Bình Định:

Bình Định: Phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp trồng keo lai

(Dân trí) - Giá gỗ nguyên liệu tăng cao, hiệu quả từ trồng keo cho thu nhập cao và ổn định. Cái lợi trước mắt khiến nhiều người dân và cả lâm tặc bất chấp pháp luật phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo lá tràm.

Lợi ích trước mắt

Thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo nguyên liệu giấy trên địa bàn các xã, thị trấn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đang nóng lên. Vì lợi íc trước mắt, nhiều cánh rừng nguyên sinh bị người dân và đối tượng lâm tặc chặt phá để trồng cây keo lai. Trong khi đó, công tác kiểm tra, truy quét cũng như xử lý nghiêm tình trạng trên của ngành chức năng địa phương dường như bất lực. Hậu quả, nhiều khoảnh rừng bị triệt hạ không thương tiếc, tạo nên những vệt rừng trọc.

Chỉ cần nhìn từ xa trên các khoảnh rừng ở các xã An Trung, An Nghĩa, An Vinh... đều thấy những cánh rừng bị xẻ thịt trồng keo lai
Chỉ cần nhìn từ xa trên các khoảnh rừng ở các xã An Trung, An Nghĩa, An Vinh... đều thấy những cánh rừng bị xẻ thịt trồng keo lai

Theo ghi nhận của PV Dân trí, chỉ cần đi trên tuyến đường liên huyện từ thị trấn An Lão đi các xã An Toàn, An Nghĩa, An Vinh, An Dũng, An Hưng, An Trung, An Hòa... đều thấy các cánh rừng trên đỉnh núi bị chặt phá. Nghiêm trọng hơn, rừng đầu nguồn tại các khu vực hồ Hưng Long, hồ Hóc Tranh (xã An Hòa), hồ Sông Vố (thị trấn An Lão), hồ Nước Trong (xã An Trung)... cũng xảy ra tình trạng lâm tặc phá rừng lấy gỗ, còn người dân phá rừng chiếm đất lâm nghiệp trồng cây keo.

Một người dân cho biết: mỗi sáng vẫn có hàng chục người đi thành từng nhóm, di chuyển bằng những chiếc xe máy độ chế lên chặt phá rừng. Nhìn ở ngoài, nhiều cánh rừng còn nguyên vẹn nhưng vào sâu bên trong đã bị chặt phá, trồng keo lá tràm hết cả rồi…

Việc các chủ rừng quản lý không chặt sẽ cũng dẫn đến tình trạng phá rừng, khai thác tràn lan
Việc các chủ rừng quản lý không chặt sẽ cũng dẫn đến tình trạng phá rừng, khai thác tràn lan
Cây rừng bị đốn hạ, đốt trụi để trồng keo lại là thực tế diễn ra thời gian dài trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định
Cây rừng bị đốn hạ, đốt trụi để trồng keo lại là thực tế diễn ra thời gian dài trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định

Có mặt tại rừng đầu nguồn Sông Vố (thị trấn An Lão, huyện An Lão, Bình Định), dù cách trung tâm thị trấn An Lão không xa, tiếng máy cưa lốc gầm rú rít lên từng hồi. Dọc hai bên đường mòn vào rừng, nhiều chiếc xe máy cũ kỹ không biển số được giấu trong các bụi cây. Đi sâu vào bên trong rừng, nhiều khoảnh rừng bị đốt, đốn trụi. Trong đó, có nhiều loại cây nguyên sinh có đường kính khoảng 20 -30cm đã bị triệt hạ không thương tiếc.

Theo người dân cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, khi cây keo lai làm thay đổi kinh tế hộ gia đình, người dân không ngần ngại phá rừng trồng cây keo. Bên cạnh đó, các đối tượng lâm tặc hoành hành cũng góp phần xóa đi những cánh rừng nguyên sinh. Thậm chí, ngay cả những cánh rừng phòng hộ cũng bị triệt hạ.

Ngành chức năng ở đâu?

Một thực tế, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng keo trên địa bàn huyện An Lão, diễn ra trong thời gian dài. Nhưng ngành chức năng địa phương và các cơ quan hữu quan của huyện dường như bất lực không đưa ra biện pháp xử lý kiên quyết.

 

Nhiều khoảnh rừng khu vực rùng phòng hộ Sông Vố (thị trấn An Lão) bị triệt hạ
Nhiều khoảnh rừng khu vực rùng phòng hộ Sông Vố (thị trấn An Lão) bị triệt hạ

Theo báo cáo của lực lượng Kiểm lâm huyện An Lão, từ đầu năm 2015, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện 142 điểm phá rừng trái phép với tổng diện tích rừng bị thiệt hại hơn 39,7 ha. Trong đó, các xã phát hiện điểm vi phạm nhiều như: xã An Toàn 24 điểm vi phạm, với diện tích hơn 1 ha; xã An Nghĩa 14 điểm vi phạm, với hơn 4 ha; xã An Vinh 17 điểm vi phạm với 8,8 ha… Ngành chức năng cũng bắt quả tang, xác định được người phá rừng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đó chỉ là báo cáo trên giấy tờ, còn thực tế tình trạng phá rừng trái phép và lấn chiếm đất lâm nghiệp có lẽ người dân mới tỏ. Chính người dân huyện An Lão là người gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Định tố cáo các cơ quan chức năng huyện thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng dẫn đến những cánh rừng bị tàn phá. Cuối tháng 8/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp với UBND huyện An Lão kiểm tra, xử lý vụ việc này.

 

Lâm tặc thì phá rừng lấy gỗ
Lâm tặc thì phá rừng lấy gỗ
Gỗ và phương tiện được lực lượng Kiểm lâm huyện An Lão bắt giữ
Gỗ và phương tiện được lực lượng Kiểm lâm huyện An Lão bắt giữ

 

Lâm tặc dùng xe máy độ rẻ tiền để vận chuyển gỗ trái phép để khi cần thiết là bỏ của chạy lấy người
Lâm tặc dùng xe máy độ rẻ tiền để vận chuyển gỗ trái phép để khi cần thiết là bỏ của chạy lấy người

Ông Nguyễn Thanh Sinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão (Bình Định) cho biết: Trên địa bàn huyện An Lão có 3 đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ rừng với tư cách là chủ rừng, gồm: Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (thuộc Sở NN-PTNT), Ban quản lý rừng phòng hộ An Lão (thuộc UBND huyện An Lão) và UBND các xã, thị trấn quản lý các rừng sản xuất được giao. Hạt Kiểm lâm huyện An Lão có trách nhiệm quản lý chung, tham mưu, xây dựng chương trình công tác quản lý, bảo vệ rừng... Tuy nhiên, việc bảo vệ rừng tại huyện An Lão còn nhiều khó khăn do lực lượng kiểm lâm địa bàn mỏng.

“Chúng tôi đã xử lý vi phạm, phạt hành chính nhiều trường hợp vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Đối tượng phá rừng thì ngày càng tinh vi, phức tạp, chúng tôi mai phục nhưng không bắt được quả tang thì sao xử lý. Thậm chí, có trường hợp bắt quả tang nhưng chúng tôi mời nhiều lần nhưng họ cố tình không đến thì cũng đành chịu. Chúng tôi không phải là công an nên không có quyền”, ông Sinh phân trần.

Doãn Công