Sóc Trăng:

Bất thường một vụ án mạng khiến 3 người trong gia đình có dấu hiệu bị oan khuất

(Dân trí) - Cho đến nay đã hơn 2 năm nhưng người dân ở phường Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vẫn còn xôn xao về một vụ án mạng xảy ra tại địa phương khiến 1 người tử vong và 3 người khác trong một gia đình bỗng dưng bị bắt giam vô cớ.

Một cái chết và kết luận điều tra “bất thường” của cơ quan chức năng

Theo kết luận điều tra của cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng, vào khoảng 0h ngày 3/8/2012, Lâm Tài Mấu (SN 1974) cùng Trần Đức Minh (Mến) sau khi nhậu say đã đến nhà ông Phạm Văn Lé (SN 1963, ngụ tại khóm Biển Dưới, phường Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu) chửi bới và đập cửa nhà Lé.

Từ trong nhà, Lé bước ra dùng tay phải tát vào mặt Mấu một cái, còn vợ Lé là Thạch Thị Xem dùng cây ba trắc đánh mấy cái vào chân Mấu. Minh kéo Mấu ra ngoài đường bêtông và kêu Mấu về nhà nhưng Mấu không chịu. Khoảng 10-15 phút sau, Mấu quay lại nhà Lé tiếp tục chửi bằng những lời lẽ tục tĩu.

Nghe Mấu chửi, Lé tức giận lấy cây gỗ dùng gài cửa dài khoảng 68cm, dày 2,4cm, rộng 5,5cm, có 4 cạnh cầm trên tay trái đánh vào vùng đầu của Mấu khiến Mấu té xuống nền sân nhà Lé. Mấu chống tay định ngồi dậy thì bị Lé đánh tiếp một cây nữa vào vùng đầu phía sau làm Mấu nằm bất động, còn vợ Lé dùng cây ba trắc đánh vào chân Mấu.

Sau chừng vài phút nằm bất động, Mấu tự động đứng dậy đi ra hướng đê biển, Minh cũng đi theo sau Mấu khoảng 10m và sau đó không thấy Mấu ở đâu nên Minh quay về nhà bà nội ở khóm Biển Dưới ngủ. Đến 2h 45 phút, Công an phường Vĩnh Phước nhận tin báo của quần chúng về việc phát hiện Mấu nằm chết trên đường hướng về chợ phường Vĩnh Phước vào khoảng 0h 50 phút. Vị trí phát hiện Mấu cách nhà Lé khoảng 1.421m.

Đoạn đường phát hiện thi thể Lâm Tài Mấu.
Đoạn đường phát hiện thi thể Lâm Tài Mấu.

Ngày 13/9/2012, Phạm Văn Lến (em ruột Lé) đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận có chứng kiến việc Lé cầm cây đánh vào đầu Mấu. Ngày 22/9/2012, cơ quan điều tra bắt Phạm Văn Lé. Qua quá trình điều tra, Lé thừa nhận hành vi dùng tay đánh vào mặt Mấu, dùng cây gài cửa đánh 2 cái ở vùng đầu bên trái và vùng đầu phía sau của Mấu. Riêng bà Thạch Thị Xem cũng thừa nhận thấy Lé dùng tay đánh vào mặt Mấu một cái, còn mình dùng cây ba trắc đánh vào chân Mấu 2- 3 cái, không thừa nhận chứng kiến việc Lé đánh Mấu bằng cây.

Từ đó, cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng đã chuyển hồ sơ đến VKSND tỉnh Sóc Trăng và VKSND tỉnh Sóc Trăng quyết định truy tố các bị can Phạm Văn Lé về tội “Giết người”, Phạm Văn Lến và Thạch Thị Xem tội “Không tố giác tội phạm”.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, các Luật sư đã chỉ ra những sai sót “chết người” khiến vụ án sau 2 năm điều tra phải tạm đình chỉ. Thứ nhất, kết luận điều tra của công an, cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng “vênh” với Kết luận giám định pháp y về tử thi. Cụ thể, theo Bản kết luận giám định pháp y về tử thi Lâm Tài Mấu của Trung tâm pháp y tỉnh Sóc Trăng cho thấy trên thi thể Mấu có 7 vết thương, trong đó vết 1 là vết xây xát vùng da thái dương trái, có tụ máu dưới da, kích thước 6 x 1,5cm; vết có chiều hướng từ trái qua phải, từ dưới lên trên. Trên nền xây xát có một vết da rách hình cung kích thước 3,5 x 0,5cm, sâu tới xương sọ, bờ vết thương nham nhở. Vết thứ 2 rách da hình cung, giữa chẩm, kích thước 3 x 0,5cm; bờ vết thương nham nhở, sâu tới xương sọ. Các vết còn lại là xây xát vùng da thái dương-chẩm phải, xây xát da gò má phải, rách da vành tai trái, xây xát da giữa sống mũi, xây xát da vùng vai-lưng trái. Qua phẫu thuật vùng đầu xác định dưới da đầu vùng thái dương-trán trái và vùng chẩm bầm tụ máu, vỡ lún phức tạp xương sọ vùng thái dương-trán trái; trong hộp sọ có tụ máu bán cầu đại não trái. Trong khi đó, biên bản thực nghiệm hiện trường do cơ quan điều tra tiến hành ghi nhận Lé đánh Mấu 2 cái khiến Mấu tử vong.

