Ông nội 60 tuổi còn sức leo cột điện, đừng cản ông đi bước nữa!

(Dân trí) - Để thuyết phục các con, "ông nội" đã trèo lên cột điện 11 Kv, ông thậm chí còn vướng vào một dây điện cao thế và dọa sẽ tự tử nếu các con không cho phép mình "đi bước nữa".

Đó là câu chuyện của một người đàn ông 60 tuổi tên là Sobran Singh ở Ấn Độ, sau khi bị các con phản đối việc tái hôn. Ông Sobran Singh có 5 người con và vài người cháu, ông muốn kết hôn lần thứ hai nhưng lại gặp phải sự phản đối của gia đình.

Để thuyết phục các con cho mình tổ chức đám cưới lần thứ hai, ông Singh đã trèo lên một cột điện 11 Kv. Cảnh sát cùng các con cháu của ông đã vô cùng lo lắng và tìm kiếm sự giúp đỡ của hàng xóm. Đám đông đã tụ tập gần cột điện và cố gắng thuyết phục ông Singh trèo xuống nhưng ông từ chối và dọa sẽ tự tử nếu các con không cho phép mình đi bước nữa.

Rất may là không có điện chạy vào đường dây cao thế đó. Gia đình của ông Singh đã kịp thời thông báo cho trạm biến áp địa phương về vụ việc để cơ quan điện lực cắt điện trong khu vực. Sau khoảng 1 giờ, một thanh niên địa phương đã trèo lên cột điện và thuyết phục ông Singh leo xuống. 

Ông nội 60 tuổi còn sức leo cột điện, đừng cản ông đi bước nữa! - 1

Khi được hỏi muốn kết hôn với ai, ông Singh nói: "Hãy để tôi kết hôn với bất kỳ ai. Tôi chỉ muốn có một người bạn đồng hành". Vợ của ông Singh đã qua đời cách đây 4 năm và ông sống với 3 người con trai của mình. Ông khăng khăng đòi kết hôn lần nữa nhưng các con ông không đồng ý.

Chuyện xảy ra trên đất nước Ấn Độ nhưng là câu chuyện không hề hiếm gặp ở đất nước ta. Có những người góa vợ/chồng từ khi còn trẻ nhưng họ không đi thêm bước nữa, mà đã chấp nhận sống một mình để toàn tâm toàn ý nuôi con. Nhiều năm trôi qua, những đứa con nhỏ dại cũng đã trưởng thành, có gia đình riêng; người cha, người mẹ trẻ trung ngày nào nay đã luống tuổi.

Đã chu toàn trách nhiệm với con cái, giờ đây họ cảm thấy cuộc sống thật trống trải, cô đơn. Họ khao khát có một người bên cạnh để chia sẻ buồn vui, để an ủi lúc tuổi già... Thế nhưng, dư luận xã hội còn nhiều định kiến, con cái không đồng tình khiến nhiều người trong cảnh ngộ góa bụa phải chịu thiệt thòi.

 "Không có liều thuốc trường xuân nào dành cho các cụ quý hơn tình yêu!"

Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều bạn đọc đã gửi về tòa soạn ý kiến bình luận (comment) bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với "ông nội Singh":

Bạn đọc Minh An: "Theo guồng quay cuộc sống, với quan niệm "nước mắt chảy xuôi", con cái thường chỉ quan tâm đến gia đình nhỏ của mình, ít để ý đến nỗi niềm của bậc sinh thành. Khi đó, người già sẽ nghĩ đến việc "đi bước nữa" để có người tâm sự, chăm sóc nhau lúc tuổi già, sức yếu.

Tuy nhiên, họ luôn cảm thấy thật khó xử khi phải "đặt vấn đề" với con. Lại nói trong suy nghĩ của con cái, chuyện mẹ cha đi thêm bước nữa khi tuổi đã cao là trái với thuần phong mỹ tục, là phản cảm và lố lăng.

Một số khác thì lo sợ người mẹ kế hoặc dượng kế tương lai có mưu đồ không chính đáng, ví như rắp tâm muốn lấy tài sản của gia đình. Họ phản đối khi người lạ bước vào nhà, họ lo sợ gia đình một lần nữa sẽ tan vỡ, vì thế họ thường chấp nhận sống nốt quãng đời còn lại trong cô quạnh. Con cái nếu không tâm lí và tinh ý thì vô hình chung khiến bố/mẹ mình phải chịu thiệt thòi đến tận cuối đời đó". 

"Nhiều người cho rằng nếu người cao tuổi kết hôn nghĩa là người đó còn ham hố chuyện tình dục, chăn gối, nhưng không hẳn như vậy. Nhu cầu có bạn già rất quan trọng, bởi nỗi sợ lớn nhất của người cao tuổi là bị bỏ rơi, bị cô đơn.

