện cho các vùng nông thôn đang góp phần tạo nên gánh nặng cho nền kinh tế bởi vì vô hình chung ngành điện đang góp phần thu hẹp nguồn cung từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp để góp phần tăng nguồn hàng xuất khẩu; mặt khác còn làm cho số người nghèo trong xã hội tăng lên.

 

Mặt khác tình hình đó còn dẫn tới một nghịch lý, chúng ta đang góp phần tiêu thụ hàng hoá của Trung Quốc với số lượng lớn. Mỗi gia đình ở nông thôn hiện nay có ít nhất từ 1-2 sản phẩm tích điện của Trung Quốc như: đèn, quạt, pin, ắc qui,… Mà vòng đời của những sản phẩm này rất ngắn. Với tình trạng này, đất nước ta sẽ là nơi để tiêu thụ hàng kém chất lượng và không mấy chốc trở thành bãi phế thải của thế giới từ chính những hàng hoá mới 100%. Và điều quan trọng nhất là cuộc sống của người dân đang trở lại thời kỳ những năm 70-80 của thế kỷ trước.

 

Nguyên Bình 

 

LTS Dân trí - Tình trạng bị cắt điện nhiều và bất thường ở các vùng nông thôn, kể cả ở ngoại thành Hà Nội, là hết sức đáng quan tâm. Đây là vấn đề  kinh tế - xã hội có ý nghĩa rộng lớn; Hội nghị Trung ương 7 của Đảng đang họp bàn để đưa ra những quyết sách đúng đắn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới của nông nghiệp, nông dân và nông thôn (tam nông). Ngành điện cần tính toán lại tổng sản lượng điên có thể cung ứng hằng ngày và có kế hoạch phân phối hợp lý cho các vùng nông thôn, nhất là những nơi có làm những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt những khi cần cắt điện thì phải lên kế hoạch và thông báo trước cho các hộ dùng điện.

 

Không vì tình trạng cung chưa đủ cầu mà ngành điện có thái độ cửa quyền đối với khách hàng, nhất là ở những vùng nông thôn. Chắc chắn Chính phủ sẽ có những biện pháp xử lý kiên quyết, không để kéo dài tình trạng như vậy vì điều đó không đúng với tinh thần chỉ đạo của Hội nghị TƯ 7.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm