Bài 4:
Bị quy kết sát hại mẹ ruột, vợ chồng con trai kêu cứu:“Cần làm rõ việc bắt giam oan sai!”
(Dân trí) - Bị quy kết sát hại mẹ ruột, vợ chồng người con trai liên tục kêu oan trong nhiều năm. Sau 4 năm, hiện phiên tòa xét xử con dâu đã qua 2 lần hủy án để điều tra lại. Luật sư khẳng định, trong vụ việc này cơ quan điều tra tỉnh Cao Bằng để xảy ra sai phạm nghiêm trọng việc bắt giam con trai nạn nhân với tội danh “Che giấu tội phạm”.
Ông Nguyễn Duy Chiến cùng vợ là Hoàng Thị Vấn bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CQCSĐT) khởi tố và bắt tạm giam về tội danh “che giấu tội phạm” theo Điều 313 của Bộ luật Hình sự. Sau một thời gian tạm giam để điều tra, CQCSĐT không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Chiến, cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng đã phải ban hành Quyết định đình chỉ điều tra đối với ông. Trong khi vợ ông sau ba lần bị thay đổi tội danh từ “tội không tố giác tội phạm” sang “tội che giấu tội phạm” và cuối cùng bị khép vào “tội giết người”. Qua 2 lần xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Cao Bằng tuyên vợ ông chung thân. Cả 2 bản án trên đều bị HĐXX phúc thẩm TAND Tối cao tuyên hủy với lý do chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không đủ cơ sở để kết tội bị cáo và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Cao Bằng để điều tra lại vụ án. Tính đến nay, vợ ông Chiến đã bị tạm giam hơn 4 năm. Cho rằng việc cơ quan Điều tra Công an tỉnh Cao Bằng bắt tạm giam vợ chồng ông là oan sai, ông Chiến đã nhiều lần viết đơn kêu oan và tố cáo gửi các cơ quan chức năng.
Liên quan đến vụ án này, Báo Dân trí đã có buổi trao đổi với Luật sư Dương Văn Thụ, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Luật sư nhiều lần khẳng định trong vụ án này cơ quan điều tra tỉnh Cao Bằng đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng việc bắt giam ông Nguyễn Duy Chiến với tội danh “Che giấu tội phạm”. Ông có thể đưa ra những phân tích cụ thể?
Là người theo dõi vụ án ngay từ đầu và nghiên cứu kỹ về nội dung vụ án tôi thấy rất rõ, ông Chiến không có hành vi che giấu tội phạm, bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, ngay Bản kết luận điều tra và Bản cáo trạng của vụ án đều khẳng định là vào hồi 7h35 phút ngày 05/02/2012 CQCSĐT Công an tỉnh Cao Bằng nhận được tin báo của ông nguyễn Duy Chiến, sinh năm 1963, trú tại tổ 3, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng về việc xảy ra vụ án Giết người, cướp tài sản tại nhà ông hậu quả mẹ ông bị giết chết vợ ông bị thương nhẹ. Như vậy khi phát hiện sự việc ông Chiến đã báo cho CQĐT công tỉnh cao Bằng và lãnh đạo Công an đã cử ngay Điều tra viên đến hiện trường vụ án.
Thứ hai, Khi nhận được tin báo, các cán bộ có thẩm quyền và Điều tra viên thuộc Công an tỉnh Cao Bằng đã có mặt tại nhà ông Chiến tiến hành các thủ tục khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi… để phát hiện các dấu vết tội phạm phục vụ cho việc Điều tra phá án. Ngày 07/02/2012 CQCSĐT Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố vụ án Giết người và tính đến ngày 26/02/2012 ngày ông Chiến bị bắt giam CQCSĐT tỉnh Cao Bằng vẫn chưa tìm được hung thủ giết bà Tiền. Vì vậy không có căn cứ để xác định ông Chiến có hành vi che giấu tội phạm, nếu có thì ông Chiến che giấu cho ai? trong lúc hung thủ còn chưa bị phát hiện.
Theo Điều 21 BLHS về hành vi che giấu tội phạm quy định như sau: “Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định”.
Như vậy theo diễn biến khách quan của vụ án, căn cứ vào Điều luật thì khi phát hiện án mạng ông Chiến đã báo cho CQĐT công an tỉnh Cao Bằng, hiện trường vụ án vẫn còn nguyên, hung thủ chưa được phát hiện… Vì vậy cơ quan Điều tra khởi tố bị can và bắt giam ông Chiến hơn 5 tháng để điều tra về hành vi che giấu tội phạm theo Điều 313 BLHS là vi phạm pháp luật, xâm hại nghiệm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của ông.
Ông cũng khẳng định các thủ tục tố tụng mà cơ quan tiến hành tố tụng Cao Bằng áp dụng đối với ông Chiến có rất nhiều sai phạm. Cụ thể ra sao, thưa luật sư?
