Vụ cố ý gây thương tích bị “tố” không xử lý khách quan:
Cà Mau: "Đình chỉ điều tra hình sự là có thể đã bỏ lọt tội phạm"
(Dân trí) - Liên quan đến vụ "cố ý gây thương tích bị tố không xử lý khách quan”, luật sư cho rằng cơ quan tố tụng huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) đình chỉ điều tra là không khách quan, có thể đã bỏ lọt tội phạm.
Gia đình bị hại Bành Nhật Khanh (ngụ xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) vừa qua đã có đơn khiếu nại về việc cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Thới Bình ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án “Cố ý gây thương tích”, với lý do “Hành vi không cấu thành tội phạm” đối với 4 người bị tố giác là Bùi Văn Tý, Hứa Xía Tện, Nguyễn Văn Linh, Hứa Trung Kiên (cùng ngụ huyện Thới Bình).
Ngoài ra, với vụ án này, qua một số tài liệu cũng như lời trình bày của người bị hại, nhân chứng,… thì trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Nguyễn Duy Sơn (Phó Giám đốc Công ty Luật Thái Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, cơ quan tố tụng (CSĐT Công an huyện Thới Bình và Viện KSND huyện Thới Bình) đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với vụ án là "không phù hợp với tình tiết, chứng cứ và sự thật khách quan, cũng như không phù hợp với quy định của pháp luật".
Luật sư Nguyễn Duy Sơn phân tích, theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người…”
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan CSĐT Công an huyện Thới Bình đã tiến hành trưng cầu giám định, kết luận tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của bị hại Bành Nhật Khanh là 9%.
“Tại 2 kết luận giám định đã xác định cơ cấu hình thành các vết thương là do vật tày, vật sắc, vật sắc nhọn hoặc vật có cạnh nhọn gây ra. Xác định này đã chứng minh cụ thể về vật mà các đối tượng nêu trên dùng để tác động lên người bị hại Bành Nhật Khanh để gây thương tích là hung khí nguy hiểm”, Luật sư Sơn nêu quan điểm.
"Theo quy định tại tiểu mục 2.2, mục I, phần I, Nghị Quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự và theo quy định tại tiểu mục 3.1, mục 3, Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, thì có đủ cơ sở khẳng định hung khí của các đối tượng sử dụng để gây thương tích cho bị hại là hung khí nguy hiểm", Luật sư Nguyễn Duy Sơn thông tin thêm.
Cũng theo Phó Giám đốc Công ty Luật Thái Sơn, bị hại Bành Nhật Khanh xác định thấy các đối tượng dùng mã tấu và kiếm nhật gây thương tích cho mình. Ngoài ra, người làm chứng còn thấy có đối tượng dùng một vật đánh bị hại khi gãy có dây điện bên trong,...
Cũng trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an huyện Thới Bình tiến hành trưng cầu giám định cùng tại một đơn vị nhưng giám định lần đầu cùng vết thương nhưng kết luận không có tỷ lệ, khi giám định bổ sung thì cũng cùng vết thương đó nhưng có tỷ lệ, điều này đã thể hiện sự không khách quan.
"Lẽ ra, cơ quan CSĐT cần phải tiến hành trưng cầu giám định ở một tổ chức giám định khác sau khi có sự mâu thuẫn này để đảm bảo việc giải quyết khách quan vụ án. Và sau khi được thông báo các kết luận giám định thì bị hại, gia đình bị hại đã có yêu cầu giám định lại ở tổ chức khác nhưng lại không được xem xét", Luật sư Sơn đặt nghi vấn.
Trong khi đó, người nhà bị hại Bành Nhật Khanh cho rằng, từ lúc bị gây thương tích đến nay bị hại có dấu hiệu di chứng rối loạn về tâm thần và hành vi sau chấn thương.
Theo Luật sư Nguyễn Duy Sơn, hành vi của nhóm đối tượng Bùi Văn Tý, Hứa Xía Tện, Nguyễn Văn Linh, Hứa Trung Kiên thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm xâm phạm quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người được quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, cần thiết phải được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
"Việc cơ quan CSĐT Công an huyện Thới Bình áp dụng khoản 2, Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự về “Hành vi không cấu thành tội phạm” đối với vụ án này để đình chỉ điều tra, tôi thấy là không khách quan, có dấu hiệu đã bỏ lọt tội phạm", Luật sư Sơn thẳng thắn nêu quan điểm.
Theo người nhà bị hại Bành Nhật Khanh cho biết, mới đây cả cơ quan CSĐT Công an huyện Thới Bình và Viện KSND huyện Thới Bình đều đã bác đơn của bị hại khiếu nại về việc định chỉ điều tra vụ án này.
Như Dân trí đã phản ánh, ngày 12/11/2018, anh Bành Nhật Khanh (SN 2001, ngụ xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) bị đánh gây thương tích bởi 4 đối tượng, gồm: Bùi Văn Tý (SN 1993), Hứa Xía Tện (SN 1995), Nguyễn Văn Linh (SN 2001) và Hứa Trung Kiên (SN 2003).
Sau đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Thới Bình đã thụ lý điều tra vụ án “Cố ý gây thương tích”, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 22/3/2019. Tuy nhiên, đến ngày 3/1/2020, cơ quan này lại có thông báo về việc “đình chỉ điều tra vụ án hình sự” đối với vụ án, với lý do "Hành vi không cấu thành tội phạm".
Trong khi trước đó, ngày 10/9/2019, trong quyết định giải quyết khiếu nại, Viện KSND tỉnh Cà Mau cho rằng, việc cơ quan CSĐT Công an huyện Thới Bình xác định có dấu hiệu tội phạm “Cố ý gây thương tích” nên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự, là có căn cứ và đúng quy định pháp luật.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Huỳnh Hải