Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

“Cần làm rõ và xử lý nghiêm việc tẩu tán tài sản bị kê biên chờ thi hành án”

(Dân trí) - Liên quan đến việc doanh nghiệp bị thi hành án có dấu hiệu tẩu tán tài sản trong thời gian Viện KSND tối cao yêu cầu tạm hoãn, luật sư Nguyễn Thanh Tùng cho rằng cơ quan chức năng cần sớm rõ hành vi trên và có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Như thông tin đã đưa, bà Trần Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Phát (gọi là Công ty Thanh Phát), có chi nhánh tại 36 Phan Bội Châu, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định gửi đơn kêu cứu đến báo Dân trí phản ánh: Công ty Thanh Phát đang bị đe dọa quyền lợi hợp pháp nghiêm trọng khi Viện KSND tối cao ra Kháng nghị giám đốc thẩm bản án số 08/2014/DS-PT ngày 29/9/2014, đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án tỉnh Bình Định. Trong lúc việc thi hành án phải tạm dừng vì kháng nghị nêu trên, phía bị đơn thua thua kiện là Doanh nghiệp (DN) Phú Lợi đã có hành vi tẩu tán tài sản đang bị Cục THADS tỉnh Bình Định kê biên để cưỡng chế thi hành án. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn LSTP. Hà Nội) đã đưa ra những nhận định về vụ việc này.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Đoàn LSTP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Đoàn LSTP Hà Nội.

“Bỏ quên” bên được thi hành án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Luật sư Tùng cho rằng, trước hết cần khẳng định rằng việc DN Phú Lợi có đơn gửi Viện KSND tối cao đề nghị xem xét bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm là quyền của đương sự được quy định tại Điều 284a Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc Viện KSND tối cao ra văn bản kháng nghị Giám đốc thẩm có đúng luật hay không thì phải dựa vào các căn cứ để kháng nghị được quy định tại Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự và sự xem xét, đánh giá tại phiên tòa Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Về cá nhân, sau khi xem xét bản kháng nghị Giám đốc thẩm cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và đối chiếu các quy định của pháp luật tôi cho rằng bản kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao chưa đánh giá đúng tính chất của việc Giám đốc thẩm được quy định tại điều 282, 283 Bộ luật Tố tụng dân sự đó là phải “có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”.

Ở trường hợp này, kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao chỉ đưa ra được hai căn cứ. Căn cứ thứ nhất, Viện kiểm sát cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm phải công nhận chứng thư giám định VFC.12.4.A.07.27 và phải dùng làm căn cứ để phán quyết.Căn cứ thứ hai, Viện kiểm sát cho rằng “Việc DN Phú Lợi bán lô hàng trên cho khách hàng khác là không vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng”.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng nhận định kháng nghị của Viện KSND tối cao là không đủ căn cứ

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng nhận định kháng nghị của Viện KSND tối cao không đủ căn cứ, việc bên được thi hành án không nhận được kháng nghị là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Từ hai căn cứ trên, Viện KSND tối cao cho rằng Công ty Thanh Phát có lỗi nên DN Phú Lợi chỉ phải trả số tiền đã ứng trước cho Công ty TNHH Thanh Phát. Và đây là những căn cứ để Viện KSND tối cao kháng nghị Giám đốc thẩm. Tuy nhiên từ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và qua việc đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ tại phiên tòa, tôi cho rằng Tòa án tỉnh Bình Định đã đưa ra một bản án hoàn toàn đúng pháp luật.

Đối với căn cứ thứ nhất, Tòa án cấp phúc thẩm không công nhận chứng thư giám định VFC.12.4.A.07.27 là hoàn toàn đúng pháp luật vì tại phiên tòa sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm phía bị đơn không đưa ra được tài liệu nào chứng minh chứng thư giám định VFC.12.4.A.07.27 là đúng quy định pháp luật. Trong khi đó, phía nguyên đơn đã chứng minh rằng kết quả giám định là chứng thư VFC.12.4.A.07.27 không khách quan, không trung thực, cụ thể khi lấy mẫu giám định không có sự chứng kiến của bên mua hàng (nguyên đơn), không có biên bản lấy mẫu, không có mẫu lưu. Điều này đã được Giám định viên thừa nhận tại phiên tòa và khẳng định:“Chứng thư giám định VFC.12.4.A.07.27 ngày 26/3/2012 chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu chào hàng của DNTN Phú Lợi, không liên quan đến hợp đồng mua bán số 21/11/HĐKT/PLH-TP/2011 ngày 21/11/2011”.

