Cấp giấy chứng nhận nghề giáo: Thừa thãi, quá vất vả và tốn kém!

PV

(Dân trí) - Độc giả Dân trí cho rằng thay vì đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng giảng dạy trong môi trường sư phạm.

Tại hội thảo tham vấn chuyên đề xây dựng Luật Nhà giáo tổ chức ngày 19/1 tại TPHCM, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu đề xuất về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Theo đó, đây dự kiến là văn bản được cấp cho người đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu hoạt động nghề nhà giáo và thay thế quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Với phạm vi và mức độ tác động lớn, đề xuất trên nhận về vô số ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người nhìn nhận đây là vấn đề hệ trọng, cần được đánh giá một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Cấp giấy chứng nhận nghề giáo: Thừa thãi, quá vất vả và tốn kém! - 1

Độc giả cho rằng việc "khai sinh" giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo không khác nào sự phủ nhận đối với công sức mà các thầy cô, sinh viên trường sư phạm đã nỗ lực, miệt mài để đào tạo ra những thế hệ nhà giáo kế cận cho đất nước (Ảnh minh họa: Trường Newton 5).

"Ngành nghề nào cũng vẽ thêm cái chứng chỉ để tăng quyền hạn, ảnh hưởng của mình!"

Bình luận về thông tin trên, độc giả Phan Trọng bày tỏ sự bức xúc. Anh cho rằng việc "khai sinh" giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo không khác nào sự phủ nhận đối với công sức mà các thầy cô, sinh viên trường sư phạm đã nỗ lực, miệt mài để đào tạo ra những thế hệ nhà giáo kế cận cho đất nước.

"Đã đào tạo một sinh viên sư phạm suốt 4-5 năm, rồi qua thực tập, luận văn tốt nghiệp để có tấm bằng sư phạm, như vậy đã có đủ trình độ năng lực sư phạm để có thể làm giáo viên ở cấp độ tương ứng được đào tạo, vậy còn đẻ ra thêm cái chứng chỉ mới công nhận họ làm gì nữa? Sao không gộp luôn vào chương trình học để tất cả những ai đã tốt nghiệp đều đủ tiêu chuẩn đứng lớp làm giáo viên? Giờ ngành nghề nào đào tạo xong cũng đều vẽ thêm cái chứng chỉ để tăng thêm quyền hạn, ảnh hưởng của mình.

Nếu bộ giáo dục nói chứng chỉ, chứng nhận nghề nghiệp là quan trọng với giáo viên, là cơ sở thể hiện trình độ người làm người giáo, vậy tôi thử hỏi, với một người chưa học qua bất cứ trường sư phạm nào những đã thi đạt chứng nhận nghề nghiệp giáo viên, vậy có thể coi họ là nhà giáo hay không? Khi đó, tấm bằng đại học sư phạm mà các sinh viên suốt 4-5 năm dùi mài để có được, chẳng lẽ chỉ để làm tiêu chuẩn để đăng ký tham gia sát hạch cấp chứng chỉ hay sao", độc giả này bất bình.

Đưa ra cùng góc nhìn, anh Trương Thắng viết: "Vậy bằng tốt nghiệp không phải chứng nhận nghề nghiệp sư phạm (Nhà giáo) thì cần gì học sư phạm? Như vậy có nghĩa Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đào tạo ngành sư phạm chưa đủ tiêu chuẩn, nên phải thêm giấy chứng nhận nghề sư phạm? Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem lại cách đào tạo chưa chuẩn nghề nghiệp của mình".

"Mỗi năm, giáo viên đều phải học lớp bồi dưỡng thường xuyên và thi chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Hoạt động này diễn ra hàng năm, không phải chỉ thi một lần để lấy giấy phép hành nghề. Giờ đẻ thêm cái giấy chứng nhận này, có phải vẽ vời không?", người dùng Duong Tuan Anh chỉ ra thực trạng hiện nay.

Còn với anh Thanh Tran, độc giả này cho rằng chất lượng đào tạo mới là vấn đề cốt lõi phải quan tâm, còn đề xuất của Bộ Giáo dục vừa qua chẳng khác nào "thừa giấy vẽ voi".

"Điều cần làm và thiết thực hơn là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường sư phạm. Đề nghị phân công giáo viên giỏi hướng dẫn, bồi dưỡng sinh viên trong thời gian kiến tập và sau khi ra trường. Bộ Giáo dục không quan tâm tới công sức, trí tuệ của các em sinh viên, không nghĩ được việc gì hay hơn thì lại "thừa giấy vẽ voi", người này nêu ý kiến.

Chung quan điểm, chủ tài khoản ketcauthepvietnam viết: "Nâng thu nhập giáo viên lên cao và giúp môi trường giáo dục thân thiện thì ắt hẳn có giáo viên giỏi. Một khi thu nhập thấp, môi trường làm việc không hấp dẫn thì những sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề cũng không muốn theo ngành này".

"Bộ Giáo dục nên nghĩ sao để chất lượng giáo dục từ mầm non trở lên thực chất hơn, đừng nghĩ thêm giấy tờ cho nhà giáo nữa. Những năm qua, nhiều chứng chỉ, chứng nhận làm họ quá vất vả và tốn kém rồi. Bộ nên kiểm soát đầu vào, đầu ra, chương trình đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng về sư phạm tại Việt Nam, khi đó sẽ có đội ngũ thầy cô chuẩn", một ý kiến tới từ người dùng Duc Nhuong Vu.

"Nếu có quy định này, các trường sư phạm hiện nay tồn tại ra sao? Có nên còn hệ thống đào tạo giáo viên nữa không? Đơn cử như nội dung bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghề dạy học vừa qua, 100% giống nội dung đã được công bố và nghiên cứu thường xuyên", người dùng Nguyen Thanh Hoa bày tỏ.

Cấp giấy chứng nhận nghề giáo: Thừa thãi, quá vất vả và tốn kém! - 2

Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo mới là vấn đề cốt lõi phải quan tâm, còn đề xuất của Bộ Giáo dục vừa qua chẳng khác nào "thừa giấy vẽ voi" (Ảnh minh họa: trường Newton 5).

Bác sĩ học 6 năm còn cần chứng chỉ, nghề giáo càng cần hơn

Trái ngược với những ý kiến trên, có người lại cho rằng việc đào tạo cấp chứng chỉ ngành nghề là cần thiết nhằm củng cố kiến thức thực tế, khả năng "thực chiến" cho các sinh viên sư phạm sau khi ra trường.

"Hầu như nghề nào mà chẳng cần chứng chỉ hành nghề, đặc biệt liên quan trực tiếp tới con người. Bác sĩ học 6 năm còn cần chứng chỉ hành nghề, nên nghề nhà giáo càng cần hơn. Rất nhiều nghề đòi hỏi đào tạo liên tục và yêu cầu có chứng chỉ lâu rồi. Hơn nữa, việc có chứng chỉ sẽ làm minh bạch hóa quá trình tuyển dụng, sử dụng con người, giải quyết những tiêu cực nếu có", độc giả Minh Thanh bình luận.

"Ví dụ nghề luật sư, một sinh viên luật sau 4 năm khi ra trường phải tiếp tục học thêm 1,5 năm tại Học viện Tư pháp, sau đó trải qua 1 năm tập sự trước khi được tham gia kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Với nghề Y, một sinh viên học 6 năm, ra trường vẫn tiếp tục phải ôn tập để lấy chứng chỉ hành nghề. Trên đây là 2 ví dụ chỉ ra rằng việc cấp chứng chỉ đã diễn ra từ lâu và luôn rất cần thiết, giúp củng cố nền tảng kiến thức và chuyển hóa thành kinh nghiệm thực tế cho sinh viên nhà trường.

Bởi vậy, tôi cho rằng việc cấp chứng chỉ là cần thiết, nhưng nên đưa thêm các giới hạn, trong đó đặc biệt lưu ý tới việc chỉ sinh viên sư phạm tốt nghiệp hoặc những người có bằng đại học/cao đẳng sư phạm mới được tham gia lớp học trên. Điều này sẽ mang tới sự công bằng, tránh gây cảm giác ức chế cho những sinh viên đã dành ra hàng năm trời trên ghế nhà trường", độc giả Hoàng Linh đưa ra ví dụ.

Hoàng Diệu