Cà Mau: Hai cấp toà tuyên cùng một bản án khiến người dân phẫn nộ!

(Dân trí) - Xác định việc bơm lấy đất thịt từ đầm tôm của ông Nguyễn Tùng Em là có thật, còn việc giao nhận tiền không có giấy tờ gì để chứng minh rằng cho vay hoặc cho mượn, nhưng TAND 2 cấp của tỉnh Cà Mau lại tuyên buộc ông Tùng Em phải hoàn trả lại tiền cho ông Nguyễn Ngọc Thọ. Trong khi đó, có nhiều tình tiết trong vụ việc này vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Trắng tay vì “hợp đồng miệng”!

Tiếp xúc với PV Dân trí, vợ chồng ông Nguyễn Tùng Em - bà Huỳnh Thị Lợi (ngụ ấp 3, xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) trình bày: Vào tháng 10/2012, vợ chồng ông Tùng Em và ông Nguyễn Ngọc Thọ có thỏa thuận với nhau là ông Tùng Em bán cho ông Thọ phần đất thịt trong vuông tôm của gia đình để bơm lấp nền khu nhà mộ của tổ tiên ông Thọ, với hình thức “thỏa thuận miệng” giá 120 triệu đồng. Theo thỏa thuận, đến khi nào đất khô và đầy khu nhà mộ của tổ tiên thì ông Thọ mới trả tiền.

Theo ông Tùng Em, đây là giao dịch theo kiểu ở nông thôn, vì tin tưởng nên hoàn toàn bằng miệng với nhau chứ không làm hợp đồng bằng giấy tờ gì. Sau khi bơm đất 7 tháng, phía gia đình ông Thọ thấy đất không còn lún xuống, nên đã kêu ông Tùng Em cùng ra Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Thới Bình rút tiền trả cho ông Tùng Em trước 100 triệu đồng, còn nợ lại 20 triệu đồng.

Vợ chồng ông Nguyễn Tùng Em tiếp xúc trình bày vụ việc với PV Dân trí.
Vợ chồng ông Nguyễn Tùng Em tiếp xúc trình bày vụ việc với PV Dân trí.

Thế nhưng, vào giữa năm 2015, gia đình ông Thọ bất ngờ có đơn gửi cơ quan chức năng địa phương và khởi kiện ông Tùng Em ra tòa, với nội dung cho rằng số tiền 100 triệu đồng nói trên là do gia đình ông Thọ cho ông Tùng Em mượn, còn việc bơm đất lấp nền nhà mộ là do ông Tùng Em cho không chứ không có việc mua bán gì.

Khi ra hòa giải ở địa phương cũng như khai nhận tại tòa, ông Tùng Em thừa nhận có nhận từ ông Thọ 100 triệu đồng, nhưng đây là tiền mà ông Thọ trả khi mua đất bơm lấp nền khu mộ, chứ không thừa nhận việc mượn tiền như nội dung khởi kiện của ông Thọ. Trong khi đó, việc bơm đất từ vuông tôm của ông Tùng Em lên đắp nền khu mộ tổ tiên của ông Thọ cũng được cơ quan chức năng địa phương xác định là có thật.

Tuy xác định việc bơm đất là có thật, việc mượn tiền không có giấy tờ chứng minh, nhưng TAND 2 cấp của tỉnh Cà Mau lại tuyên buộc ông Tùng Em phải hoàn trả tiền cho ông Thọ nên dẫn đến gây bức xúc.

Tòa “bỏ quên” nhân chứng?

Theo trình bày của ông Tùng Em, lúc đầu khi ông Thọ đến nhà ông ngỏ ý mua đất lấp nền mộ thì ông không chịu bán. Sau đó, bà Dương Thùy Dương (ngụ cùng địa phương) nghe chuyện nên đến khuyên ông Tùng Em là hoàn cảnh ông khó khăn, thôi thì cứ bán đất cho ông Thọ để lấy tiền giải quyết khó khăn trước mắt, còn đất trong vuông thì từ từ phù sa sẽ bồi đắp lại.

“Nghe bà Dương nói có lý nên vợ chồng tôi mới đồng ý bán đất thịt cho gia đình ông Thọ. Bà Dương đã viết giấy xác nhận, đồng thời chịu đứng ra làm chứng với cơ quan chức năng cũng như trước tòa, nhưng khi tòa xét xử thì không mời bà Dương”, ông Tùng Em nói.

Cũng theo hồ sơ ông Tùng Em cung cấp, ngoài bà Dương Thùy Dương, còn có bà Dương Thị Nương (ngụ ấp 3, xã Thới Bình), ông Võ Văn Nguyện (ngụ ấp 6, xã Thới Bình)… cũng đồng ý làm chứng trước cơ quan chức năng và trước tòa về “hợp đồng miệng” giữa ông Tùng Em và ông Thọ. Những người này cũng đã có giấy xác nhận, tường trình sự việc gửi kèm theo hồ sơ hòa giải của địa phương.

Cà Mau: Hai cấp toà tuyên cùng một bản án khiến người dân phẫn nộ! - 2
Cà Mau: Hai cấp toà tuyên cùng một bản án khiến người dân phẫn nộ! - 3
Nhiều nhân chứng đã viết giấy xác nhận, tường trình với chính quyền địa phương cho rằng, tòa 2 cấp của tỉnh Cà Mau đã “bỏ quên” họ trong các phiên xét xử.
Nhiều nhân chứng đã viết giấy xác nhận, tường trình với chính quyền địa phương cho rằng, tòa 2 cấp của tỉnh Cà Mau đã “bỏ quên” họ trong các phiên xét xử.

