Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong công tác tiếp công dân?

Bạn đọc Nguyễn Hoàng ở phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỏi: Theo quy định của pháp luật, các hành vi nào bị nghiêm cấm trong công tác tiếp công dân?

Trả lời: Theo Điều 6, Luật Tiếp công dân, các hành vi sau bị nghiêm cấm trong công tác tiếp công dân:

  1. Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
  2. Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp.
  3. Phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.
  4. Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng.
  5. Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.
  6. Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ.
  7. Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.
  8. Vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân.
Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong công tác tiếp công dân? - 1

Ảnh minh họa: TTXVN.

* Bạn đọc Trần Phương Bình ở xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, theo quy định của pháp luật, khi nào thì giao dịch dân sự có hiệu lực? 

Trả lời: Theo khoản 1, Điều 117, Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.