Buýt nhanh BRT được thay thế bằng đường sắt đô thị: Bỏ là đúng!

Hải Hà

(Dân trí) - "Thay buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị là đúng, nhưng Hà Nội đã có phương án cụ thể chưa, người dân có phải chờ đợi lâu như với tuyến đường trên cao Cát Linh - Yên Nghĩa?".

Tại buổi làm việc của UBND TP Hà Nội với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023, Phó chủ tịch thành phố Dương Đức Tuấn cho biết do hạn chế về hạ tầng, buýt nhanh thành "buýt chậm" nên BRT Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.

Thông tin khiến nhiều người, nhất là những ai hàng ngày tham gia giao thông trên tuyến đường này đều thốt lên "tin vui quá!", "chờ mãi mới thấy quyết định này", "bỏ là phải, quá bất hợp lý"… Bên cạnh đó là băn khoăn: "Thay BRT bằng đường sắt đô thị, vậy Hà Nội đã có phương án cụ thể chưa, người dân có phải chờ đợi như tuyến đường sắt Cát Linh - Yên Nghĩa không?".

Buýt nhanh BRT được thay thế bằng đường sắt đô thị: Bỏ là đúng! - 1

Lãnh đạo Hà Nội cho biết thành phố sẽ thay thế tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng metro.

3 làn giao thông, thì một làn BRT, một làn trong ô tô đỗ dưới lòng đường

"Chính xác, BRT là một thất bại, cần thay đổi sớm. Đường sắt trên cao là tốt nhưng cần đẩy thật nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu, chứ nếu 10 năm mới xong thì không hề ổn chút nào", độc giả Anh Tu Le nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, độc giả Nguyen Hungpham phân tích ba lý do cần điều chỉnh lại tuyến BRT này: Thứ nhất, tuyến này giờ lạc hậu rồi vì có tuyến Metro Yên Nghĩa - Cát Linh với lộ trình gần giống nhau.

Thứ hai, giờ đi làm và giờ tan tầm nhu cầu đi lại nhiều nhất nhưng do tắc đường nên BRT có nhanh hơn được bao nhiêu so với buýt truyền thống đâu; Thứ ba, tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình mật độ chung cư nhiều nên nhu cầu đi lại lớn, đường mỗi bên 2,5 làn mà BRT lấy mất một làn dẫn đến tắc đường trầm trọng, giờ tan tầm xếp hàng dài ở giao lộ đèn xanh đỏ.

"Bỏ là đúng, tuy nhiên có tiến độ cụ thể không?", độc giả này đặt vấn đề.

Độc giả haiphongly: "Cách đây vài năm, từ khi đầu tư BRT tôi đã thấy hạn chế quá rồi. Quá lãng phí tài nguyên giao thông, đường đã chật hẹp, đông đúc lại phải dành riêng một làn cho BRT trong khi lâu lâu mới có một chuyến chạy qua, làn đường trống vắng, trong khi làn bên cạnh thì đi lại o ép, chậm như sên, ức chế vô cùng. Lại thêm ý thức giao thông của người điều khiển xe, vắng cảnh sát giao thông là đi sang làn đường cấm, đi ngược chiều... thành ra vi phạm quá nhiều và xử lý vi phạm cũng là một vấn đề. Bỏ BRT sớm ngày nào thì đỡ ngày đó, xe BRT thì sơn lại, chuyển sang chạy như bus thường cũng tận dụng được".

Cùng quan điểm, độc giả Tuệ Minh cho rằng: "Trục Lê Văn Lương - Tố Hữu thiết kế có 3 làn xe/ chiều, riêng BRT chiếm mất một làn chỉ phục vụ khoảng 10 - 15% nhu cầu của người dân, đẩy 85 - 90% nhu cầu sang 2 làn đường còn lại khiến cho con đường đó lúc nào cũng trở nên quá tải. Người dân, họ đã thấy sự bất tiện khi quy hoạch BRT ở tuyến này từ rất lâu, thậm chí chỉ sau 1 thời gian rất ngắn khi nó vừa hoạt động, tại thời điểm đó áp lực giao thông trên tuyến này cũng chưa phải là lớn. Nhưng khi các KĐT, chung cư dọc tuyến này hoàn thành sau đó vài năm thì vấn đề quá tải giao thông trên toàn tuyến này trở nên quá nghiêm trọng. Chính vì vậy nên bỏ BRT ở trục này cho dân đỡ khổ khi đi lại".