Điều lạ thường là mặc dù những nhân chứng nói trên đã có giấy xác nhận biết sự việc và khi địa phương tổ chức hòa giải, những nhân chứng này cũng đã đến hòa giải và có tham gia phát biểu ý kiến. Tuy nhiên, khi đưa ra xét xử, cả 2 phiên tòa đều không mời họ lên làm chứng.

“Hay tin tòa sơ thẩm đưa ra xét xử nhưng không mời chúng tôi, chúng tôi đã chủ động đến tham gia phiên tòa xem thẩm phán có hỏi gì không, nhưng chúng tôi không hề được Hội đồng xét xử nhắc đến dù chỉ một lời. Thấy bức xúc, chúng tôi đứng lên xin có ý kiến thì Thẩm phán chủ tọa không chấp nhận”, ông Võ Văn Nguyện nói.

Bà Dương Thùy Dương cho rằng, những người nhớ cụ thể từng vụ việc thì không được tòa mời, giấy xác nhận của họ cũng không được Hội đồng xét xử đề cập đến, trong khi lời khai của ông Lê Hoàng Khê (người khoan đất) trước sau bất nhất nhưng vẫn được tòa “để ý” đưa vào bản án, thì không thể chấp nhận được.

Cụ thể, biên bản hòa giải ngày 15/1/2015 tại UBND xã Thới Bình thể hiện ông Lê Hoàng Khê trình bày với nội dung cho rằng: Khi khoan đất (tháng 8/2012), ông Khê có nghe ông Tùng (Tùng Em) nói là cho ông Thọ phần đất trên và ông cũng được biết ông Thọ có cho ông Tùng mượn 100 triệu đồng. Thế nhưng, khi làm việc với tòa, ông Khê lại khai rằng: “… không nghe nói là ông Thọ, bà Chinh có mua đất thịt của ông Tùng Em”.

Tháng 3/2013, ông Thọ mới đến ngân hàng rút tiền đưa cho ông Tùng Em. Nhưng khi khoan đất vào tháng 8/2012, ông Lê Hoàng Khê đã nghe việc ông Thọ cho ông Tùng Em mượn tiền...
Tháng 3/2013, ông Thọ mới đến ngân hàng rút tiền đưa cho ông Tùng Em. Nhưng khi khoan đất vào tháng 8/2012, ông Lê Hoàng Khê "đã nghe" việc ông Thọ cho ông Tùng Em mượn tiền...
Trong khi đó, lời khai với tòa thì ông Lê Hoàng Kê cho rằng, ông không nghe nói là ông Thọ, bà Chinh có mua đất thịt của ông Tùng Em.
Trong khi đó, lời khai với tòa thì ông Lê Hoàng Kê cho rằng, ông không nghe nói là ông Thọ, bà Chinh có mua đất thịt của ông Tùng Em.

Một điều bất thường cần làm rõ nữa là trên thực tế thì số tiền 100 triệu đồng nói trên ông Thọ đã đưa trực tiếp cho ông Tùng Em sau khi rút tiền tại ngân hàng vào tháng 3/2013 (tức là sau khi khoang đất đến 7 tháng – PV) thì không có cơ sở để khi khoang đất, ông Khê “đã nghe” ông Thọ cho ông Tùng Em mượn tiền.

“Tôi cho rằng, tòa đã không khách quan khi xử lý vụ việc này. Bởi lời khai của ông Khê trước sau bất nhất lại được tòa quan tâm đưa vào bản án để có lợi cho ông Thọ. Trong khi đó, có nhiều người trực tiếp biết chuyện, chấp nhận đứng ra làm nhân chứng thì lại không được tòa mời hoặc nhắc đến”, ông Tùng Em bức xúc.

Cho rằng tòa 2 cấp của tỉnh Cà Mau xét xử không thuyết phục, gia đình ông Nguyễn Tùng Em đã gửi đơn đến Chánh an TAND Cấp cao tại TPHCM đề nghị giám đốc thẩm vụ án.
Cho rằng tòa 2 cấp của tỉnh Cà Mau xét xử không thuyết phục, gia đình ông Nguyễn Tùng Em đã gửi đơn đến Chánh an TAND Cấp cao tại TPHCM đề nghị giám đốc thẩm vụ án.

Nhiều người dân nhận định, từ lâu nay, người dân miền Tây vì tin tưởng nhau nên thường hay “thỏa thuận miệng”, tức “được mua, vừa bán”, người mua trả tiền, người bán giao hàng là xong việc, chỉ trừ khi hợp đồng mua bán, sang nhượng hoặc vay mượn tiền mới làm giấy tờ chứng minh.

Vấn đề mà dư luận đặt ra là trong đơn khởi kiện, ông Thọ cho rằng đã cho ông Tùng Em mượn 100 triệu đồng và ông Thọ phải đến ngân hàng rút tiền cho ông Tùng Em mượn chứ không có sẵn tiền trong gia đình. Mặc khác, trong khi hoàn cảnh của ông Tùng Em khó khăn, nhưng với số tiền lớn như vậy mà khi giao tiền cả 2 bên đều không làm giấy tờ vay mượn, thì liệu có điều bất thường gì khác trong các phiên tòa, rất cần cơ quan có thẩm quyền làm sáng tỏ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Tuấn Thanh

5/