Độc giả chỉ ra nhiều điểm bất thường trong vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM

Hải Hà

(Dân trí) - "Mong các nhà khoa học, các kĩ sư, nhà quản lí và nhất là CTCP nước Gia Định ngồi lại với nhau, kết thúc câu chuyện rất nhỏ (về kĩ thuật) bỗng nhiên lại trở thành vết nhơ trong ứng xử và tình người".

Liên quan vụ hộ dân ở hẻm 490 Lê Văn Sỹ, phường 14 (quận 3) có hóa đơn tiền nước hơn 57 triệu đồng, Công ty CP Cấp nước Gia Định ra thông báo nếu sau ngày 10/8, chủ căn nhà ở quận 3 (TPHCM), không thanh toán hóa đơn tiền nước tăng bất thường (hơn 57 triệu đồng) sẽ bị cắt nước. Theo dõi chuỗi thông tin vụ việc, độc giả Dân trí đã gửi nhiều bình luận về báo bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với hộ gia đình; mong muốn 2 bên sớm ngồi lại với nhau để cùng đưa ra phương án hợp tình, hợp lí nhất để khép lại câu chuyện.

Độc giả chỉ ra nhiều điểm bất thường trong vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM - 1

Hóa đơn nước tăng bất thường tại hộ ông Nguyễn Quốc Huy (Ảnh: An Huy).

Một hộ dân dùng tới hàng nghìn m3/tháng là điều không thể xảy ra!

Bên cạnh sự chia sẻ, nhiều độc giả cũng phân tích những điểm bất thường, như quan điểm của độc giả Vandungnguyen: "Một gia đình mỗi ngày không thể sử dụng hết 100 khối nước. Nếu hở đường ống thì nước chảy đi đâu? Chắc chắn là lỗi do đồng hồ. Công ty cấp nước nên giải quyết bằng cách lấy trung bình của 3 tháng trước đó mà tính cho dân".

Đồng quan điểm, độc giả Trai Nguyen viết: "Số liệu tiêu thụ bình thường mỗi tháng chỉ 20m3, nay chỉ số đồng hồ lên tới hàng nghìn m3/tháng là điều không thể xảy ra trừ khi gia chủ cố ý dùng bơm hút nước liên tục cả tháng để chở đi tiêu thụ. Hoạt động trộm nước có thể được phát hiện bởi cư dân hay camera giám sát trong khu vực. Nếu không có dấu hiệu trên thì do đồng hồ trục trặc, nên kiểm định đồng hồ".

"Nước họ bơm theo giờ, tối đa ngày 3 lần bơm, mỗi lần bơm tối đa 2 tiếng. Có lắp động cơ máy bay cũng chả hút được 2.5m3/1h. Tôi biết có quán bia khoảng 1.000m2, họ rửa bát đĩa, nồi niêu xoong, chảo, bàn ghế, sân vườn... mà tháng hết có 8 triệu tiền nước nhé", độc giả có nickname Bông.

Một số ý kiến cho rằng có thể do lượng nước bị rò rỉ, thất thoát mà chủ nhà không biết. Tuy nhiên nhiều độc giả đã đưa ra phân tích rất khoa học để phủ định trường hợp này, như ý kiến của độc giả Tuấn Thành Trần: "3.300 m3 nước là bằng lượng nước của một hồ bơi olympic cỡ lỡn (30m*50m*2~2.5m), lượng nước lớn như thế mà nói là rò rỉ không ai biết thì vô lý ạ.

Làm phép tính đơn giản thì một máy Bơm chân không Panasonic GP 200JXK (200w) loại các gia đình hay dùng có lưu lượng bơm 45l/phút = 2,7m3/giờ theo (công bố của hãng) thì cần bơm liên tục 1.222 giờ = 51 ngày mới bơm hết lượng nước trên. Tính toán kỹ mới thấy việc rò rỉ lượng nước lớn như vậy trong 2 tháng ở một hộ gia đình là vô lý. Tôi thau rửa bể ngầm bơm có gần 2m3 nước ra trước sân đã lênh láng cả xóm rồi ạ".

Chỉ thêm điểm vô lý, độc giả Văn Long Mạc cho rằng: "Với cỡ ống cấp nước cho nhà dân, với áp suất trung bình của nguồn nước cấp vào qua ống đó, mỗi giờ cấp được tối đa không quá 1,5m3 nước thì sao có thể thất thoát hơn 2m3/h được? Đồng hồ sai là chắc chắn.

Theo quy định trong hợp đồng bán nước sạch: khi xảy ra sai số đồng hồ thì bên nước sạch sẽ áp dụng tính trung bình 3 tháng sử dụng quanh tháng sai đó (3 tháng trước hoặc 3 tháng sau) thường là trung bình 3 tháng trước đó. Thiết nghĩ công ty nước sạch có các kỹ sư chuyên ngành mà không ngồi suy luận được sai đúng".

"Không cần kiểm định, giám định đồng hồ cho mất thời gian. Công ty cấp nước và gia đình mở nước sau đồng hồ cho chảy khoảng 30 phút, được bao nhiêu nhân với 47,5 tiếng sẽ ra số mét khối nước chảy vào gia đình trong một ngày sau đó nhân một tháng là có kết quả đúng sai thôi. Mặt khác công ty cấp nước kiểm tra lại con số cấp nước cho cả khu vực đó cũng có thấy được đúng sai mà!", độc giả Hoang Toan.

