Bài 4:
Bí ẩn quanh khu đất công ở vị trí “kim cương” giữa thủ đô: Các “quan” ngây thơ đột xuất?
(Dân trí) - “Mang đất công sản cho thuê rồi chia chác là tình trạng chung của một số hội đoàn và doanh nghiệp nhà nước. Mong rằng nhà nước hãy nhìn vào thực tại này để thu về nguồn lực cho quốc gia. Trong vụ việc này liệu số tiền hơn 5 tỷ đồng kia hỗ trợ được những gì cho nông dân Hà Nội?”- quan điểm của bạn đọc báo Dân trí.
Cho Công ty TNHH Công thương Hưng Long sử dụng 450 m2 đất tại tầng 1 để kinh doanh đồ gỗ suốt 5 năm qua, còn trụ sở làm việc của Trung tâm trợ giúp nông dân Hà Nội nằm ngay trên tầng 2. Khu đất có vị trí “kim cương” này nằm tại 33 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
Điều đặc biệt là ông Tô Hải Long, Giám đốc trung tâm lại tỏ ra bất ngờ và khẳng định không biết doanh nghiệp dùng diện tích này để kinh doanh. Trong khi đó, một thực tế là doanh nghiệp hàng tháng đều chuyển khoản đều đặn số tiền 100 triệu cho Trung tâm để được sử dụng diện tích mặt bằng 450 m2 tại tầng 1. Số tiền chuyển đến nay đã hơn 5 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này chưa hề được bàn giao lại chứng từ, hoá đơn.
Doanh nghiệp cho biết phải chi hơn 5 tỷ gửi vào tài khoản Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội để được sử dụng 450m2 đất vị trí "kim cương" kinh doanh trong 5 năm qua.
Quan liêu hay “ngây thơ” đột xuất?
Trước thông tin, diễn biến vụ việc, bạn đọc Dân trí đặt câu hỏi: “Phía sau là gì? là một âm mưu đen tối, muốn chiếm đoạt hay thông đồng với nhau chiếm dụng khoản chênh lệch, dạng "quà biếu" để đổi lại các "Hợp đồng" khác béo bở hơn, cùng nhau bỏ tiền vào túi nhiều hơn?”- bạn đọc với nickname Taro.
Hay đó là một sự quan liêu, như quan điểm của bạn đọc 79maycanh: “Tất cả đều quan liêu, đất được cho thuê đến gần 5 năm mà Ban lãnh đạo của Hội Nông dân TP. Hà Nội không hề biết, không hề đi qua con đường Nguyễn Chí Thanh là sao nhỉ?”.
Hoặc cũng có thể là sự “ngây thơ” đột xuất, như ý kiến của bạn đọc Dương Văn Tuấn: “Dạo này có nhiều quan "ngây thơ" đột xuất. Trăm triệu đi vào tài khoản mà không biết từ đâu, vì sao thì quá lạ. Thưa ông chẳng ai biếu không cả. Có qua có lại mới toại lòng nhau”; “Kinh doanh ở tầng 1 năm năm, Trung tâm trợ giúp nông dân ở tầng 2, mỗi tháng chuyển 100 triệu mà nói không biết thì nên về đừng làm cán bộ nữa. Thời đại 4.0 mà vẫn có cán bộ ngu ngơ như thế giữa thủ đô”- bạn đọc Nguyễn Thị Kim Đồng đồng quan điểm.
“Đúng là ông giám đốc trung tâm này giỏi ngây ngô thật mặc dù tiền vẫn nhận đều trong vòng 5 năm rồi. Hay ông này chưa đến cơ quan ngày nào nhỉ? (cơ quan ngay trên tầng hai của doanh nghiệp thuê tầng một)”- bạn đọc Đoàn Nam.
Bạn đọc Tran Việt Nam khá gay gắt: “Doanh nghiệp buôn bán trên 450m2 đất này tại tầng 1 còn Trụ sở Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội thì nằm trên tầng 2 (!?). SỰ TRƠ TRẼN".
Trung tâm trợ giúp nông dân Hà Nội nằm tại tầng 2 nhưng giám đốc trung tâm này tỏ ra bất ngờ khi được cung cấp thông tin cửa hàng đồ gỗ Hưng Long sử dụng 450m2 đất "kim cương" kinh doanh nhiều năm nay.
“Nói thẳng ra là cho thuê mặt bằng cửa hàng lấy tiền. Lấy tài sản công ra cho thuê thì tiền bạc phải thu về cho ngân sách công. Còn bao nhiêu mảnh đất công, tài sản công đang được các cơ quan đơn vị được giao nhưng lại cho thuê để lấy tiền quỹ đen, nhà nước thất thu số tiền cực lớn trong khi ngân sách vẫn thiếu thốn không đủ để tu sửa rồi chi cho hoạt động này kia vậy nhưng tài sản công lại được cho thuê đê lấy tiền riêng. Phải xử lý kiên quyết đồng thời truy thu số tiền về cho ngân sách”- bạn đọc với nickname Người Xa Lạ.
“Đây là phụ lục hợp đồng. Không biết cái hợp đồng như thế nào? Ai đời, mình là chủ, cho người ta thuê nhà của mình mà phải báo cáo tiền thuê nhà phải làm như thế nào, phải báo cáo cho người thuê biết. Phụ lục là thế, còn hợp đồng chắc là…? Đúng là cấp trên của hội thật quá bận. Một cấp thuộc quyền, lấy đất cho thuê suốt 5 năm không để mắt, số tiền lớn cũng không hay thì quả là...?”, bạn đọc Dũng Nguyễn Minh đặt nhiều câu hỏi.
