Bạn đọc viết:

Cần sớm ban hành danh mục các loại thuốc bảo quản trái cây

PV

(Dân trí) - Hiện nay trên thị trường bán nhiều loại thuốc nhúng giúp trái cây chín đồng loạt hoặc bảo quản trái cây tươi lâu diễn ra khá phổ biến, công khai mà chưa được kiểm soát, đánh giá chất lượng.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có văn bản trả lời cử tri tỉnh Đắk Lắk, trong đó khẳng định trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả, khiến dư luận ngỡ ngàng, hoang mang!

Việc cơ quan quản lý nhà nước khẳng định như vậy không chỉ khiến người dân lo lắng, kể cả những người đang sử dụng loại thuốc này mà còn bộc lộ rõ thêm sự buông lỏng, thờ ơ của cơ quan chức năng liên quan đối với vấn đề rất quan trọng liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân. Điều này còn ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần và phát triển giống nòi của người Việt Nam.

Cần sớm ban hành danh mục các loại thuốc bảo quản trái cây - 1

Loại hóa chất dùng để kích thích đu đủ chín nhanh (Ảnh: Xuân Ngọc).

Nhiều câu hỏi đặt ra cho cơ quan chức năng là lâu nay họ quản lý về nông sản thì quản lý vấn đề gì? Tại sao một nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân lại bị "bỏ quên" trong thời gian dài? Có vướng mắc sự khó khăn, vướng mắc gì hay không hay đơn giản là sự yếu kém về năng lực quản lý, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan?.

Điều đáng nói nữa là ngành NNPTNT vẫn chưa có phương án cụ thể, thời điểm dự kiến ban hành danh mục các loại thuốc nhúng trái cây khi trả lời thắc mắc của cử tri. Ngành này cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đăng ký các loại thuốc bảo vệ thực vật bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả, để đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Như vậy, có thể hiểu là trong tương lai gần vẫn chưa có danh mục các loại thuốc nhúng trái cây chín loạt và bảo quản trái cây tươi chính thức, đảm bảo an toàn do cơ quan quản lý nhà nước ban hành!

Cần sớm ban hành danh mục các loại thuốc bảo quản trái cây - 2

Người nông dân đang bôi thuốc kích chín nhanh cho đu đủ (Ảnh: Xuân Ngọc).

Thực tế thì hiện nay các loại thuốc thúc chín được nhập lậu từ nước ngoài bày bán khắp nơi, người dân dễ dàng mua với giá rất rẻ với giá từ 1.500-2.000 đồng/lọ. Các loại thuốc này chưa được kiểm định chất lượng, buông lỏng, trôi nổi trên thị trường len lỏi khắp nơi từ thành thị cho đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt là dù chưa được cho phép nhưng hầu hết người buôn bán trái cây đều sử dụng vì lợi nhuận, bởi nếu không dùng thuốc bảo quản trái cây mau hỏng sẽ thiệt hại cho họ.

Có thể khẳng định việc chưa ban hành danh mục các loại thuốc nhúng trái cây chín loạt được phép sử dụng là rất nguy hiểm. Bởi khi đó tất cả đều "mù tịt", từ người sử dụng đến người thực thi pháp luật trong quản lý, kiểm tra và tất nhiên cuối cùng người tiêu dùng. Và người thiệt thòi nhất, gánh chịu hậu quả tai hại nhất, nếu không may ăn phải loại nhúng trái cây chứa chất độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng.

Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc có chỉ đạo cụ thể, quyết liệt về vấn đề này. Theo tôi, trước mắt cơ quan quản lý nhà nước về nông sản cần khẩn trương phối hợp với các ngành liên quan rà soát, thống kê các loại thuốc nhúng trái cây đang được mua bán, sử dụng trên thị trường để nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ, đánh giá chất lượng, hiệu quả, nhất là có ảnh hưởng gì đối với sức khỏe người tiêu dùng hay không?

Tiếp đó, cần ban hành danh mục cụ thể các loại thuốc nào được dùng và loại nào không được dùng, trong đó nêu rõ những tính năng, hoạt chất cơ bản và chất lượng từng loại thuốc để kịp thời khuyến cáo người sử dụng, tiêu dùng.

Tuyệt đối không được chậm trễ trong việc ban hành danh mục các loại thuốc được phép sử dụng nhúng trái cây nói riêng, cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật khác. Bởi vì, đây là các loại hóa chất ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến cả giống nòi, tương lai của cả dân tộc.

Luật gia Phạm Văn Chung