Cà Mau: Đề nghị làm rõ nhiều khoản thu chi tại trường trung học khiến phụ huynh bức xúc

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh trường THCS Phan Bội Châu (phường 4, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) phản ánh, khi hay tin nhà trường đưa ra các khoản thu “trên trời”, họ rất muốn có ý kiến xin điều chỉnh nhưng không dám vì nhiều lý do “tế nhị”.

Trường THCS Phan Bội Châu, nơi có giáo viên, phụ huynh bức xúc về các khoản thu, chi của nhà trường.
Trường THCS Phan Bội Châu, nơi có giáo viên, phụ huynh bức xúc về các khoản thu, chi của nhà trường.

Nhiều khoản thu, chi gây bức xúc

Tiếp xúc với PV Dân trí, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh trường THCS Phan Bội Châu phản ánh, thời gian qua, bà Tạ Thị Huế (Hiệu trưởng nhà trường) đã đưa ra nhiều khoản thu cao hơn mức bình thường và nhiều khoản chi không rõ ràng, có phần nghiêng về lợi ích cá nhân của bà.

Cụ thể, giá của một cuốn học bạ tại Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cà Mau chỉ bán 5.000 đồng/cuốn, nhưng trường lại thu của học sinh cao hơn gấp 3 lần; giá phô tô theo giá thị trường tại Cà Mau chỉ khoảng 200 đồng/trang A4, trong khi nhà trường tính giá phô tô đề thi, kiểm tra của các em học sinh đến 500 đồng/trang A4; lệ phí kiểm tra học kỳ các trường khác chỉ khoảng 8.000-10.000 đồng, trường này thu đến 15.000 đồng.

Theo trình bày của một số giáo viên, ngoài các khoản thu, chi như nói trên, Trường THCS Phan Bội Châu còn có nhiều khoản thu, chi khác mà theo các giáo viên là sai quy định, thiếu minh bạch.

Cụ thể, theo quy định, nhà trường có quyền tổ chức thu, chi theo kế hoạch dạy thêm, học thêm, nhưng phải tuân thủ Chương II - Điều 3 quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau (Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 16/8/2013 của UBND tỉnh Cà Mau): Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai kế hoạch thu, chi tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; tỷ lệ chi tiền học được chi thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy 75%; chi công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường 10%; hỗ trợ tiền điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm 15%.

Tuy nhiên, các giáo viên phản ánh, Trường THCS Phan Bội Châu đã trích 5% trong khoản 75% của giáo viên trực tiếp giảng dạy chia cho các giáo viên chủ nhiệm, dẫn đến số tiền thực tế chi cho các giáo viên trực tiếp đứng lớp bị hạ xuống chỉ còn 70%.

Một giáo viên bức xúc: “Đáng lẽ giáo viên chủ nhiệm là người đôn đốc nhắc nhở, giám sát sỉ số chuyên cần và thu, đóng tiền đúng theo quy định của trường thì phải được chia trong khoản 10% (tổ chức - quản lý), nhưng nhà trường lại trích 5% trong khoản 75% chia cho giáo viên chủ nhiệm để dành chọn khoản 10% (tổ chức - quản lý) chia cho bản thân hiệu trưởng, kế toán, thủ quỹ; đồng thời trích một phần chia cho bảo vệ và tạp vụ”.

Giáo viên thông tin thêm: “Tôi được biết, trong khoản tiền 10% (tổ chức - quản lý), bình quân mỗi tháng nhà trường thu khoảng 15 triệu đồng, nhưng hiệu trưởng lại hưởng 6 triệu đồng; kế toán và thủ quỹ mỗi người trên 3 triệu đồng; số còn lại chia cho bảo vệ, tạp vụ…, nhưng mỗi người chỉ vài trăm ngàn đồng thì thử hỏi có công bằng không”.

Không chỉ dừng lại ở các khoản thu, chi gây bức xúc nói trên, Trường THCS Phan Bội Châu còn dùng tiền trong khoản 15% hỗ trợ điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm để mua máy điều hòa trong phòng làm việc của Hiệu trưởng, rồi mua màng che cho khu hành chính của nhà trường,… Các giáo viên cho rằng, việc dùng tiền trong khoản 15% mua màng che thì có thể chấp nhận được, còn dùng để mua máy điều hòa phục vụ riêng cho Hiệu trưởng thì quả là quá đáng. Bởi, theo quy định thì khoản tiền 15% này chỉ được dùng trong hỗ trợ dạy thêm, học thêm tại trường.

Trả lời câu hỏi trường thu tiền bán học bạ 15.000 đồng/cuốn có cao quá không và cấp thẩm quyền có quy định giá cụ thể phải thu bao nhiêu?, thì bà Tạ Thị Huế (Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu) cho rằng, học bạ thì nhà trường chỉ “mua dùm”, còn việc thu tiền là để chia cho người trực tiếp đi mua và cho giáo viên ghi và trực tiếp quản lý cập nhật thông tin học bạ.

