Bài 10:

Cảnh cáo, khiển trách rồi bổ nhiệm chức mới, kỷ luật kiểu "tát vào dư luận"?

(Dân trí) - “Hình thức kỷ luật "làm cho có" đã sản sinh ra một loại "quan chức - vi khuẩn" nhờn thuốc và kháng lại rất nhiều loại thuốc, hậu quả thật khó lường. Chính vì cái cách xử lý quan chức nhà nước vi phạm pháp luật, tham nhũng... như thế này nên công cuộc phòng chống "quốc nạn tham nhũng" càng khó khăn hơn”, quan điểm của bạn đọc Dân trí.

Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí về việc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Giang liên tiếp tạo ra các kết quả quan trắc “đẹp” làm “bùa hộ mệnh” cho doanh nghiệp “bức tử” môi trường và đấu thầu mua sắm tài sản công kỳ lạ, lãnh đạo đơn vị này đã được nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và khiển trách!

Ngày 20/7, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang Lê Hồng Sơn đã ký kết luận số 406/QĐ-TNMT về việc thi hành kỷ luật công chức với ông Vũ Đức Phượng - Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang với hình thức cảnh cáo, chuyển công tác đến đơn vị khác.

Lý do: Ông Vũ Đức Phượng đã vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến công chức.

Cùng đó, bà Nguyễn Hậu Giang - Trưởng phòng phân tích hoá nghiệm thuộc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang bị kỷ luật với hình thức khiển trách cũng với lý do vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến công chức.

Tiếp đến, ngày 27/7, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục ra Quyết định về việc điều động và bổ nhiệm ông Vũ Đức Phượng về giữ cương vị Phó giám đốc Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Giang.

Phạt để che mắt dư luận?

“Xử lý cán bộ vi phạm pháp luật, mà cứ như họ đang giận dỗi tát vào dư luận vậy” - đây chỉ là một trong hàng ngàn ý kiến bày tỏ sự bức xúc của độc giả Dân trí trước hình thức kỷ luật mà Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang Lê Hồng Sơn đã ký về việc thi hành kỷ luật công chức với ông Vũ Đức Phượng - Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang với hình thức cảnh cáo, chuyển công tác đến đơn vị khác.

Bạn đọc Ngọc Thắng: “Cái hình thức kỷ luật "cảnh cáo", "khiển trách" giống như là một trò hề, nó không làm quan chức sai phạm sợ, và cũng không có tính răn đe. Và đây, sau cảnh cáo thì chuyển công tác làm Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ môi trường. Cứ theo đà này, ai có khả năng tham ô, nhũng nhiễu thì cứ làm, vì cảnh cáo có làm sao đâu, không biết chừng lại là cơ hội mới cho người vi phạm”.

Cảnh cáo, khiển trách rồi bổ nhiệm chức mới, kỷ luật kiểu "tát vào dư luận"? - 1


Hình thức kỷ luật mà bạn đọc Dân trí cho là kiểu đánh bùn sang ao của Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Bắc Giang.

Hình thức kỷ luật mà bạn đọc Dân trí cho là kiểu "đánh bùn sang ao" của Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Bắc Giang.

Bạn đọc Hailinh Nguyen: “Xử lý kiểu đánh bùn sang ao, tốt nhất là đừng thanh tra nữa chỉ làm bức xúc dư luận thôi”.

Bạn đọc Quoc Toan: “Nghĩ mà đau lòng, dân nuôi mấy con gà trong chuồng trong nhà thì vẫn bị phát hiện và phá cửa vào nhà bắt cho bằng được, các quan xây biệt phủ không phép trên đất nông nghiệp khi báo chí nêu ra thì các quan kêu không biết thế là xong, mặt khác đã là quan thì dù sai phạm nhỏ hay to, nghiêm trọng hay quá nghiêm trọng cũng giống nhau khi xử lý kỷ luật đó là KIỂM ĐIỂM RÚT KINH NGHIỆM thế là OK”.

Cho rằng đây chỉ là hình thức che mắt dư luận, bạn đọc Nguyen Hoc Hai: “Cảnh cáo và khiển trách nào có ý nghĩa gì. Đấy là hình thức che mắt dư luận mà thôi. Hình thức kỷ luật đó không đau đớn, không bị tước quyền lợi, không bị sa thải, không bị đền bù thiệt hai. Nếu để có được bằng tham nhũng mà chỉ bị hai hình thức kỷ luật này thì ai cũng tham nhũng và muốn tham nhũng!”.

