Đang lên phường xin xác nhận giấy đi đường thì bị chặn hỏi... giấy đi đường

Khả Vân

(Dân trí) - "Tôi đang trên đường đi lên trụ sở UBND phường ở Hà Nội để xin dấu cho giấy đi đường thì bị người trực chốt chặn lại không cho đi tiếp. Trường hợp này tôi phải làm thế nào?", bạn đọc Dân trí hỏi.

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: TP Hà Nội hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23 tháng 07 năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong các trường hợp cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Trong các trường hợp này, nếu bạn ra đường để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng thì được phép lưu thông trên đường mà không phải xin giấy đi đường từ UBND phường.

Hiện nay đang có sự hiểu chưa đúng từ người dân, tổ chức đến các cơ quan hành chính về việc phải có giấy đi đường. Nhiều người cho rằng chỉ cần xin được giấy đi đường thì có thể sử dụng cho mọi lý do. Thực chất, giấy đi đường chỉ được cấp/sử dụng trong một số trường hợp mà tại mục 2 của công văn 2434/UBND-KT đã nêu.

Trường hợp của bạn tôi xin tách làm 2 ý:

Thứ nhất, là bạn xin dấu vào giấy đi đường về nội dung gì? Nếu đúng thuộc đối tượng trong công văn 2434/UBND-KT quy định thì bạn trình bày với tổ kiểm soát để tiếp tục đi xin dấu vào giấy đi đường.

Thứ hai, nếu không thuộc đối tượng được xin giấy đi đường, thì bạn cũng không được phép ra đường với lý do xin dấu xác nhận cho giấy đi đường.

Những trường hợp được cấp/đóng dấu vào giấy đi đường theo mục 2 - công văn 2434/UBND-KT:

- Đối với cơ quan, đơn vị, Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố: Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết: trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu thì cán bộ, nhân viên được tham gia giao thông. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên gây lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch và cấp giấy đi đường.

- Đối với người lao động trong thành phố làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất (bao gồm cả các Doanh nghiệp trong và ngoài Khu, Cụm công nghiệp), cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu; lực lượng duy trì hệ thống, bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong thành phố được tham gia giao thông khi: Đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm quản lý chặt chẽ người lao động, cam kết về việc đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch; lập kế hoạch hoạt động, kèm theo danh sách người lao động, cấp giấy đi đường theo mẫu.

- Đối với người ở tỉnh, thành khác vào thành phố làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động, cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu.

- Đối với cán bộ, nhân viên, người lao động có địa chỉ thường trú tại Hà Nội làm việc, lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố khác: cần có giấy xác nhận là cán bộ, công nhân, người lao động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố đó và giấy xác nhận của chính quyền nơi cư trú.

- Đối với các trường hợp khác: người ở tỉnh, thành khác đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố; lễ tang; đi sân bay Nội Bài để công tác (kể cả người đưa đón).

- Các trường hợp ra, vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia: Phải có các loại giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó và giấy đi đường.