 Tất nhiên, với một số cụ còn khỏe, nhu cầu vợ chồng cũng không có gì là xấu. Nếu những người con có lòng với cha mẹ đơn thân, họ muốn bù đắp cho cha mẹ đầy đủ về vật chất nhưng đôi khi lại quên rằng "con chăm cha không bằng bà chăm ông".

Chính vì vậy, không có gì tuyệt vời hơn nếu người già có bạn tâm tình vào những năm tháng cuối đời. Nếu có cơ hội, các cụ đừng cố dập tắt, xua đuổi, không thừa nhận tình cảm và tự chụp cho mình cái mũ tuổi già dù trái tim vẫn còn rực lửa yêu thương", bạn đọc Thu Hằng.

 "Con cháu không được coi thường, không nói nặng lời, không phản đối kịch liệt hay hỗn hào khi nghe cha hay mẹ góa bụa của mình muốn đi bước nữa, bởi điều ấy không phạm luật, không vi phạm đạo đức hay văn hóa. Nếu thấy hai cụ còn khỏe, "xứng lứa vừa đôi" thì hãy tác thành cho họ nên vợ, nên chồng bởi không có liều thuốc trường xuân nào dành cho các cụ quý hơn tình yêu", bạn đọc Huyền Trang.

Dẫn chứng câu chuyện của chính vợ chồng mình, bạn đọc Nam Hằng: "Đàn ông 60 tuổi thì nên ủng hộ họ, đàn bà thì có thể chịu đựng được nhưng đàn ông thì không. Đây không phải là nói về chuyện sinh lý mà là sự cô đơn. Chồng tôi 61 tuổi rồi, con cái có gia đình và đi làm xa, vừa rồi tôi đi chữa bệnh có 1 tuần mà anh ấy buồn, ăn uống chẳng ra gì, cứ tối đến là gọi điện cho vợ nói chuyện thấy mà thương, nên bệnh mới đỡ chút là tôi xin về điều trị tại nhà luôn không thì tội anh ấy lắm".

"Đó là sự ích kỷ của con cháu. Khi tuổi già cũng cần có người để bầu bạn tâm sự vì con cháu mải đi làm đi chơi có đứa nào để ý đến người già đâu, chẳng qua nó sợ ông, bà đi bước nữa chúng lại bị chia tài sản chứ gì?", bạn đọc với nickname Bằng Lăng Tím hoài nghi.

Bạn đọc có nickname Susu: "Con chăm cha không bằng bà chăm ông, nếu ông cụ tìm được người bầu bạn thì cấm cản làm gì chứ, huống chi cụ tuy đã 60 tuổi nhưng vẫn leo được lên cái trụ cao thế cơ mà. Con cháu nên thông cảm và hãy đặt mình vào vị trí của người già. Con người ai cũng cần tình cảm. Già có tình cảm của người già, trẻ có tình cảm của tuổi trẻ. Nên khuyến khích để các ông bà được vui và sống khỏe mạnh". 

"Sao nhiều cha mẹ rất thích xen vào đời tư cấm cản con, mình thấy nhiều người bị cấm cản đã nghĩ quẩn tự tử, lấy ai sướng khổ tự chịu (con 20 tuổi sẽ tự quyết định đời mình); và cũng nhiều con cái ngăn cản không cho cha mẹ đi bước nữa, sao lại tự cho cái quyền quản lý đời tư người khác? Người trong gia đình nên cho ý kiến còn quyết định cứ để cho họ tự quyết định!", bạn đọc Vũ Toản.

"Những người cao tuổi nếu sống cô đơn và neo đơn thì dễ có tâm lý buồn chán, chất lượng cuộc sống giảm. Nếu họ không tham gia một hoạt động xã hội nào đó thì gần như bị cô lập hoàn toàn, dễ tạo ra những nguy cơ trong cuộc sống.

Người cao tuổi nếu sống có đôi có bạn thì rất có lợi cho sức khỏe tinh thần, họ sẽ vui vẻ, yêu đời. Chính đời sống tinh thần là mục tiêu quan trọng nhất trong hôn nhân của người cao tuổi, những chuyện khác (quyền lợi, tài sản, tình dục...) đều không quan trọng. 

Phận làm con nên biết cách cư xử với cha mẹ để cha mẹ không cảm thấy cô đơn, hụt hẫng, buồn tủi. Một khi cha mẹ đã cảm thấy đủ vui với con cháu thì họ cũng chẳng cần tìm bạn ở đâu xa. Trong trường hợp cha mẹ muốn đi thêm bước nữa thì con cái cần hiểu và thông cảm", bạn đọc Hoàng Hải.

 Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy chia sẻ và gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!