Bố mẹ giáo dục con bằng đòn roi, hãy coi chừng bị xử tù như chơi!

(Dân trí) - Người bố đánh đập dã man con gái mới 8 tuổi ở Thanh Hóa đã bị xử phạt vi phạm hành chính 2,5 triệu đồng và tước quyền nuôi con. Dù xuất phát từ mục đích giáo dục con nhưng nếu gây ra hậu quả khiến cho con cái đau đớn về thể xác, tinh thần thì bố mẹ hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự về hành vi ngược đãi, hành hạ con.

Khoảng 14h ngày 20/2, cháu Lê Thị Thu Nh, 8 tuổi ở thôn 5, xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã bị bố dùng dây thừng trói tay vào cột, dùng roi tre đánh đập dã man khiến cơ thể cháu Nh. có nhiều vết thương như ở mông, mặt, tay, lưng … Đặc biệt, vùng mông bị bầm tím đen do đòn roi để lại.

Hình ảnh cháu Nh. bị bố đánh đã được người dân địa phương chụp ảnh lại và đưa lên mạng xã hội Facebook, khiến dư luận phẫn nộ.

Ngày 20/5, Công an huyện Triệu Sơn cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2,5 triệu đồng đối với Lê Đình Hải (35 tuổi, trú ở xã Nông Trường) về hành vi “Xâm phạm sức khoẻ người khác”.

Cũng theo công an huyện Triệu Sơn thì kết quả trưng cầu giám định, cháu bé này bị tổn hại 7% sức khỏe. Với mức thương tật này, theo quy định cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can theo yêu cầu bị hại. Tuy nhiên, chị Hương (mẹ cháu bé- đại diện hợp pháp) đã có đơn xin rút yêu cầu truy tố nên công an chỉ xử phạt hành chính.

Năm 2017, do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng anh Hải ly hôn, 2 con ở với bố và bà nội. Với hành vi này, TAND huyện Triệu Sơn cũng quyết định chuyển quyền nuôi cháu bé sang cho người mẹ để bé có điều kiện được chăm sóc tốt hơn.

Bố mẹ giáo dục con bằng đòn roi, hãy coi chừng bị xử tù như chơi! - 1
Bố mẹ giáo dục con bằng đòn roi, hãy coi chừng bị xử tù như chơi! - 2

Hình ảnh cháu Nh. bị bố đánh đập tàn nhẫn.

Nhận định sự việc dưới góc độ pháp luật, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, Cha mẹ có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con cái nhưng không được quyền ngược đãi, hành hạ con. Quan hệ cha mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con không chỉ được quy định tại Hiến pháp mà nó được quy định cụ thể trong Luật hôn nhân và gia đình: “Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con” (khoản 2 Điều 34).

Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.

Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe.

Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

  1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
  2. a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
  3. b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
  4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
  5. a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

Trong những vụ việc này cha mẹ thường xuất phát từ việc thiếu kỹ năng trong nuôi dạy con, với quan điểm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” cộng với cuộc sống khó khăn túng quẫn nên sử dụng đòi roi, mắng nhiếc con cái để giáo dục, giạy dỗ con.

Dù xuất phát từ mục đích giáo dục con nhưng nếu gây ra hậu quả khiến cho con cái đau đớn về thể xác, tinh thần thì hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự về hành vi ngược đãi, hành hạ con.

Trong trường hợp này nên cơ quan chức năng cần làm rõ hậu quả về thể chất và tinh thần của người cha gây ra cho con để làm căn cứ xử lý. Theo đánh giá ban đầu của tôi, trường hợp này nên xử phạt hành chính để tạo tính răn đe, thức tỉnh với người cha trong việc giáo dục con cái. Nếu sau khi bị xử phạt người cha vẫn tiếp tục hành vi ngược đãi hành hạ con thì xem xét xử lý hình sự.

Xin cảm ơn luật sư!

Ngọc Hân (thực hiện)