Tổ chức rà soát SGK:

Cần một phương pháp đúng

Mong lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các nhà biên soạn sách giáo khoa, các nhà quản lí giáo dục, các nhà khoa học hãy phát huy tinh thần "ba cùng" trước đây, sâu sát với thực tiễn để đưa ra những giải pháp đúng đắn và hiệu quả.

Trong cuộc họp báo ngày 12/3/08, trước câu hỏi liệu có phải học sinh bỏ học do chương trình quá tải, lãnh đạo Bộ GD-ĐT trả lời là chương trình có quá tải hay không thì còn phải... xem xét. Kết thúc năm học này, các nhà khoa học, giáo dục sẽ cùng ngồi lại và xem xét, nếu thực sự có quá tải như báo chí đã phản ánh thì sẽ... giảm tải! Tuy nhiên, sau đó hai ngày, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu rà soát lại chương trình giáo dục phổ thông…

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Theo thông tin trên báo Tiền phong ngày15/03/2008, ngày 14/3, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 2093/BGDĐT-GDTrH để cụ thể hóa về việc "Đánh giá chương trình và sách giáo khoa phổ thông". Qua đây, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức xem xét, hoàn thiện lại chương trình sách giáo khoa (CT-SGK) hiện nay. Phạm vi đánh giá là SGK từ lớp 1 đến lớp 11 và CT-SGK thí điểm phân ban lớp 12 (đối với các trường THPT có thực hiện thí điểm phân ban).Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT lập kế hoạch tổ chức đánh giá SGK phổ thông và chỉ đạo cho các trường THPT, Phòng Giáo dục quận, huyện triển khai. Những hoạt động để đánh giá sẽ bao gồm: Họp các tổ chuyên môn, lấy ý kiến của tất cả giáo viên đối với CT-SGK từng môn của các lớp trong cả cấp học, tổng hợp báo cáo với
nhà trường; Lấy ý kiến của học sinh (HS), cha mẹ HS (nếu được Sở GD-ĐT hoặc Phòng GD-ĐT phân công)…

Chúng tôi cho rằng mục tiêu của công việc rà soát, xem xét lại chương trình SGK lần này phải nêu ra được những con số cụ thể: nội dung quá tải bao nhiêu phần trăm ở mỗi môn học, mỗi cấp học, vùng miền; nguyên nhân cụ thể củasự quá tải (do kiến thức hàn lâm, không phù hợp, do thời lượng, do cách trình bày, do chất lượng của đội ngũ giáo viên, do sự chồng chéo, trùng lặp kiến thức giữa các cấp học, chỗ nào quá tải, chỗ nào quá dễ…) để từ đó đưa ra phương án giảm tải hợp lí. Tuy nhiên, cách làm củaBộ GD-ĐT theo như công văn vừa nêu có nhiều điểm bất hợp lí. Theo chúng tôi, đó vẫn là một cách làm điều tra theo kiểu "từ trên xuống" chứ không phải là một sự khảo sát, điều tra thực nghiệm nghiêm túc để có một kết quả chân thực, có độ tin cậy cao.

Thực tế cho thấy cách làm này đã được tiến hành nhiều lần song không đem lại hiệu quả: các nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên làm việc một cách hời hợt và đưa ra một báo cáo có tính chất đối phó, mang tính hành chính, thiếu cụ thể và không đáng tin cậy. Cách làm đúng đắn nhất là khảo sát trình độ thực tế củaHS trong một điều kiện có kiểm soát trên diện rộng, có đối chứng giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau trong một thời gian nhất định để đưa ra một kết quả trung thực thì lại không được áp dụng. Trong công văn củaBộ có phương án "hỏi ý kiến HS" song lại không được cụ thể hoá thì khó mà được tiến hành một cách nghiêm túc.

Chúng tôi xin phép có một so sánh thô thiển như thế này: Muốn biết một giống lúa A có thích ứng với điều kiện chăm sóc B thì phải thực nghiệm trên giống lúa A đó để rút ra kết luận về B, chứ không chỉ đơn thuần là đi hỏi người nông dân C, mặc dù đối tượng C trực tiếp chăm sóc, vun xới cây lúa A. Và muốn biết hiệu quả của điều kiện chăm sóc B ở mức độ nào thì phải đối chứng với một điều kiện B (B "phẩy") nào đó.

Cách rà soát chương trình SGK củaBộ GD-ĐT là một "qui trình ngược", thiếu khoa học: mỗi giáo viên hay tổ bộ môn chỉ biết về một môn học đó theo cách nhìn chủ quan củahọ, trong khi HS phải học rất nhiều môn. Do vậy, để rà soát chương trình phải xuất phát từ chính đối tượng HS. Cách làm này sẽ vất vả, khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian nhưng không có cách nào khác. Và người đứng ra tổ chức, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra và thẩm định phải là Bộ GD-ĐT chứ không phải chỉ việc ra mệnh lệnh hành chính cho các Sở GD-ĐT và các địa phương và giao cho một thời hạn quá gấp gáp (Sở GD-ĐT phải gửi kết quả đánh giá về Bộ GD-ĐT trước ngày 15/4/2008), “đẩy” các Sở GD-ĐT đến chỗ lầm ẩu, hay báo cáo thiếu trung thực.

Nói thêm về hiện tượng quá tải trong chương trình giáo dục phổ thông. Trước đây có giai thoại về việc cân cặp củaHS tiểu học và phát hiện ra rằng nó quá nặng. Chúng tôi cho rằng, chương trình giáo dục tiểu học quá tải là do trước đây có một quan niệm phân luồng HS sau khi học tiểu học, rằng các em học tiểu học xong sẽ…"vào đời", nên người ta đã chủ trương "đại học hoá tiểu học".