Đặt một câu hỏi "rất khó trả lời", bạn đọc Trần Quỳnh: “Cấp dưới sai phạm rành rành, cấp trên "kỷ luật, cảnh cáo". Xin lỗi khi phải đặt câu hỏi: Liệu có phải cấp dưới tham ô, tham nhũng chia lại phần cho cấp trên rồi. Giờ há miệng mắc quai. Xử lý nó, nhỡ nó khai ra mình thì có mà toi?”.

Cho rằng đây là kết quả đã được dự đoán trước nhưng bạn đọc Thùy Dung vẫn không khỏi chán nản: “Kết quả mà ai cũng dự đoán được, ai cũng thất vọng. Người dân chỉ cần ăn cắp cái bánh mì do đói quá mà cũng đưa ra toà truy tố xét xử, trong khi quan tham chỉ vì tư lợi cá nhân mà làm ảnh hưởng đến môi trường của đất nước lại bị cảnh cáo điều chuyển, lại vẫn làm lãnh đạo. Tôi phải nói gì bây giờ?”

Bạn đọc Nguyễn Hiền: “Những hình thức ‘kỷ luật’ nhẹ hều như thế này đối với những sai phạm nghiêm trọng của các quan chức nhà nước nó giống như kiểu điều trị các bệnh nhiễm khuẩn với liều thuốc ‘không đủ liều lượng’ dẫn đến bệnh không khỏi đồng thời làm cho vi khuẩn ‘nhờn thuốc’, hậu quả như thế nào thì mọi người đều rõ. Hình thức kỷ luật "làm cho có" đã sản sinh ra một loại "quan chức - vi khuẩn" nhờn thuốc và kháng lại rất nhiều loại thuốc, hậu quả thật khó lường. Chính vì cái cách xử lý quan chức nhà nước vi phạm pháp luật, tham nhũng... như thế này nên công cuộc phòng chống "quốc nạn tham nhũng" càng khó khăn hơn”.

“Nghịch lý ‘dân làm sai thì bị đi tù, quan chức nhà nước làm sai thì chỉ bị khiểm trách, kiểm điểm rút sợi dây kinh nghiệm’. Quá khôi hài”, bạn đọc Đức Tú.

Bạn đọc Phan Ngọc Quang: “Câu chuyện kỷ luật cán bộ của chúng ta từ cấp này sang cấp nọ, từ dưới cơ sở lên tận trên cao đều gần như một "típ" như vậy, cho nên bộ máy đông nhưng không mạnh là điều dễ thấy hiện nay”.

Đã vi phạm pháp luật thì chỉ có TRUY TỐ!

Bạn đọc Nguyen Trung Ha: “Thuyên chuyển công việc khác với chức vụ cao hơn lại liên quan đến tiền mới vui. Vi phạm pháp luật là bị truy tố chứ sao lại làm theo kiểu đánh bùn sang ao?”

“Vi phạm pháp luật mà lại xử lý cảnh cáo là sao? Xin hỏi luật nào, nghị định nào của chính phủ quy định như vậy? người dân vi phạm pháp luật cũng cảnh cáo nghiêm khắc chứ?” bạn đọc Minh Minh thắc mắc.

Bạn đọc Nguyễn Minh ADK: “Cho tôi hỏi khí không phải đây có được gọi là lợi ích nhóm không ạ? Ngay cái gọi là ‘hình thức kỷ luật’ chỉ là hình thức thôi! Cần truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Cho rằng có việc “quên” không xem xét kỷ luật về mặt Đảng, bạn đọc có nickname Dòng Sông Rộng Mở: “Hy vọng quý báo gửi bài viết này cho Bí thư và Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đọc xem kẻo các bác ấy bận nhiều việc quá không đọc được bài viết hay và có giá trị này với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hình như Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang quên không xem xét kỷ luật về mặt Đảng đối với các cán bộ vi phạm”.

Bạn đọc Lê Tuấn Anh: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi, vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, đạo đức công vụ...nhưng đa số vẫn chỉ là...Khiển trách, Cảnh cáo, Kiểm điểm rút kinh nghiệm...? Tại sao lại khắp nơi vẫn xử lý kiểu "vô lý" như vậy mà vẫn không sao?

“Không khí ngày càng ô nhiễm, khí hậu biến đổi thất thường, lương tâm các vị ở đâu? hãy vì thế hệ con cháu mà tỉnh lại đi đừng vì lợi ích trước mắt mà làm những việc trái với lương tâm”, bạn đọc Nguyễn Thị Kim Yến.

Bạn đọc Anh Minh mong mỏi: “Mong rằng sẽ có chỉ thị của Thủ tướng”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc!

Hải Hà (tổng hợp)