Cái mắt và Cái nhìn!

Mắt dùng để nhìn. Đúng quá rồi, sao lại còn phân biệt CÁI MẮT với CÁI NHÌN nhỉ? Vậy mà có sự khác nhau đấy.

CÁI MẮT về mặt cấu tạo thì ai cũng giống ai, nhưng CÁI NHÌN sự vật, thường không phải lúc nào cũng giống nhau. Đứng trước một phong cảnh, người này khen, người khác lại chê. Có cái nhìn thiện cảm, cũng có cái nhìn thù địch. Có cái nhìn trong sáng, có cái nhìn đen tối. Có cái nhìn nhân ái, bao dung; lại có cả cái nhìn chứa chan hận thù...

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

CÁI MẮT sinh ra thế nào thì suốt đời nó vẫn thế, không thay đổi - trừ phi nó bị tai nạn làm biến dạng hoặc hư hỏng... Nhưng CÁI NHÌN thì ở mỗi thời điểm, trước mỗi đối tượng, lại ... khác nhau, cho dù vẫn nguyên là cái mắt ấy! Có những đôi mắt rất đẹp, hiền như "mắt nai" mà nhiều khi lại nhìn người khác bằng con mắt "cú vọ"; có những cặp mắt "cú vọ" thực sự, đôi khi lại hiền dịu như mắt "bồ câu"!.. Có đầy đủ hai con mắt lành lặn, nhưng nhiều kẻ chỉ nhìn đời bằng một thậm chí nửa con mắt! Có kẻ mắt mở tháo láo mà vẫn... "mù" vì... sợ trách nhiệm, vì nể nang, vì chót "chén chú chén anh", vì "cùng hội cùng thuyền" với nhau rồi!.. Có cặp mắt thao láo, nhưng nhìn ai cũng "ti hí mắt lươn"... Lại có cả chuyện những đôi mắt rất sáng, nhưng chủ nhân của nó lại muốn cho nó "đui" đi, để khỏi nhìn thấy những điều chướng mắt...    

 

Mà cái sự nhìn thì bản thân nó đã có nhiều dạng nhiều vẻ lắm. Thày thuốc Tây y thì "nhìn đâu cũng thấy vi trùng", Công an nếu quá “cảnh giác” thì "nhìn đâu cũng thấy có địch", Tuyên huấn thì "nhìn đâu cũng thấy diễn biến hoà bình"!... Có những người không phải "mù mầu" nhưng lại chỉ nhìn thấy rặt "mầu hồng", không một mầu nào khác, thậm chí thấy rất rõ nó xám xịt mà vẫn cứ bảo rằng rất ... "hồng". Ngược lại có những kẻ nhìn vào đâu cũng chỉ thấy tối tăm, ảm đạm, lạnh lẽo, hoang vu... Đó thảy đều là những CÁI NHÌN lệch lạc, méo mó...

 

Nhìn TRỪNG TRỪNG là cách nhìn của người muốn áp chế, muốn "ăn sống nuốt tươi" đối tượng mà anh ta nhìn! Người đó có khi là BỀ TRÊN, có khi là BỀ DƯỚI, tuỳ thuộc hoàn cảnh...

 

Nhìn HÁU HÁU là kiểu nhìn thèm khát một cái gì đó. Với trẻ con thì cái gì đó có thể chỉ là cái kẹo, miếng bánh, chai sữa... Với người lớn thì cái gì đó nếu là VẬT CHẤT thì thường phải là những thứ có giá trị kinh tế ... Còn nếu là TINH THẦN thì cái "tinh thần" đó cũng phải hàm chứa ... nhiều giá trị vật chất!.. Còn "Tinh thần suông" có lẽ chả mấy ai... "hau háu" nhìn ... Nhiều cô gái bắt gặp cái nhìn kiểu "hau háu" này của cánh con trai, thảy đều... khiếp vía!..

 

Nhìn BAO DUNG là cái nhìn của kẻ trượng phu, người nhân nghĩa. NHÌN XA TRÔNG RỘNG là cái nhìn cần có ở người LÃNH ĐẠO. Làm lãnh đạo mà THIỂN CẬN thì mọi khổ đau, người bị lãnh đạo "lãnh đủ".

 

"MẮT LA MÀY LÉM" là cái nhìn của kẻ tiểu nhân. "TRÁO TRƯNG TRỢN TRỪNG" là cái nhìn của kẻ bất lương, cậy quyền thế.

 

Có cái "NHÌN TỬ TẾ" lại có cả cái sự "NHÌN ĐỂU" nữa!... Nhiều khi ra đường hoặc ở nơi công cộng nào đó, thực bụng ta chả nghĩ xấu về ai, nhìn ai cũng bằng cái nhìn tử tế, thế mà vẫn gặp hoạ, bị vu cho là "nhìn đểu", rồi bị ăn đòn "hội chợ" .... Rõ ràng trong trường hợp này không phải tại CÁI MẮT mà tại kẻ xấu muốn tìm cớ để trị đối phương hoặc chỉ để “lấy mẽ” ra oai!

 

Lại có câu này, "Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn". Không nhớ tác giả của câu nói đó, nhưng ai cũng hiểu: TÂM sáng thì cái nhìn cũng sáng; TÂM tối, đương nhiên cái nhìn không thể sáng.

Phải chăm lo giữ gìn CON MẮT là lẽ đương nhiên: Đường phố những ngày này nắng nóng và đầy bụi, vậy thì đi đâu cũng nên mang kính râm. Nhỡ ra bị đau mắt thì phải tra thuốc mắt, bị cận thị thì đeo kính cận, bị viễn thị thì đeo kính viễn. Đeo kính "hợp số" thì "số" tăng chậm. Không đeo kính thì "số" mau tăng. Không cận không viễn mà cứ đeo kính bừa, thì chỉ có hại.

 

Nhưng chăm lo giữ gìn tâm hồn, để có CÁI NHÌN lành mạnh, cái nhìn thấu nghĩa đạt tình, mới là điều hệ trọng  - Bởi một lẽ đơn giản: CÁI NHÌN thường luôn luôn gắn với CÁI TÂM của bản thân người nhìn!..

 

Trần Huy Thuận

                                                                   Nam Định

 

LTS Dân trí - Bàn về con mắt và cái nhìn thiết nghĩ cũng là điều hữu ích. Nhiều khi quan sát con người, chỉ cần nhìn con mắt khi nói chuyện là có thể biết người đó có thật thà, thẳng thắn hay không. Ngây thơ như trẻ con cũng biết nhìn vào đôi mắt của bố mẹ để biết có phải là lúc đáng vòi vĩnh hay không. Cho nên, ngòai chức năng nhìn, con mắt còn làm nhiệm vụ truyền đạt những thông tin bằng những cái nhìn khác nhau như tác giả bài viết trên đây đã phân tích.

 

Con mắt thì do bố mẹ sinh ra theo một quy luật di truyền phức tạp. Còn cái nhìn chủ yếu do tính nết, nhân cách và sự hiểu biết quyết định.  

 

Đã sinh ra làm người thì tự mình không thể thay đổi được đôi mắt “trời cho”, nhưng cái nhìn có thể thay đổi qua quá trình học tập, trau dồi hiểu biết cũng như nhân cách, đạo đức làm người, để “cửa sổ tâm hồn” của mình luôn phát ra những tín hiệu thân thiện, khiêm nhường và tấm lòng vị tha, bác ái. Đấy cũng là cái nhìn lạc quan đối với cuộc sống, luôn có ý chí vượt lên mọi khó khăn để đạt tới những mục tiêu tốt đẹp của bản thân cũng như của gia đình và xã hội.