Độc giả chỉ ra nhiều điểm bất thường trong vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM - 2

Ông Huy đứng bên bồn nước 1m3 của gia đình trên sân thượng (Ảnh: An Huy).

"Câu chuyện rất nhỏ bỗng nhiên lại trở thành vết nhơ trong ứng xử và tình người!"

"Nguyên lí hoạt động của bộ đếm khối lượng (trong điều kiện nước không có tạp chất vật lí như cát, đất, sạn....): Cứ 10 số của bánh sau (1/10 m3) sẽ nhảy 1 số của bánh trước liền kề (1 m3).... cho đến bánh xe nghìn m3. Chỉ cần nhúm cát vào đồng hồ, hệ bánh răng bị kẹt.

Khi ấy vành số 1000 m3 quay như vành số 1/10 m3 (nôm na như kim giờ kim phút lỏng chân chạy theo kim giây trên đồng hồ treo tường). Như vậy, chỉ cần nước chạy qua đồng hồ 2 ngày, chỉ số như dùng trong 2 năm (nó thường sảy ra sau sự cố đường ống, nhất là với những đồng hồ mất hoặc không lắp lưới chặn dị vật trước đồng hồ)… nó hoạt động bình thường sau 2 đến 3 ngày khi mà dị vật được nước đẩy ra sau đồng hồ.

Mong các nhà khoa học, các kĩ sư, nhà quản lí và nhất là CT CP nước Gia Định ngồi lại với nhau, kết thúc câu chuyện rất nhỏ (về kĩ thuật) bỗng nhiên lại trở thành vết nhơ trong ứng xử và tình người", ý kiến của độc giả Sương Bảo.

"Máy móc thiết bị đâu phải lúc nào cũng đúng, trong trường hợp có vấn đề sảy ra tranh chấp thì 2 bên cần ngồi lại cùng nhau tìm nguyên nhân và hướng giải quyết. Trường hợp công ty cấp nước không phối hợp với người tiêu dùng và hội BVNTD để giải quyết là sai, đang lạm quyền", độc giả Nguyễn Thanh Bình.

Ngoài những ý kiến cho rằng vấn đề ở lỗi kỹ thuật, có quan điểm băn khoăn liệu có phải sai sót nằm ở khâu ghi số nước. Chia sẻ câu chuyện thực tế đã gặp phải, độc giả Sơn Nhữ viết: "Ở khu chung cư của con tôi, tại các hộ thường xuyên xảy ra việc trong mỗi tầng sẽ có 2 đến 3 hộ bị tăng đột biến lượng nước sử dụng/tháng. Sự việc cứ quay vòng mà người sử dụng luôn là người phải chấp nhận, và không tìm ra được lý do phát sinh 50 - 100 hay 200% lượng nước.

Sau đó tôi đã đề nghị niêm phong phòng chứa các đồng hồ nước, khi bên cung cấp muốn chốt số hay sử lí sự cố phải có mặt ít nhất một người dân tại tầng giám sát mới mở cửa vào, và không chấp nhận bất cứ lí do nào khi họ tự ý mở. Thế là hơn một năm nay tầng chung cư đó không căn nào bị tăng nước đột biến".

Độc giả Tùng: "Nhìn hóa đơn thì sẽ phát hiện 2 vấn đề: Việc ghi chữ số nước là 3 số hay 4 số. Theo hóa đơn chỉ số cũ không ghi 4 chữ số chỉ có 3 chữ số. Phải ghi là CS cũ 0329 CS mới 3355 mới đúng. Đằng này CS cũ là 329 và CS mới là 3355... nên bắt khách hàng trả thêm 3.000 m3 nước là vô lý. Giả sử người đi ghi quên ghi số 3 khi mà CS cũ là 3329 thì sao? Khi đó lỗi nhân viên đọc ghi số.

Theo tôi có lẽ nhân viên đọc ghi số ghi thiếu số 3. Có thể kiểm tra xem đồng hồ thay nước bao lâu... nếu trên 5-8 năm thì chỉ số hàng ngàn (3.000) là có thật mà nhân viên quên ghi). Còn mới thay 1 năm thì xem có bị nước súc ống rửa thổi không khi vào đồng hồ quay nhay không tải".

Độc giả Than Than: "Tôi đã từng làm việc trong ngành này nên có chút góp ý

Thứ nhất, tôi đã từng chứng kiến sự cố đường ống cấp nước 150 bị bể rồi sửa chữa, sau khi sửa chữa xong thì mở van tổng nguồn nước đến đồng hồ nước người dân, để kiểm tra xem nước đã được mở lưu thông chưa thì tôi phát hiện đồng hồ nước quay liên tục tốc độ rất kinh hoàng nhưng không có nước mà toàn là lượng không khí.

Thứ hai, theo công thức đồng hồ nước của hộ gia đình thì một tháng mở cho nước xả tự do cũng không quá 1500m33.

Thứ ba, do nhân viên ghi sai số, hoặc 2 đến 3 tháng ghi một lần, hoặc là ghi phỏng đoán hàng tháng gia chủ dùng bao nhiêu ghi tính ra bình quân.

Trong 3 trường hợp trên sẽ có câu trả lời".