Bình Định: "Đất tặc" hoành hành trong đêm, chính quyền không hay biết?
(Dân trí) - Giữa đêm khuya, chiếc máy múc liên tục gầm rú hoạt động hết công suất đào, múc đất trái phép tại núi Một (thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định), trong khi nhiều xe tải Chiến Thắng nối đuôi nhau vào chở đất đi nơi khác.
“Bứt dây động rừng”
Thời gian qua, lợi dụng đêm tối, đối tượng khai thác đất trái phép đưa máy múc vào khu vực núi Một (thuộc thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định), cạnh tuyến đường vào khu du lịch Hầm Hô (do Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc đang thi công dang dở) để lén múc đất đưa lên xe tải vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Từ tin báo người dân, đúng 22 giờ tối 10/4, chúng tôi có mặt tại khu vực núi Một (thôn Phú Thọ, xã Tây Phú) như dân phản ánh. Tại hiện trường, giữa đêm khuya, chiếc máy múc đang gầm rú, hoạt động hết công suất đào, múc đất đổ lên những xe tải đang đậu sẵn ở đó. Do vị trí khai thác đất nằm ở phía xa khu dân cư nên để “mục sở thị” điểm các đối tượng đang khai thác đất này, chúng tôi phải vất vả qua nhiều ánh mắt của người cảnh giới. Khi tiếp cận gần hiện trường, nghi ngờ có sự xuất hiện của người lạ, người lái máy múc ngừng hoạt động. Sau đó, có người dùng đèn pin để rọi tìm kiếm khắp nơi nhưng khi không thấy động tĩnh máy múc hoạt động trở lại.
Bám theo xe tải mang BKS 77C- 096.74, sau khi lấy đất từ khu vực núi Một, xe tải chạy với tốc độ rất nhanh trên đường đang thi công, tung bụi mù mịt. Chiếc xe tải nhanh chóng chạy về hướng QL 19 rồi hướng về khu sản xuất gạch nung ở huyện Tây Sơn. Biết có người “bám đuôi”, tài xế liên tục dừng xe đột ngột để quan sát động tĩnh.
Để tận mắt chứng kiến hiện trường, trong 2 ngày 11 và 12/3, chúng tôi trở lại khu vực núi Một thì bỗng dưng không còn dấu hiệu của đơn vị nào khai thác đất. Tại hiện trường, khu vực này là những mảng đồi đất vàng đã bị đào, múc nham nhở. Điều đáng lo ngại, tại khu vực khai thác vài trăm mét có trụ điện lưới cao áp, đang đứng trước nguy cơ bị xói mòn do việc khai thác đất đồi gây nên khi mùa mưa đến.
Chính quyền không hay còn né báo chí (?)
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc, đơn vị đang thi công tuyến đường vào khu du lịch Hầm Hô khẳng định: “Để thi công tuyến đường này, chúng tôi lấy đất từ nơi khác về đổ đây. Còn tình trạng lén khai thác đất đồi núi Một vào ban đêm, chúng tôi không biết”.
Ông Huỳnh Văn Toàn - Phó chủ tịch UBND xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), xác nhận, hiện nay, trên địa bàn xã không có đơn vị nào được cấp phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, sau khi nghe chúng tôi phản ánh và trực tiếp xem những hình ảnh do phóng viên ghi lại tình trạng khai thác đất tại đồi núi Một vào ban đêm, ông Toàn tỏ vẻ ngạc nhiên, không biết gì. “Việc khai thác đất đồi ban đêm chúng tôi chưa biết vì không nghe phản ánh. Chúng tôi sẽ trực tiếp cùng với Tổ công tác quản lý, tài nguyên khoáng sản đi kiểm tra và sẽ thông tin sau”- ông Toàn cho hay.
Theo lãnh đạo ngành chức năng, tại địa bàn huyện Tây Sơn các lò gạch đang cần nguyên liệu đất sét rất lớn, trong đó nhiều lò gạch không yêu cầu lượng đất chuẩn, kể cả đất trộn lẫn đá... vẫn dùng được. Nhu cầu cao nên đất được khai thác từ khắp nơi đổ về, dẫn đến quá trình quản lý tài nguyên khoáng sản… gặp rất nhiều khó khăn.
Chiều 12/4, phóng viên đến trụ sở UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) để đăng ký lịch làm việc với lãnh đạo huyện thì bà Nguyễn Thị Thống - Chánh văn phòng UBND huyện đang bận việc. Sau đó vài phút, bà Thống đã lên xe rời khỏi trụ sở. Phóng viên tiếp tục liên lạc lạc nhưng bà Thống không bắt máy (?).
Phóng viên gọi điện cho ông Đỗ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn để làm việc trực tiếp thì ông Sỹ nói và giới thiệu làm việc với ông Bùi Văn Mỹ - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Sơn. Tuy nhiên, ông Mỹ lại tiếp tục từ chối vì đang họp.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho rằng để xảy ra việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Doãn Công