Còn về giá phô tô 500 đồng/tờ thì bà Huế lập luận: “Việc phô tô nhà trường giao khoán cho Văn phòng phô tô vì nếu để giáo viên phô tô sẽ không đồng nhất; còn việc chi thì để phụ cấp cho người chỉnh sữa đề cương”.

PV tiếp tục truy vấn, việc thu, chi trong các khoản thuộc kế hoạch thu, chi tiền học thêm có đúng theo phản ánh của giáo viên và có phù hợp quy định? Bà Tạ Thị Huế từ chối trả lời vì cho rằng vấn đề thu, chi nội bộ của nhà trường là vấn đề “tế nhị”, nếu các giáo viên có phản ánh trực tiếp thì bà sẽ giải thích hoặc trả lời bằng văn bản. “Người ta muốn yêu cầu giải đáp thì chị sẽ giải đáp rõ ràng và cần thiết có cơ quan cấp trên chủ quản, thanh tra, kiểm tra, chứ chị không thông tin trên báo chí”, nữ Hiệu trưởng nói.

Một học bạ ở Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Cà Mau bán chỉ 5.000 đồng, nhưng trường THCS Phan Bội Châu thu của học sinh đến 15.000 đồng.
Một học bạ ở Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Cà Mau bán chỉ 5.000 đồng, nhưng trường THCS Phan Bội Châu thu của học sinh đến 15.000 đồng.

“Không nhỏ tí nào”

Sau khi trao đổi với Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu, PV đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều phụ huynh, giáo viên và một số học sinh của trường này để tìm hiểu thêm về các khoản thu, chi nói trên.

Tiếp xúc với PV, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh cho rằng, nếu nhìn vào vấn đề cứ ngỡ là nhỏ nhặt, nhưng thực chất là không nhỏ tí nào. Bởi, trường THCS Phan Bội Châu là một trường khá lớn trên địa bàn TP Cà Mau, với số học sinh lên đến trên 700 em.

“Chỉ tính riêng khối 6 đã có đến 7 lớp, trung bình mỗi lớp 30 học sinh thì đã có hơn 200 em, thử tính tiền thu học bạ chênh lệch là bao nhiêu. Đó là còn chưa nói đến tiền phô tô đề cương ôn tập học kỳ I, học kỳ II và các bài kiểm tra định kỳ của tất cả các môn học”, một giáo viên bức xúc.

Bà T. (một phụ huynh có con đang học tại trường THCS Phan Bội Châu) nói: “Đối với gia đình có điều kiện thì số tiền học bạ, phô tô đề cương và các khoản khác của nhà trường có thể nói chẳng đáng gì. Tuy nhiên, đối với các gia đình có thu nhập thấp thì để cho con em được cấp sách đến trường là cả một vấn đề, do đó các khoản thu bất thường của nhà trường là quá áp lực đối với họ”.

Một phụ huynh tên H. chia sẻ: “Nói thật, khi nghe con xin 15.000 đồng để đóng tiền học bạ, gia đình tôi bán tín bán nghi, tưởng con mình nói dối, nào ngờ là đúng sự thật”.

Nhiều giáo viên, phụ huynh khác thông tin thêm, khi hay tin nhà trường “tận thu” như vậy, các phụ huynh rất muốn gặp lãnh đạo trường để xin… “giảm giá”. Tuy nhiên, phần là trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường chẳng nhắc gì đến việc thu tiền, phần nữa là do con em mình đang theo học ở trường, sợ “bị đì” nên phụ huynh cũng không dám ý kiến trực tiếp với nhà trường.

PV Dân trí cũng đã liên hệ với Hiệu trưởng một số trường THCS và cán bộ làm công tác chuyên môn cấp học này để tìm hiểu thêm.

Thầy H. (Hiệu trưởng một trường THCS) nhận định, nếu có trường thu tiền như phản ánh ở trên thì quả thật hơi cao. Bởi, việc ghi, quản lý học bạ là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm; còn việc giáo viên đi mua học bạ từ Sở về thì giáo viên đó phải được cấp công lệnh (giấy đi đường) và được thanh toán theo quy định. “Nếu có thu thì nhà trường có thể thu tiền bìa kiếng hoặc một số giấy tờ không có sẵn trong học bạ từ Sở. Tuy nhiên, không thể thu gấp 3 lần như vậy được”, vị Hiệu trưởng nói.

Một cán bộ đang làm công tác chuyên môn ở một Phòng Giáo dục - Đào tạo cũng cho rằng, nếu trường dùng tiền trong khoản 15% (hỗ trợ điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm-PV) để mua tài sản phục vụ mục đích chung thì không sai, còn nếu mua máy điều hòa để gắn trực tiếp phòng Hiệu trưởng thì cần phải xem xét lại.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Tuấn Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm