Bước ngoặt trên hành trình đi tìm công lý của cụ bà 85 tuổi

Dân trí

(Dân trí) - Sau 29 năm đằng đẵng, khi sự tuyệt vọng dường như tới giới hạn và niềm tin vào công lý tưởng như đã lụi tàn, "ánh sáng cuối đường hầm" bỗng xuất hiện với gia đình cụ May.

Từ những lá đơn vô định không được hồi âm, gia đình cụ dần nhận được câu trả lời từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Viện Kiểm sát quân sự (VKSQS) Quân khu 1.

Dẫu vậy, trái với sự thiết tha của ba mẹ con là thái độ cứng rắn của VKS. Với những căn cứ của mình, đơn vị cho rằng không có đủ cơ sở để xin lỗi và bồi thường cho gia đình cụ May. Tuy nhiên, dưới sự trợ giúp pháp lý và định hướng từ luật sư Hà Công Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cùng các cộng sự, cục diện dần xoay chuyển.

Hơn 2 năm đấu tranh giành quyền lợi

Đó là một buổi chiều tháng 6/2020, luật sư Tâm trở về văn phòng sau phiên tòa muộn thì bắt gặp một cụ già tóc bạc phơ, dáng vẻ khắc khổ đứng chờ mình. Vừa gặp gỡ, cụ lập tức trình bày tường tận sự việc, từ việc anh Lê Danh Tân bị sát hại, việc mẹ con bị bắt oan tới hành trình hơn 30 năm kêu cứu nhưng không đạt được kết quả.

Ngay từ những khoảnh khắc đầu tiếp xúc, nhìn vào ánh mắt chứa đầy sự tuyệt vọng và lắng nghe những lời kể đầy oan ức, nghẹn ngào của một cụ bà đã trải qua gần 3 thập kỷ mang thân phận kẻ giết người, trong thâm tâm vị luật sư không tránh khỏi những trăn trở. Từ một gia đình bình thường, họ bỗng chốc mang thân phận kẻ giết người, sống lầm lũi hàng chục năm dưới sự dè bỉu của bà con làng xóm và chịu muôn vàn thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần.

Bước ngoặt trên hành trình đi tìm công lý của cụ bà 85 tuổi - 1

Cụ May ở thời điểm hiện tại.

Câu chuyện về hoàn cảnh đáng thương đó làm "máu nghề nghiệp" bên trong luật sư Tâm nổi lên dữ dội. Ông quyết định nhận lời giúp đỡ gia đình cụ, dẫu biết rằng phía trước là cả một hành trình gian nan đang chờ đón.

"Thời điểm ban đầu, lượng hồ sơ, dữ liệu đáng giá mà chúng tôi có thể tiếp cận gần như bằng không. Họ không có quyết định đình chỉ bị can, cũng chẳng nhận được những hồi đáp có giá trị từ cơ quan Nhà nước. Tất cả những gì có được, có lẽ chỉ là một vài phiếu chuyển đơn về VKSQS Quân khu 1 và không có nhiều giá trị.

Quá trình giải quyết, tôi đã hàng chục lần ngược xuôi từ Hà Nội lên Cao Bằng, Thái Nguyên, vượt hàng ngàn cây số đường núi để tìm kiểm những tài liệu có giá trị đủ mạnh. Nhiều chuyến đi, tôi ra về tay trắng. Sự chán nản, tuyệt vọng là điều khó tránh khỏi. Nhưng trách nhiệm, máu nghề nghiệp đã thôi thúc, không cho phép tôi chùn bước trên chặng đường này", luật sư Tâm nhớ lại.

Thời điểm đó, VKSQS Quân khu 1 cho rằng, đơn vị đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, quyết định đình chỉ điều tra bị can với 3 mẹ con cụ May. Các văn bản này đã được thông báo cho VKSND tỉnh Cao Bằng, UBND phường Tân An (TP Cao Bằng), UBND thị xã Cao Bằng và Phòng nhà đất thị xã Cao Bằng (nơi cụ May công tác trước khi bị bắt) biết để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm công dân với họ.

Về yêu cầu bồi thường của gia đình, VKS đánh giá đã hết thời hiệu giải quyết yêu cầu bồi thường còn đối với yêu cầu xin lỗi công khai, đơn vị bước đầu cho rằng do các cá nhân liên quan tới vụ án vẫn được hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích trong suốt gần 30 năm từ thời điểm ra tù, quyền lợi của họ không bị xâm phạm nên sẽ không tổ chức xin lỗi.