Độc giả Trịnh Hoài: "Từ khi có BRT, một bộ phận cư dân phường Trung Văn khổ sở vì ngã tư bị chặn. Để đi từ Trung Văn sang Lê Văn Lương hồi xưa chỉ cần chờ đèn đỏ rồi rẽ trái là tới, đằng này phải rẽ phải rõ xa xuống tận Mỗ Lao (Hà Đông), hầu như đoạn này lúc nào cũng tắc, dân tràn lên cả vỉa hè gây hỏng gạch, nhìn đường xá rất mất cảm tình!".

Buýt nhanh BRT được thay thế bằng đường sắt đô thị: Bỏ là đúng! - 2
Buýt nhanh BRT được thay thế bằng đường sắt đô thị: Bỏ là đúng! - 3

Tuyến buýt nhanh BRT vừa được đầu tư thí điểm vé điện tử.

Bỏ BRT đồng nghĩa với xe máy không có lối đi!

Nhiều độc giả tham gia giao thông hàng ngày bằng buýt nhanh BRT cảm thấy tiếc nuối khi nghe thông tin này.

Độc giả Binh Trương: "Sao không nghĩ cách cho nó hiệu quả hơn mà cứ thấy chưa hiệu quả là bỏ đi làm lại từ đầu là sao nhỉ? Như thế quá tốn kém!".

"Thật tiếc nếu bỏ xe buýt BRT. Từ ngày có tuyến buýt này mình đi làm rất thuận tiện, nhanh, không như các tuyến khác phải chờ lâu 20-30 phút/ chuyến. BRT khoảng 3-5 phút có 1 chuyến nên không phải chờ đợi lâu, chất lượng xe cũng tốt", độc giả Hương Hồng.

Độc giả với nick name tuoitrenay: "Những người không đi thường chê, tôi đi BRT thường xuyên và thấy thuận lợi, đáng tiền trong giai đoạn hiện nay, về dài hạn phải nâng cấp thành đường sắt 1 ray. Nguyên nhân tắc do quá tải và ý thức chứ không phải BRT, hãy so sánh Nguyễn Trãi và Trần Duy Hưng trong cùng giờ sẽ thấy tắc chả kém Lê Văn Lương.

Một điểm nữa là đường rộng phải có làn riêng cho xe máy để tránh hỗn độn, giờ cao điểm nhiều ông ô tô chen nhau không ai đi nổi, nhờ có BRT mà xe máy thoát nhanh được".

Độc giả Thiết Hùng: "Ai chê BRT chắc hẳn không bao giờ dùng BRT, còn như tôi và gia đình tôi thường xuyên dùng thì thấy rất hữu ích. Khách đi trên tuyến này toàn người già, học sinh, sinh viên, trẻ em, những người này đâu có bon chen được với phương tiện cá nhân đông nghìn nghịt vào giờ cao điểm, đi BRT vừa an toàn, vừa sạch sẽ, các con đi học bằng tuyến này cũng rất yên tâm. Tôi và hàng ngàn người khác đi BRT hàng ngày ủng hộ duy trì tuyến BRT (dù trước khi BRT đi vào hoạt động tôi là người cực kỳ phản đối với cùng lý do như nhiều bạn vẫn kêu ca)".

"Tôi về nhà hay đi đường Giảng Võ này, tôi đi xe máy nên len vào làn BRT, biết là không được phép nhưng chỉ có vậy mới đi được, chứ giờ xe máy không có làn rồi, ô tô đỗ chiếm một làn, một làn di chuyển hai xe thế là xe máy ngắc ngoải. Chưa kể trên trục đường này có nhiều trường học, giờ cao điểm bố mẹ đón con tràn ra 3/4 lòng đường luôn, nhiều trẻ con người lớn đầu trần phóng bạt mạng tạt đầu không thèm nhìn ngó xung quanh", độc giả Minh Phương.

Trước đó tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội cũng đưa ra phương án quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và các tuyến tàu điện một ray trên địa bàn.

Theo đó, thành phố ưu tiên xem xét bổ sung ba tuyến mới, gồm tuyến đi theo đường Lê Văn Lương để thay thế tuyến BRT trong tương lai, tuyến tại đô thị Bắc sông Hồng theo hướng song song tuyến số 4 và kết nối với khu vực Long Biên, Gia Lâm, tuyến dọc theo trục phía nam (kết nối đô thị trung tâm và các địa phương dọc trục phát triển phía nam với sân bay thứ hai khu vực phía nam).