Bị người khác đâm vào xe mình, phải xử lý thế nào?
Tôi lái taxi lưu thông đúng làn đường, tốc độ thì từ trong ngõ một người đi xe máy phóng nhanh, lao vào đầu xe tôi và ngã xuống, bị thương nặng.
Tôi là lái xe taxi, đang lưu thông đúng làn đường, phần đường, tốc độ và đầy đủ giấy tờ theo quy định. Bất ngờ trong ngõ cùng chiều bên phải, một xe máy phóng nhanh, lao thẳng vào đầu xe tôi. Thanh niên đi xe máy ngã xuống đường, bị thương khá nặng.
Sau đó CSGT có mặt thu giữ toàn bộ giấy tờ của tôi. Quá trình khám nghiệm hiện trường xác định thanh niên này vi phạm nồng độ cồn trên 0,4 miligam/1 lít khí thở. Quá trình hòa giải, gia đình thanh niên đó cho biết, anh ta phải thay một quả thận.
Vậy trong trường hợp này, nếu không hòa giải được về mặt dân sự, xe taxi của tôi có được trả về để tôi tiếp tục công việc và thủ tục tiếp theo sẽ phải giải quyết thế nào?
Nguyễn Văn Thảo (Phường Quang Trung, quận Hà Đông)
Thiếu tá Tạ Việt Tiệp, Phó Đội trưởng Đội CSGT trật tự Công an quận Hoàng Mai, Công an TP Hà Nội trả lời:
Luật GTĐB năm 2008 quy định điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phải chú quan sát, chấp hành chỉ dẫn của biển báo hiệu đường bộ, đi đúng phần đường, làn đường… khi lưu thông qua các ngã tư, ngã ba chú ý quan sát đảm bảo phòng tránh va chạm, TNGT.
Về nhận định lỗi, tại Điều 24 của Luật GTDB năm 2008 quy định đối với các phương tiện lưu thông trên đường, từ đường nhánh, đường không ưu tiên phải nhường đường cho các các phương tiện đang lưu thông ở đường chính, đường ưu tiên.
Với tình huống bạn đọc hỏi như trên, người điều khiển xe máy vi phạm không nhường đường cho xe đang lưu thông ở đường chính, đường ưu tiên gây TNGT. Vì vậy, lỗi thuộc về người lái xe máy. Theo đó, lái xe máy phải chịu trách nhiệm về thiệt hại của mình gây ra.
Trong trường hợp này, người điều khiển xe máy gây tai nạn trong cơ thể lại có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép là tình tiết tăng nặng. Ngoài việc bị xử lý về việc gây ra vụ tai nạn, tài xế còn bị phạt lỗi Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Đối với xe taxi của bạn, theo Thông tư số 63 của Bộ Công an quy định các phương tiện liên quan đến vụ TNGT phải bị tạm giữ để phục vụ cho công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường.
Theo thủ tục hành chính đối với vụ TNGT ít nghiêm trọng sẽ bị tạm giữ trong vòng 30 ngày, còn đối với vụ TNGT nghiêm trọng thời gian tạm giữ phương tiện là 60 ngày.
Trong thời gian tạm giữ phương tiện, cơ quan công an sẽ làm các thủ tục giám định các phương tiện liên quan đến vụ TNGT. Hết thời hạn theo quy định, phương tiện được trả theo quy định.
Trường hợp hết thời gian tạm giữ phương tiện, các bên không hòa giải được bồi thường về mặt dân sự, cơ quan công an sẽ làm thủ tục hướng dẫn các bên ra tòa án dân sự để giải quyết theo quy định.