Đối với căn cứ thứ hai, theo quy định tại điểm b, khoản 3 điều 262 thì: “Khi chứng thư giám định lại có kết quả khác với chứng thư giám định ban đầu thì xử lý như sau:

a) ..

b) Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định ban đầu không thừa nhận kết quả của chứng thư giám định lại thì các bên thoả thuận lựa chọn một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định khác giám định lại lần thứ hai. Kết quả giám định lại lần thứ hai có giá trị pháp lý với tất cả các bên.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng nhận định kháng nghị của Viện KSND tối cao là không đủ căn cứ

Giám định viên xác nhận Chứng thư giám định VFC.12.4.A.07.27 ngày 26/3/2012 không liên quan đến hợp đồng mua bán số 21/11/HĐKT/PLH-TP/2011 ngày 21/11/2011.

Đối chiếu quy định trên đây thì bên bán có nghĩa vụ cùng với bên mua “thoả thuận lựa chọn một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định khác giám định lại lần thứ hai”.Việc bên bán tự ý bán lô hàng mà không có sự đồng ý của bên mua là trái với thỏa thuận tại điều 6 của hợp đồng và trái với quy định của Luật thương mại.

Từ những phân tích trên cho thấy, Tòa án tỉnh Bình Định đã đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật. Hơn nữa theo nhận định trong bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm thì trong suốt quá trình tố tụng, phía bị đơn luôn có hành vi gây khó khăn, không chịu hợp tác, không nhận các văn bản tống đạt. Đặc biệt họ coi thường các quy định của pháp luật, không tham gia phiên tòa sơ thẩm, không cung cấp bất kể tài liệu nào cho Tòa án.

Việc Công ty Thanh Phát là bên được thi hành án nhưng không nhận được Quyết định kháng nghị của Viện KSND tối cao là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại khoản 1 điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự: “1. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải được gửi ngay cho Tòa án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các đương sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị”. Nói đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì khi có Quyết định kháng nghị, việc thi hành án sẽ bị hoãn, bị tạm đình chỉ trong một thời gian dài và điều này sẽ phương hại đến lợi ích hợp pháp của đương sự (mất nguồn vốn kinh doanh, phải trả lãi suất quá hạn ngân hàng...). Do đó họ các đương sự phải được “gửi ngay” để họ được thực hiện quyền khiếu nại, kiến nghị của mình theo quy định của pháp luật.

Cần điều tra làm rõ dấu hiệu tẩu tán tài sản đang bị kê biên phục vụ thi hành án

Theo Thông báo kết quả thi hành án của Cục THADS tỉnh Bình Định thì DN Phú Lợi đang có dấu hiệu tẩu tán những tài sản mà cục thi hành án đang làm thủ tục kê biên. Hành động này đã vi phạm Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010, tại Điều 6 quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án...”. Vi phạm Điều 162, 165 Luật Thi hành án.

Bản án phúc thẩm của Tòa án tỉnh Bình Định đã có hiệu lực pháp luật từ tháng 10/2014

Bản án phúc thẩm của Tòa án tỉnh Bình Định đã có hiệu lực pháp luật từ tháng 10/2014

Điều 162 Luật Thi hành án quy định các hành vi vi phạm:

“4. Có điều kiện thi hành án nhưng cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

5. Tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.

6. Không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc cung cấp thông tin, giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án mà không có lý do chính đáng.

7. Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Chống đối, cản trở hay xúi giục người khác chống đối, cản trở; có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ trong thi hành án; gây rối trật tự nơi thi hành án hoặc có hành vi vi phạm khác gây trở ngại cho hoạt động thi hành án dân sự nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

9. Phá hủy niêm phong hoặc hủy hoại tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

10. Không chấp hành quyết định của Chấp hành viên về việc khấu trừ tài khoản, trừ vào thu nhập, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

Tại khoản 1, Điều 165 quy định “1. Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”

Với trường hợp này, Cơ quan thi hành án cần phải nghiêm túc xử lý vi phạm một cách triệt để đảm bảo quyền lợi cho bên được thi hành án. Đồng thời xem xét kiến nghị Viện Kiểm sát, Cơ quan CSĐT trong trường hợp có dấu hiệu hình sự để khởi tố vụ án. Trên hết, Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án tỉnh Bình Định đã thể hiện tính khách quan, đúng bản chất và mức độ vi phạm nghiêm trọng của DN Phú Lợi nên Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao cần xem xét lại Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm đối với bản án số 08/2014/DS-PT ngày 29/9/2014.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.

Ban Bạn đọc