Bạn đọc viết:

Bé gái gọi tổng đài 111 vì bị bạo hành, tín hiệu tích cực cần khuyến khích

PV

(Dân trí) - Một bé gái chủ động nhắn tin đến tổng đài 111 "tố" bị bố đẻ bạo hành, chửi bới, thậm chí là đánh đập gây thương tích được dư luận đặc biệt quan tâm.

Mới đây, bé gái (13 tuổi, ở khu dân cư số 7, phường Việt Hòa, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) nhắn tin tới đường dây nóng 111 "tố" bị bố bạo hành. Tôi cho rằng hành động này chắc chắn được nhiều người quan tâm và ủng hộ, trước hết là vì cháu bé đã "can đảm", đã có ý thức tự bảo vệ bản thân và em gái mình khi bị người thân trong gia đình bạo hành.

Hành động dám phản ứng, lên tiếng "tố cáo" hành động bạo lực, kể cả đó là bố đẻ của mình đã cho thấy cháu bé đã có sự hiểu biết nhất định về quyền trẻ em, về những quy định của pháp luật, đó là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền tự do về thân thể của trẻ em được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ.

Bé gái gọi tổng đài 111 vì bị bạo hành, tín hiệu tích cực cần khuyến khích - 1

Tình trạng trẻ em bị bạo hành, đặc biệt là trẻ bị xâm hại luôn là vấn đề nhức nhối (Ảnh minh họa).

Trong Hội nghị Tập huấn triển khai tháng hành động vì trẻ em vào hồi tháng 5, theo Cục Trẻ em, sau 19 năm hoạt động, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 đã tiếp nhận 5,4 triệu cuộc gọi. Đáng chú ý, trong hàng triệu cuộc gọi, trẻ em là nhóm gọi đến tổng đài nhiều nhất, chiếm 48,1%.

Phần lớn các cuộc gọi liên quan đến xâm hại, bạo lực, tư vấn pháp luật. Có thể thấy, đây là một tín hiệu vô cùng tích cực và lạc quan, cần được khuyến khích. Điều đó đã chứng tỏ và cho thấy trẻ em hiện nay đã thật sự đã quan tâm, nhận thức và hiểu biết nhiều đến những vấn đề pháp luật quy định, quan tâm đến các hành vi bạo lực, các hành vi bị xâm hại và đặc biệt là đã biết cách bảo vệ chính mình và người thân của mình bằng việc phản ứng, lên tiếng "tố cáo", "tố giác" đến cơ quan chức năng các hành vi vi phạm pháp luật, kể cả đó là người thân, bố mẹ của mình khi có hành vi sai trái.

Tình trạng trẻ em bị bạo hành, đặc biệt là trẻ bị xâm hại luôn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong đời sống cũng như dư luận xã hội trong những năm qua. Thực tế thời gian qua trẻ không chỉ bị người lạ, người quen bạo hành, xâm hại về tình dục mà trẻ còn bị chính những người thân trong gia đình bạo hành, xâm hại như cha mẹ, ông bà, anh chị...

Khi bị bạo lực, xâm hại, đa số trẻ không dám phản ứng hay tố giác vì còn quá nhỏ hoặc không hiểu biết, thậm chí trẻ không biết kêu cứu ở đâu, không biết địa chỉ cơ quan chức năng nào bảo vệ quyền lợi của trẻ em khi bị xâm hại; hoặc có khi trẻ bị uy hiếp, đe dọa nên không dám nói...

Theo thống kê của cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em, mặc dù trong những năm qua Nhà nước, xã hội cùng các ngành các cấp đã có nhiều tiến bộ trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, song tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại về mặt thể chất và tinh thần vẫn tăng cao, đặc biệt là trẻ bị bạo hành, bị xâm hại về mặt tình dục. 

Bạo lực trẻ em trong gia đình rất đáng quan ngại, chiếm tới hơn 77% số vụ bạo lực nói chung. Có thể thấy, đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi trong thực tế còn có rất nhiều vụ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại nhưng không ai hay biết hoặc biết nhưng người thân che dấu, trẻ bị đe dọa không dám tố giác,  như đã nói, đặc biệt là khi trẻ bị chính người thân trong gia đình xâm hại, bạo hành... 

Trẻ em được ví, được coi là búp măng non, là tờ giấy trắng, là những đối tượng đặc biệt được quan tâm, được chăm sóc về thể chất tinh thần, được bảo vệ tuyệt đối về thân thể và nhân phẩm và trẻ có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Do đó mọi hành vi bạo hành, xâm hại trẻ, đặc biệt là hành vi bạo hành, hành vi xâm hại tình dục gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho trẻ đối với những đối tượng phạm tội cần phải được nghiêm trị bằng những bản án thích đáng và nghiêm khắc nhất. 

Ngoài ra, việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục cũng như trang bị những kỹ năng, kiến thức pháp luật, nâng cao sự hiểu biết cho trẻ, nhất là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nhân phẩm. Đặc biệt là công khai các địa chỉ, đường dây nóng nhiều hơn nữa nhằm để trẻ chủ động tố giác, lên tiếng phản ứng đối với các hành vi vi phạm pháp luật, trước tiên là để tự bảo vệ mình, sau nữa là sự nhanh chóng vào cuộc của cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn cũng như xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Nguyễn Đước