Ông Phạm Văn Lến diễn tả lại cảnh bị công an hỏi cung.
Ông Phạm Văn Lến diễn tả lại cảnh bị công an hỏi cung.

Thứ hai, cùng một vụ án hình sự nhưng có tới hai hành vi giết người. Đó là, theo biên bản thực nghiệm điều tra ngày 7/12/2012 gồm Điều tra viên Triệu Tuấn Hưng thuộc cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng, Huỳnh Như Huỳnh (Cán bộ điều tra), Nguyễn Văn Phước (Kiểm sát viên thuộc VKSND tỉnh Sóc Trăng) tiến hành thì có 4 người tham gia đánh Mấu gồm Phạm Văn Lến, Phạm Văn Thanh (con trai Lé), Thạch Thị Xem và Phạm Văn Lé. Tại biên bản này, Lé cầm cây ở tay phải đánh vào đầu Mấu hai cái khiến Mấu tử vong sau đó.

Biên bản thực nghiệm điều tra lần thứ hai vào ngày 18/6/2013 do điều tra viên Triệu Tuấn Hưng và Kiểm sát viên Nguyễn Văn Phước tiến hành thì chỉ còn lại một mình Phạm Văn Lé cầm cây gỗ ở tay trái đánh vào đầu Mấu hai cái. Lần thứ nhất, Lến cầm cây ở tay trái vung lên khỏi đầu đánh Mấu; lần thứ hai, Lé cầm cây ở tay trái đánh mạnh vào vùng đầu phía bên trái của Mấu. Theo luật sư Bạch Sĩ Chất (Đoàn luật sư Sóc Trăng, người bảo vệ quyền lợi cho bị can Lé) thì về nguyên tắc, thực nghiệm hiện trường phải được thực hiện tại nơi xảy ra vụ án, thế nhưng cơ quan CSĐT lại thực hiện…trong trại tạm giam của công an tỉnh Sóc Trăng, dùng người khác đóng thay bị cáo là không đúng.

Bị cáo Lé cho biết: “Tôi không dùng cây gài cửa đánh Mấu nhưng cán bộ vẫn đưa cây gài cửa nhà tôi ra cho là hung khí tôi gây án. Mà cây gài cửa này được một công an phường tự ý lấy từ nhà tôi đưa lên cho cán bộ. Khi thực nghiệm hiện trường, tôi không đánh người nên không biết thực nghiệm ra sao thì được cán bộ điều tra hướng dẫn…cho thực hiện các động tác một cách chi tiết. Biết là không đúng nhưng vẫn phải làm, thậm chí phải khai giết người vì bị cán bộ đánh, hăm dọa bỏ tù hết cả nhà. Hơn nữa, kêu oan cán bộ không nghe nên tôi nhận đại để được kết thúc điều tra sớm, khi ra tòa xét xử sẽ kêu oan thì may ra mới có người nghe thấu nỗi oan của mình”.

Thứ ba, về dấu vết tại hiện trường nơi phát hiện thi thể Mấu (trên đường cách nhà Lé 1.421m) có 3- 4 vũng máu. Trong khi đó, tại sân nhà Lé, nơi được cho là Mấu bị đánh vỡ sọ phải nằm im khoảng 10 phút và suốt quãng đường dài 1.421m đó không có một vết máu nào. Luật sư Phạm Văn Hùng (Đoàn luật sư Sóc Trăng) nói: “Với một người bị đánh vỡ sọ không thể tự đi được trên quãng đường dài 1.421m được”.