Báo Tuổi trẻ số ra ngày 12/3/08 nêu ý kiến của một giáo viên: "Chương trình giáo dục hiện nay rất nặng nề…Hãy lấy thí dụ môn dễ học nhất là giáo dục công dân. HS lớp 3 được dạy "Đoàn kết với thiếu nhi quốc tế", HS lớp 5 được dạy "Tìm hiểu về Liên Hiệp Quốc", HS lớp 7 học về "Bộ máy nhà nước cấp cơ sở", HS lớp 8 học về "Quyền sở hữu tài sản", HS lớp 9 học về "Tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế", HS lớp 10 học về triết học với những nội dung trừu tượng, hàn lâm, phạm trù đạo đức cơ bản... Chúng ta hãy ngồi vào chiếc ghế HS để thấy chương trình như thế có hứng thú học không, nuốt có trôi không? Tại sao chúng ta bắt các em "nuốt"?".

Chương trình THCS có thêm môn Hội hoạ và Âm nhạc là hai môn năng khiếu nhưng lại được dạy đại trà, và đã có những ý kiến cho rằng chất lượng giáo viên hai môn học này nhìn chung thấp, không đáp ứng được yêu cầu.

Cấp THPT có thêm môn Giáo dục quốc phòng (GDQP) được dạy trong suốt học kì (trước đây học sinh chỉ học "quân sự" trong một tuần lễ đầu năm học, và điểm số không tính vào điểm tổng kết) và các nhà trường đang thiếu rất nhiều giáo viên môn này. Có trường đại học đã nhanh nhạy lập ra một ngành học là Sư phạm Lịch sử-GDQP để chiêu sinh. Chúng tôi nhận thấy môn học này được đưa vào chương trình chính khóa khiến cho chương trình học càng thêm quá tải. HS đi học GDQP với quan niệm là đi chơi, giáo viên cũng dạy cho có nên kết quả thu được rất thấp, nếu không nói là chẳng được gì. Chương trình học nghề ở THPT (HS học nghề sẽ được cộng thêm điểm khuyến khích vào kết quả thi tốt nghiệp) cũng biến tướng thành một hình thức mua điểm vô cùng giả dối và tệ hại đã được báo chí phản ánh nhiều nhưng Bộ GD-ĐT vẫn "kiên trì" thực hiện.

Tiến sĩ Mai Ngọc Luông trên báo Tuổi trẻ ngày 10-3 cho rằng: "Chương trình bậc phổ thông hiện nay thiên về tính hàn lâm, lý thuyết suông, 2/3 kiến thức trong sách giáo khoa thuộc dạng vô bổ". Chương trình Ngữ văn 12 thí điểm có những bài "Đọc thêm bắt buộc", yêu cầu HS tự học rồi kiểm tra, trong khi có những văn bản ngay chính giáo viên cũng không hiểu như những truyện ngắn viết theo phong cách hiện thực huyền ảo của G.Marquez hay củaF.Kafka. Một HS THPT trong một bức thư được đăng trên Vietnamnet đã nói do phải học hành quá căng thẳng, việc em mỗi ngày chỉ nghỉ được 3-4 tiếng là chuyện bình thường.

Có một đồng nghiệp củachúng tôi nói đùa rằng: không ít thầy giảng dạy đã nhiều năm nhưng vẫn chưa nắm chắc được chương trình, đi dạy vẫn kè kè giáo án để thỉnh thoảng giở ra xem thì làm sao trò chỉ học một lần, trong thời gian ngắn, học nhiều môn lại nắm chắc được chương trình và thi cử một cách nghiêm túc?
Hơn lúc nào hết, yêu cầu giảm tải chương trình đang được đặt ra một cách cấp thiết. Hình ảnh những HS tiểu học với những chiếc cặp nặng nề và những cặp kính cận dày cộp là rất không bình thường. Đã có những HS phải tự tử vì không chịu đựng được áp lực của chương trình.

Động thái rà soát lại chương trình củaBộ GD-ĐT là chậm trễ nhưng "chậm còn hơn không". Vấn đề là phải có một phương pháp đúng để đưa ra những số liệu đáng tin cậy làm cơ sở cho những giải pháp và quyết sách. Lúc này nếu nóng vội lại tiếp tục rơi vào cực đoan. Mong lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các nhà biên soạn SGK, các nhà quản lí giáo dục, các nhà khoa học hãy phát huy tinh thần "ba cùng" trước đây, sâu sát với thực tiễn để đưa ra những giải pháp đúng đắn và hiệu quả.

Trọng Nghĩa


LTS Dân trí - Chúng ta hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã có sự lắng nghe ý kiến của công luận, đề ra chủ trương rà soát lại chương trình và sách giáo khoa xem có "quá tải" không. Nhưng muốn đạt được sự đánh giá chính xác, khách quan thì phương pháp điều tra, xem xét vừa phải mang tính tổng thể vừa cụ thể, chọn đúng đối tượng cần tập trung điều tra để có đầy đủ những căn cứ khoa học đáng tin cậy.

Ý kiến của tác giả bài viết trên đây của một thầy giáo THPT có thâm niên trong nghề là những đóng góp đáng trân trọng nhằm giúp cho Bộ chủ quản của ngành giáo dục có sự cân nhắc thận trọng về cách thức tiến hành cũng như chọn đối tượng và đối chứng điều tra, nghiên cứu để đem lại kết quả chính xác trong việc đánh giá chương trình và sách giáo khoa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm