Kiên Giang:

Canh tác trên đất được cấp sổ đỏ: Hai bị cáo… không phạm tội phá rừng

(Dân trí) - Kết thúc ngày xét xử, HĐXX phiên tòa hình sự cấp sơ thẩm TAND huyện Phú Quốc thấy vụ án phức tạp nên không tuyên án. Đến chiều 18/11, HĐXX căn cứ từ phần thẩm vấn, tranh tụng và những chứng cứ… HĐXX tuyên vợ chồng ông Trần Kiều Hưng không phạm tội “hủy hoại rừng”.

Trong ngày xét xử 17/11/2015, Chủ tọa phiên tòa và hai Hội thẩm nhân dân có phần thẩm vấn hai bị cáo Trần Kiều Hưng và Huỳnh Thị Bích Phượng (ấp 3, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc) và những người làm chứng về nguồn gốc đất và quá trình canh tác mảnh đất mà Viện kiểm sát truy tố vợ chồng ông Trần Kiều Hưng đã có hành vi chặt phá, đốt cây rừng… và căn cứ vào khoản b, điều 187, Bộ luật hình sự, truy tố bị cáo Hưng, bị cáo Phượng phạm tội hủy hoại rừng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Hưng và Phượng trình bày nguồn gốc đất đã được cha mẹ cho từ năm 1987 và canh tác liên tục đến ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đến ngày 25/8/2011 vợ chồng ông Trần Kiều Hưng được UBND huyện Phú Quốc cấp GCNQSDĐ tại thửa 46, tờ bản đồ số 1. Sau khi được UBND huyện cấp GCNQSDĐ, vợ chồng ông Hưng thuê người đến phát dọn để canh tác cây trồng khác, nhưng chẳng hiểu sao, lực lượng Hạt Kiểm lâm xã Cửa Cạn đến lập biên bản và cơ quan chức năng liên quan đã đên lập biên bản vi phạm và cho rằng diện tích vợ chồng anh Hưng phát dọn là nằm trong ranh giới rừng quốc gia, với diện tích thiệt hại là 4.042m2, làm chết 179 cây rừng các loại, trong đó  87 cây có trữ lượng gỗ là 10,721m3.


Kết thúc ngày xét xử (17/11), HĐXX nhận thấy vụ án phức tạp nên đến chiều ngày 18/11 HĐXX mới tuyên vợ chồng ông Trần Kiều Hưng không phạm tội phá rừng, căn cứ vào khoản 2, điều 107, điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự.

Kết thúc ngày xét xử (17/11), HĐXX nhận thấy vụ án phức tạp nên đến chiều ngày 18/11 HĐXX mới tuyên vợ chồng ông Trần Kiều Hưng không phạm tội phá rừng, căn cứ vào khoản 2, điều 107, điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự.

Biện hộ cho hai bị cáo Trần Kiều Hưng và bị cáo Huỳnh Thị Bích Phượng, luật sư Thái Hoàng Long, nêu quan điểm: Căn cứ vào Quy chế xác định ranh giới và cắm mốc các loại rừng (ban hành kèm theo quyết định 3031/1997/QĐ-BNN&PTNT ngày 20-11-1997 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn) thì vợ chồng chị Phượng, anh Hưng không phạm tội “hủy hoại rừng”. Pháp luật quy định ranh giới vườn quốc gia phải xác định trên bản đồ và cấm mốc, trong khi các cột mốc 109, 110, 111 không có tại hiện trường; Bản đồ mốc vườn quốc gia Phú Quốc không có giá trị pháp lý, vì chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phê duyệt. Từ đó, Viện kiểm sát lại truy tố vợ chồng chị Huỳnh Thị Bích Phượng và anh Trần Kiều Hưng về tội hủy hoại rừng, việc truy tố này vừa không có cơ sở lại vừa trái pháp luật.

Ngoài ra, luật sư Long còn chỉ ra rằng, căn cứ thửa đất số 46 tờ bản đồ số 1 theo sơ đồ bản vẽ trong giấy CNQSD đất của vợ chồng ông Hưng; trích đo địa chính thửa số 46 tờ bản đồ 01 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Phú Quốc ngày 25/7/2011 và sơ đồ ngày 13-01-2015 của UBND xã Cửa Cạn thì thửa đất 46 vợ chồng ông Hưng được cấp nằm hoàn toàn ở phía bắc con suối trên nền tiêu củ của vợ chồng chị, đồng thời phía bắc thửa 46 còn có các cột mốc vườn quốc gia 103, 104, 105. Nên việc phát dọn của vợ chồng chị trong vị trí đó không có gì sai.


Vụ án đã kéo dài gần 3 năm, đến hôm nay, vợ chồng ông Trần Kiều Hưng mới phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Phú Quốc minh oan. 

Vụ án đã kéo dài gần 3 năm, đến hôm nay, vợ chồng ông Trần Kiều Hưng mới phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Phú Quốc "minh oan". 

Tại phiên tòa, trong phần thẩm vấn, HĐXX hỏi các đơn vị liên quan như Ban quản lý Vườn Quốc gia Phú Quốc, đại diện văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Hạt kiểm lâm xã Cửa Cạn… khi tiến hành lập biên bản hiện trường được thực hiện thế nào? Các cơ quan này đều cho biết, chỉ căn cứ vào tọa độ, không căn cứ vào thực địa, sơ đồ địa chính xã Cửa Cạn và sơ đồ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Phú Quốc đã cấp cho vợ chồng ông Hưng. Ngoài ra, HĐXX cũng cho rằng các cột mốc trong sơ đồ không đúng với thực địa, như các cột mốc 109,110,111 nằm cách xa thực địa 2 - 3 kilomet; Nguyên đơn (Hạt Kiểm lâm xã Cửa Cạn) cho rằng các cột mốc bị dơi dời nhưng không chứng minh được. Đặc biệt, sơ đồ cột mốc ranh giới rừng Vườn quốc gia Phú Quốc chưa phù hợp vì chưa được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt.

HĐXX cũng cho rằng, theo GCNQSDĐ của vợ ông Hưng đứng tên thì mảnh đất thửa 46, căn cứ vào sơ đồ, tứ cạnh so với thực địa thì hoàn toàn trùng khớp với mảnh đất mà vợ chồng ông Hưng thuê người khai phá; mảnh đất của vợ chồng Kiều Hưng nằm ở vị trí phía Bắc con suối, không như Phòng TNMT xác nhận trước đó: con suối chạy ngang mảnh đất của ông Hưng.

Căn cứ vào những điều trên, HĐXX xét thấy VKND huyện Phú Quốc truy tố vợ chồng ông Hưng tội “hủy hoại rừng” là thiếu cơ sở. Do vậy, HĐXX  căn cứ vào khoản 2, điều 107, điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự tuyên vợ chồng ông Trần Kiều Hưng và bà Huỳnh Thị Bích Phượng không phạm tội phá rừng.

Vợ chồng ông Hưng không có trách nhiệm thực hiện phần bồi thường dân sự mà nguyên đơn đã đề nghị và hủy các quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị cáo. Vợ chồng ông Hưng có quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phục hồi danhh dự, quyền và lợi ích hợp pháp, bồi thường theo quy định pháp luật của nhà nước.

Nguyễn Hành