Dẫu vậy, qua nghiên cứu Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, luật sư Tâm cho rằng quan điểm này là không có cơ sở bởi gia đình khẳng định chưa nhận được các quyết định đình chỉ, VKS cũng không chứng minh được đã giao quyết định cho đương sự nên cần mặc định họ chưa nhận được. Vì thế, thời hiệu để yêu cầu bồi thường vẫn còn.

Ngoài ra, về yêu cầu xin lỗi và cải chính công khai, ông Tâm đánh giá, đây là quyền yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân, không gắn với tài sản. Do đó, không thể áp dụng thời hiệu để bác bỏ nguyện vọng đó.

"Mong muốn của gia đình là giải quyết vụ việc nhanh chóng để sớm minh oan, trả lại danh dự cho cụ May, người khi đó đã "gần đất, xa trời". Dẫu vậy, với việc VKS không thay đổi quan điểm, tôi buộc phải chọn con đường khởi kiện ra tòa.

May mắn khi trong những phiên hòa giải, hai bên đã đạt được thỏa thuận mà chưa cần mở phiên tòa xét xử. VKS chấp nhận bồi thường 5 tỷ đồng cho 3 mẹ con cụ May, giao Quyết định đình chỉ điều tra bị can tới từng người, đồng thời xin lỗi công khai trên 5 số báo của Báo Cao Bằng.

Vượt nắng, thắng mưa để đi tìm công lý

Đối với phóng viên, dù không có nhiều cơ hội tiếp xúc cụ May cùng các con như luật sư song chỉ với 2 lần trực tiếp gặp gỡ và trò chuyện, với những hoàn cảnh khác nhau, chừng đó là đủ để hiểu được tâm tư, nỗi lòng cùng sự khát khao đi tìm công lý của họ cháy bỏng tới mức nào.

Lần đầu tiên, tôi gặp họ tại văn phòng luật sư. Khi mở cửa bước vào, trước mắt tôi là một cụ bà với mái tóc bạc trắng ngồi cạnh con trai. Cụ không còn khỏe mạnh, giọng nói đã yếu đi còn trí nhớ cũng giảm sút. Song, khi tôi gợi mở câu chuyện, dòng ký ức bên trong cụ May cứ thế ùa về.

Cụ kể một cách rõ ràng, rành mạch từng chi tiết, từng sự kiện, nhớ đầy đủ từng cái tên liên quan tới đêm định mệnh ngày hôm đó. Từng cử chỉ, ánh mắt, nét mặt đều ánh lên sự nghẹn ngào, oan ức.

Dường như, sự kiện đó đã hằn sâu trong tâm trí, là vết sẹo lớn trong cuộc đời người phụ nữ này. Và chỉ chờ khi có cơ hội, những ký ức đó lại được tuôn ra, bất chấp dấu hiệu của thời gian đã in hằn lên tâm trí của cụ.

Bước ngoặt trên hành trình đi tìm công lý của cụ bà 85 tuổi - 2

Luật sư Hà Công Tâm (giữa) cùng 2 người con của cụ May hạnh phúc khi được minh oan.

Lần thứ hai, đó là một ngày mưa dầm dề, tôi gặp cụ tại trụ sở VKSQS Quân khu 1. Trong tiết trời trở lạnh kết hợp mưa phùn, cụ bà khi đó 84 tuổi chống gậy, bước từng bước nặng nhọc để xuống xe, đi vào khu vực làm việc. Sự mệt mỏi là điều hiện rõ trong từng bước chân, dấu hiệu thời gian là điều hiện rõ trên khuôn mặt, song niềm tin và sự quyết tâm là điều không bao giờ biến mất.

Theo dõi vụ việc từ khi mọi thứ còn mù mờ, từng tận mắt chứng kiến người phụ nữ với mái đầu bạc trắng ấy chống gậy, lọ mọ tới gõ cửa cơ quan có thẩm quyền để kêu oan bất chấp nắng mưa; rồi lại thất thểu, buồn bã ra về khi chẳng nhận lại kết quả gì, tôi thực sự khâm phục quyết tâm, sự miệt mài và bền bỉ của họ.

34 năm mang thân phận của kẻ giết người; 34 năm sống nhục nhã dưới con mắt khinh thường, dè bỉu của bà con làng xóm; 34 năm sống chắt bóp, tằn tiện, khổ sở để lấy tiền đi kêu oan, những nỗ lực của cụ May cùng 2 người con cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.

Kỳ án Đông Bắc sẽ chưa khép lại khi kẻ thủ ác chưa được đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, chí ít, công lý đã được thực thi, và số phận pháp lý của những người dân oan, vô tội phải được làm sáng tỏ.

Hoàng Diệu