Bị UBND xã “bí mật” lập biên bản, người dân cần xử lý ra sao?

(Dân trí) - “Gia đình tôi nhận thầu khoán đất của UBND xã. Hiện nay, trong quá trình sử dụng đất, tôi bị UBND xã tiến hành lập biên bản vì cho rằng tôi chuyển mục đích sử dụng trái phép. Vậy việc lập biên bản có thể được thực hiện tại địa điểm khác địa điểm sử dụng đất được không? Biên bản tôi không biết, không ký, chỉ có dấu của UBND xã và có một người làm chứng thì có giá trị hay không?".

Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:

Việc lập Biên bản có thể được thực hiện tại địa điểm khác địa điểm sử dụng đất được không?

Khoản điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản…Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ địa  điểm xảy ra vi phạm…hành vi vi phạm

Theo quy định trên đòi hỏi người lập biên bản phải có mặt, thực hiện lập biên bản tại nơi có hành vi vi phạm hành chính. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi nhận tình trạng, hành vi vi phạm. Việc lập biên bản ở nơi khác không đảm bảo giá trị xác định hành vi vi phạm. Một hành vi có thể thay đổi theo thời gian, tại một thời điểm là vi phạm nhưng tại thời điểm khác đã chuyển biến thành không còn vi phạm nữa. Do vậy phải lập biên bản vi phạm tại nơi địa điểm xảy ra hành vi vi phạm thì biên bản đó mới có giá trị pháp lý.

Bị UBND xã “bí mật” lập biên bản, người dân cần xử lý ra sao? - 1

Luật sư Vi Văn Diện.

Lưu ý, có ngoại lệ khi đối với hành vi vi phạm có thể di chuyển được thì có thể lập ở nơi khác như xe máy vi phạm hành chính do chạy quá tốc độ…

Biên bản tôi không biết, không ký chỉ có một người làm chứng và dấu đỏ của UBND xã thì có giá trị hay không?

Tại khoản 2 điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: Trường hợp người vi phạm…mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

Điểm b điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy đinh về hoạt động xử lý vi phạm hành chính: “được tiến hành công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo công bằng, đúng pháp luật”.

Quy định trên nhằm đảm bảo sự công khai, tính khách quan của hoạt động lập biên bản. Nếu cùng cơ quan lập biên bản thì người của cơ quan đó sẽ không được chứng kiến vì nó không đảm bảo sự khách quan.

Hơn nữa, biên bản chỉ có chữ ký không thể sử dụng dấu được vì quy định về quản lý con dấu rất hạn chế quyền cho cơ quan hành chính mang dấu ra khỏi cơ quan. Trường hợp chính UBND xã lập biên bản thì cơ quan này phải sử dụng hai người làm chứng, chỉ một người làm chứng là trái pháp luật, đồng nghĩa biên bản này không có giá trị pháp lý.

Biên bản được lập không tuân thủ đúng các quy định pháp luật thì hoàn toàn không có giá trị pháp lý, không thể sử dụng ban hành quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế.

Xin cảm ơn luật sư!

Anh Thế (thực hiện)