Yêu cầu giải trình ngay toàn bộ sự việc
Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Hội Nông dân TP Hà Nội. Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch khẳng định ngay: “Khu vực số 33 Nguyễn Chí Thanh là khu chung cư nhưng toàn bộ diện tích tầng 1 và một phần tầng 2 thuộc sở hữu của Hội Nông dân TP Hà Nội. Khẳng định đó là đất công. Đó là điều chắc chắn và không có gì phải bàn cãi”.
Theo ông Hải, trong quá trình hoạt động của Trung tâm trợ giúp nông dân Hà Nội, hoạt động liên kết này là một trong các nội dung mà trung tâm đang thực hiện. Về chủ trương thì đơn vị này có báo cáo. Thế nhưng việc hoạt động liên kết cụ thể ra sao thì trung tâm này phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm trợ giúp nông dân Hà Nội giải trình ngay toàn bộ sự việc.
“Tôi giao nhiệm vụ cho anh, tôi chỉ định hướng cho anh về nhiệm vụ còn trong quá trình anh làm thế nào anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không phải Hội can thiệp sâu vào quá trình anh thu thế nào, anh chi thế nào vì anh độc lập về mặt tài chính. Ví dụ như, nếu ông liên doanh liên kết với một ông vi phạm pháp luật thì anh phải chịu trách nhiệm, nếu anh hoạt động không đúng quy định pháp luật thì anh phải chịu trách nhiệm chứ không thể bắt Hội phải chịu trách nhiệm trong việc đó được”, ông Hải cho biết.
Về hoạt động liên kết khu đất “kim cương” và số tiền hơn 5 tỷ đã nhận từ doanh nghiệp của Trung tâm trợ giúp nông dân TP Hà Nội, ông Hải bày tỏ: “Việc liên doanh, liên kết với Hưng Long, Công ty Sao Nam… phía Trung tâm trợ giúp nông dân có báo cáo trong hoạt báo cáo hàng tháng và báo cáo hoạt động công việc.
Tuy nhiên, đơn vị này có con dấu, có tư cách pháp nhân và phải chịu hoàn toàn việc anh liên kết với ai, anh làm việc gì và hoạt động đó có vi phạm pháp luật hay không, anh phải biết. Việc hoạt động có báo cáo nhưng chỉ báo cáo ở mức để Hội Nông dân TP Hà Nội biết là có hoạt động đó còn hoạt động đó cụ thể như thế nào, thoả thuận với nhau như thế nào thì trách nhiệm thuộc hoàn toàn về trung tâm.
Ông Tô Hải Long, Giám đốc Trung tâm trợ giúp Nông dân Hà Nội (thứ 2 từ phải sang) cùng các cán bộ lãnh đạo cơ quan làm việc với nhà báo Anh Thế, Trưởng Ban Bạn đọc Báo Dân trí.
Chiều ngày 4/9/2019, tôi đọc được thông tin sự việc được đăng tải trên Báo Dân trí, tôi điện ngay cho ông Tô Hải Long, giám đốc trung tâm hỏi các ông Long có biết việc đó không? Ông Long trả lời có biết. Khi đó, đồng chí Lê Trọng Khuê, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội đang đi công tác nước ngoài, tôi đã báo cáo ngay sự việc với Phó chủ tịch thường trực Hội và trao đổi luôn với ông Long rằng: Tôi có 2 yêu cầu, thứ nhất, anh phải làm việc ngay với Công ty Hưng Long là tại sao hoạt động liên doanh liên kết với nhau 5 năm, tại sao ông không trả doanh nghiệp chứng từ?
Thứ hai, hiện nay, UBND TP Hà Nội đang giao cho Sở Tài chính có hướng dẫn tới đây tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập được phép sử dụng trụ sở để liên doanh liên kết thì phải làm đề án báo cáo UBND TP Hà Nội. Nếu được phê duyệt thì sẽ được thực hiện. Tôi trao đổi với ông Long là mời ngay Công ty Hưng Long, công ty Sao Nam… đến làm việc”.
Về diễn tiến sự việc, Phó Chủ tịch Hội nông dân TP Hà Nội Nguyễn Hồng Hải cho biết: Hiện nay, Thường trực lãnh đạo Hội vừa họp xong. Chủ tịch Hội đi công tác nước ngoài về chủ trì ngay cuộc họp, nghe thông tin tình hình báo cáo toàn bộ sự việc tiếp tục yêu cầu trung tâm phải làm ngay báo cáo giải trình với thường trực lãnh đạo Hội về quá trình tổ chức, liên kết như thế nào; đồng thời, tiếp tục yêu cầu phải có sự phối hợp với Công ty Hưng Long để làm rõ các vấn đề, nếu các anh đã thanh toán với nhau đầy đủ rồi thì các anh phải công khai chứng từ hoá đơn.
“Trung tâm trợ giúp nông dân TP Hà Nội cần làm việc với doanh nghiệp để xác định trung tâm đã trả doanh nghiệp hoá đơn chứng từ chưa? Nếu chưa trả thì bao giờ trả? Chỉ có như vậy thôi và phải thực hiện”, ông Hải khẳng định.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế - Ngọc Hân