Thứ nhất, lệnh bắt khẩn cấp đối với ông là vi phạm thủ tục tố tụng, bởi ông không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp được quy định tại khoản 1, Điều 81 BLTTHS. Cụ thể
1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Như đã phân tích ở trên, ông Chiến không có hành vi che dấu tội phạm và căn cứ vào quy định trên của BLTTHS, việc CQĐT tỉnh Cao Bằng áp dụng lệnh bắt khẩn cấp đối với ông là vị phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Thứ hai, Theo trình bày của ông Chiến Trong quá trình bị tạm giam ông bị các Điều tra viên dùng bức cung, nhục hình để ép ông nhận tội; Cơ quan điều tra không giao quyết định khởi tố bị can cho ông. Như vậy việc CQĐT không giao quyết định tố tụng cho ông và dùng nhục hình, bức cung là vi phạm tố tụng và có dấu hiệu của tội phạm. Cụ thể như sau:
Về việc không giao quyết định khởi tố bị can cho ông Chiến: theo khoản 6, Điều 126 BLTTHS “… VKS, cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố cho người đã bị khởi tố….”. Ở vụ án này, Cơ quan Điều tra đã không giao Quyết định khởi tố bị can cho ông Chiến là đã vi phạm về thủ tục tố tụng.
Về bức cung, nhục hình: Trong quá trình tạm giam, nếu ông Chiến bị các Điều tra viên dùng bức cung, đánh đập để ép buộc ông phải nhận tội. thì hành vi của các Điều tra viên có dấu hiệu vi phạm vào Điều 298 tội dùng nhục hình, 299 tội bức cung Bộ luật Hình sự.
Thứ ba, Cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng căn cứ vào khoản 1, Điều 25 BLHS để đình chỉ điều tra đối với ông Chiến là có dấu hiệu trốn trách nhiệm trong việc bắt giam người trái pháp luật.
Sau hơn 5 tháng bị tạm giam để điều tra về hành vi che giấu tội phạm, cơ quan điều tra đã không tìm được chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội của ông, thì Cơ quan Điều tra phải căn cứ vào điểm a khoản 2, Điều 164 BLTTHS và khoản 1, 2, Điều 107 BLTTHS để ra Quyết Định Đình Chỉ Điều Tra đối với ông vì “không có sự việc phạm tội”; “hành vi không cấu thành tội phạm”. Tuy nhiên CQĐT Công an tỉnh cao Bằng lấy lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi của bị can không còn nguy hiểm cho xã hội” theo khoản1, Điều 25 Bộ luật Hình sự để ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông là nhằm né tránh trách nhiệm bồi thường oan sai bằng việc đánh tráo khái niệm “Chuyển biến tình hình”. Bởi trong những năm qua tình hình chính trị ở Việt Nam rất ổn định, trong quá trình ông Chiến bị tạm giam Bộ LHS chưa có sửa đổi thì không có chuyện là do chuyển biến tình hình.
Ở góc độ luật sư tôi nhận định: Với những sai phạm trên, Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát phải có nghĩa vụ khôi phục toàn bộ các quyền cho ông Chiến, tổ chức công khai xin lỗi và phải bồi thường cho ông, đồng thời các tổ chức cá nhân bắt giam ông trái pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Tôi được biết, kể từ ngày ban hành quyết định Đình chỉ điều tra, các cá nhân, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Cao Bằng chưa một lần đến động viên, không một lời xin lỗi đối với ông Chiến. Trong khi đố, ông Chiến đã gửi đơn nhiều lần đề nghị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Cục Điều tra hình sự - Viện KSND tối cao vào cuộc điều tra, xử lý những hành vi vi phạm của các cán bộ và tổ chức có liên quan; đề nghị cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định ông Chiến không có hành vi phạm tội; Sớm phục hồi, bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, vật chất mà ông Chiến và gia đình phải gánh chịu trong những tháng ngày bị tạm giam.
Những đề nghị của ông Chiến hoàn toàn là xác đáng và đúng quy định pháp luật.
Xin cảm ơn Luật sư!
Phiên tòa mới nhất vừa diễn ra tại Cao Bằng, luật sư tham gia bào chữa tiếp tục đưa ra quan điểm phản đối quy kết của Viện KSND tỉnh và đưa ra nhiều chứng cứ để chứng minh cho việc kết tội giết người của bị cáo là không có căn cứ. Án sơ thẩm lần 2 tiếp tục được hủy.
“Hơn 4 năm qua Đại gia đình tôi sống trong nỗi oan ức và tuyệt vọng. Cũng trong vòng hơn 4 năm qua, tôi và toàn thể các thành viên trong gia đình tôi đã có rất nhiều đơn kêu oan, kêu cứu gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị được giải oan nhưng chỉ nhận được sự im lặng đến lạnh lùng và vô cảm của các cơ quan và cán bộ có thẩm quyền. Nhưng tôi vẫn tin một ngày nào đó tôi, vợ tôi và toàn thể gia đình tôi sẽ được minh oan, giống như các bị hại trong vụ án Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn….”- Ông Nguyễn Duy Chiến nói
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ án đến bạn đọc.
Thanh Trầm