Số phận pháp lý của Mr Pips Phó Đức Nam

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi của Nam có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Việc xem xét mức phạt tùy thuộc số tiền chiếm đoạt và khả năng khắc phục của nghi phạm.

Công an TP Hà Nội đã bắt giữ Phó Đức Nam (tức "Mr Pips", 30 tuổi, ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Theo công an, Nam liên kết với Lê Khắc Ngọ (tức "Mr Hunter", 34 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và một đối tượng người Thổ Nhĩ Kỳ có văn phòng điều hành tại TP Phnom Penh (Campuchia) để chỉ đạo 7 người khác tại Việt Nam thành lập nhiều công ty ma, tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh dù không đăng ký lĩnh vực này. 

Các đối tượng tạo lập 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là sàn giao dịch quốc tế, kết nối khách hàng thông qua các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Telegram, từ đó tạo niềm tin để các nhà đầu tư tin tưởng, chuyển khoản vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt. 

Thượng tá Cao Văn Thái, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, cho biết bước đầu, cơ quan điều tra xác định được 2661 bị hại với số tiền đã nạp khoảng hơn 50 triệu USD. Lực lượng chức năng đang tiếp tục mở rộng vụ án, và con số sẽ còn lớn hơn.

Với số lượng bị hại cũng như số tiền nêu trên, Phó Đức Nam có thể bị xử lý ra sao theo quy định pháp luật? 

Số phận pháp lý của Mr Pips Phó Đức Nam - 1

Đối tượng Phó Đức Nam (Ảnh: Công an Hà Nội).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là vụ án có tính chất phức tạp, các đối tượng thể hiện sự tinh vi trong việc thực hiện hành vi phạm tội khi tạo dựng nên một hệ thống bài bản với sự tham gia, phối hợp, giúp sức của nhiều cá nhân khác nhau, xâm phạm nghiêm trọng tới tài sản của người khác cũng như an ninh trật tự xã hội. Do đó, cần xử lý nghiêm nhằm đảm bảo tính răn đe, đồng thời ngăn ngừa những hành vi tương tự có thể xảy ra. 

Dưới góc độ pháp lý, theo thông tin công an cung cấp, Nam cùng các đối tượng đã có nhiều hành vi nhằm gây nhầm lẫn, tạo sự tin tưởng để các nhà đầu tư chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định sẵn và chiếm đoạt tài sản. Đây có thể coi là các thủ đoạn gian dối, phục vụ mục đích chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, việc cơ quan công an điều tra đối tượng về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 là hoàn toàn có cơ sở. 

Do đây là tội danh mang tính định lượng, vấn đề quan trọng, mấu chốt để xác định trách nhiệm pháp lý đối với nghi phạm sẽ là tổng số tiền đối tượng chiếm đoạt được của các bị hại. 

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Tùy thuộc số tiền chiếm đoạt, khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng là 12-20 năm tù hoặc tù chung thân, áp dụng trong trường hợp số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên. 

Đối với vụ án này, số tiền các bị hại đã nạp là khoảng hơn 50 triệu USD. Dù đây chưa phải con số cuối cùng nhưng con số do cơ quan công an cung cấp hiện đã vượt xa mức 500 triệu đồng. Do đó, Mr Pips có thể bị áp dụng khung hình phạt theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 là 12-20 năm tù hoặc tù chung thân. 

Đối với các đối tượng khác, cơ quan điều tra sẽ phải đánh giá vai trò cũng như tính chất hành vi của các đối tượng trong hệ thống như thế nào. Nếu bị xác định có vai trò giúp sức để Nam thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng cũng có thể bị xem xét trách nhiệm ở khung hình phạt tương tự. 

Số phận pháp lý của Mr Pips Phó Đức Nam - 2

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo dõi sự việc, luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng với diễn biến hành vi của Phó Đức Nam, việc xem xét trách nhiệm của đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn có cơ sở. Với mức độ thiệt hại tới thời điểm hiện tại, có cơ sở để xử lý đối tượng theo quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. 

Về khung hình phạt, luật sư cho biết dù khung hình phạt thấp nhất tại khoản này là 12 năm tù nhưng nếu đối tượng có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 trong quá trình làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, có thể áp dụng quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét mức phạt dưới khung đối với nghi phạm. 

Cụ thể, theo Điều 54 Bộ luật này, nếu người phạm tội nếu có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên như người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; lập công chuộc tội hay là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ... thì tòa án có thể quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. 

"Đối với những vụ án xâm phạm tới quyền tài sản, vấn đề quan trọng khi đánh giá trách nhiệm hình sự là khả năng bồi thường, khắc phục hậu quả của người phạm tội. Trên thực tế, không ít vụ án hình sự khi người phạm tội khắc phục phần lớn hoặc toàn bộ thiệt hại, họ được áp dụng mức phạt thấp hơn nhiều so với khung hình phạt bị truy tố. 

Do đó, trong trường hợp đối tượng Mr Pips hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động, tích cực khắc phục, bồi thường phần lớn thiệt hại cho các bị hại và có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác, có thể xem xét áp dụng mức phạt dưới khung đối với nghi phạm", luật sư bình luận.