Cơ quan điều tra cho rằng, Lé đánh chết Mấu ở nhà mình rồi dùng xe gắn máy chở xác đi phi tang, thế nhưng trên đường từ nhà Lé đến nơi phát hiện thi thể Mấu lại không hề có vết máu nào mà chỉ có vũng máu tại nơi phát hiện thi thể của Mấu. Ngay cả vết máu mà công an cho là máu trên xe gắn máy chở xác Mấu đi phi tang cũng được cơ quan giám định kết luận không phải là vết máu của Mấu. Lời khai của Minh, người đi chung với Mấu là Mấu bị Lé đánh ngã xuống sân áo dính nhiều bùn nhưng bản ảnh hiện trường cho thấy áo của Mấu không có bùn.

Thứ tư, ngày 9- 10/9/2012, điều tra viên đã có biên bản hỏi cung đối với bị cáo Phạm Văn Lến thì ngày 13/9/2012, lại có thêm “Biên bản người phạm tội ra đầu tú” mà người đầu thú lại là Phạm Văn Lến. Tại tòa, bị cáo Lến khai không đi đầu thú. Theo Luật sư Bạch Sĩ Chất, Lến là người từ nhỏ đã bị hạn chế về thần kinh, không biết một tháng có bao nhiêu ngày, một ngày có mấy giờ,…chưa bao giờ đi khỏi địa phương nên không thể biết Phòng CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng ở đâu mà ra đầu thú.

Thứ năm, việc bắt giữ các bị cáo mà theo các Luật sư là trái pháp luật. Bị cáo Lé bị bắt giữ lấy lời khai lúc 10h 15 phút ngày 9/9/2012. Ngày 10/9/2012, bị cáo Lé “tự tử”, được cơ quan điều tra đưa vào bệnh viện đa khoa Sóc Trăng điều trị 10 ngày (giấy ra viện ngày 19/9/2012) nhưng ngày 23/9/2012 mới có lệnh bắt khẩn cấp. Như vậy bị cáo Lé bị bắt giữ trước khi có lệnh 13 ngày.

Ngoài ra, những người liên quan như bà Đào Thị Quới (mẹ ruột Lé), Phạm Văn Lến (em Lé), Thạch Thị Xem (vợ Lé), Phạm Văn Thanh (con Lé) người bị giữ ít nhất 2 ngày, có người bị giữ 4- 7 ngày mà không có bất cứ một quyết định nào của cơ quan chức năng.

Lệnh bắt khẩn cấp đối với bị cáo Lé cũng trái quy định của pháp luật khi chưa có sự phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp. Cụ thể, cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt khẩn cấp lúc 19h ngày 22/9/2012 nhưng Viện KSND Sóc Trăng phê chuẩn ngày 23/9/2012. Trong khi đó, từ ngày 9/9/2012, bị cáo Lé đang bị cơ quan điều tra công an Sóc Trăng giam giữ, quản thúc tại Sóc Trăng sau khi điều trị ở bệnh viện đa khoa Sóc Trăng về.

Theo qui định của pháp luật, “khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn”. Trong khi đó, bị hại Mấu đã chết thì không thể thấy bị cáo giết người; nhân chứng lúc đó cũng không có ai trực tiếp chứng kiến.

Lé kể lại lúc mình bị giam giữ.
Lé kể lại lúc mình bị giam giữ.

Về thông tin cơ quan điều tra cho rằng sau khi bị bắt, bị can Lé quá bức xúc nên treo cổ tự tử thì Phạm Văn Lé khẳng định “Tôi không tự tử như cán bộ nói mà tôi bị họ chích (điện) cho đến ngất”. Hồ sơ chi tiết này cũng thể hiện sự mâu thuẫn khi cơ quan điều tra cho rằng bị can Lé dùng sợi dây bằng nhôm vốn là móc phơi quần áo để thắt cổ tự tử nhưng theo Luật sư, hoàn toàn mâu thuẫn và không thể thực hiện trong thực tế bởi móc áo làm sao dùng để treo cổ được.

Hơn nữa, hồ sơ về vụ tự tử này không được đưa vào hồ sơ vụ án mà cất trong…cặp của kiểm sát viên. Khi đưa Lé vào bệnh viện, cán bộ điều tra Lê Hữu Trường là người đứng ra cam kết chứ không phải người nhà bị can và cơ quan công an cũng không báo cho người nhà bị can biết. Toàn bộ chi phí điều trị cho Lé trong thời gian nằm viện 10 ngày do cơ quan điều tra thanh toán với tổng số tiền là 25.474.000 đồng.

Ngoài ra còn nhiều sai phạm khác như biên bản lấy lời khai các bị can được các điều tra viên thực hiện ngoài giờ làm việc, tức là vào ban đêm, thậm chí vào nửa đêm; lời khai của người đi chung với Lâm Tài Mấu là Trần Đức Minh không thống nhất qua 7 biên bản và 1 tờ tường trình,…

Sau 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 21/2/2014 và ngày 1/7/2014, TAND tỉnh Sóc Trăng tạm hoãn, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra cho đến ngày 1/8/2014, các bị cáo được cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh này phê chuẩn các quyết định “Tạm đình chỉ điều tra vụ án”, “Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn”, “Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự”, “Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam” sau 2 năm bị tam giam.

Bà Đào Thị Quới xót xa nói về nỗi oan của các con.
Bà Đào Thị Quới xót xa nói về nỗi oan của các con.

Những nghi vấn về cái chết của nạn nhân

Những ngày đầu tháng 12/2014, về khóm Biển Dưới, phường Vĩnh Phước hỏi những người dân về nhận định của họ về cái chết của Lâm Tài Mấu thì chúng tôi nhận được hai nghi vấn về cái chết này.

Theo một người dân ở địa phương, vào thời điểm xảy ra vụ án, họ nghe tiếng xe ôtô chạy ngoài đường rất nhanh, sau đó là một tiếng kêu “Trời ơi, chết tui rồi”. Khi mọi người chạy ra thì xe ôtô chạy mất, chỉ còn thi thể một người đang nằm bất động trên đường. Đó là thi thể của Lâm Tài Mấu.

Tuy nhiên, những người khác lại kể cho chúng tôi nghe nghi vấn khác về cái chết của Mấu. Theo một nhân chứng (xin không nêu tên): Vào thời điểm phát hiện thi thể Mấu ở ngoài đường, cách nhà của gia đình Mấu khoảng 1km, khoảng 9h sáng ngày 3/8, khi công an đang khám nghiệm tử thi, một số người đến nhà Mấu thì thấy mẹ và em gái Mấu khóc; hỏi cha Mấu là ông Lâm Chấn Cường xem tối hôm qua Mấu có về nhà không thì ông Cường trả lời Mấu không hề về nhà.

Theo ông Cường, mấy bữa nay Mấu có chửi và đánh nhau với người khác nên vợ chồng ông giữ không cho Mấu đi. Thế nhưng khoảng 20h tối 2/8 Mấu lại ra khỏi nhà. Thấy con đi, ông Cường nói với con: “Mày đi người ta đánh mày chết, có đi thì đi luôn chớ đừng quay về kêu cửa mẹ mày bệnh”. Lúc nhân chứng này quay sang hỏi mẹ Mấu xem bà có nhớ rõ hồi tối Mấu có quay về không thì ông Cường chặn không cho vợ trả lời. Đồng thời, ông nói với người hàng xóm: “Con ơi bà bị khùng khùng không biết gì đâu”. Nói rồi ông ta khăng khăng là Mấu không hề quay về nhà.

Tuy nhiên, một số nhân chứng khác kể lại: “Sau khi Mấu chết, gia đình làm mộ cho Mấu. Khi ra chỗ làm mộ, ông Cường nói với những người đang làm mộ rằng đêm đó thằng Mấu về tới nhà, ông Cường chửi Mấu mày mà đi người ta đánh mày chết thì Mấu nói chết thì chết”. Cũng theo nhiều người dân ở địa phương, Mấu là người thường xuyên say xỉn, quậy phá trong gia đình nên người nhà không ưa, thậm chí cấm cửa với Mấu.

Điều đáng nói, những nghi vấn về cái chết của Mấu đã được nhân chứng báo cơ quan điều tra bằng văn bản, có cam đoan lời trình bày của mình nhưng không hiểu vì sao không được cơ quan điều tra làm rõ ?

Gia đình ông Lé mong được rửa oan và trả lại quyền lợi cho mình.
Gia đình ông Lé mong được rửa oan và trả lại quyền lợi cho mình.

Nỗi lòng những người bị bắt giam oan sai suốt 2 năm

Tiếp chúng tôi trong căn nhà lá chật hẹp của mình, ông Phạm Văn Lé cho biết: “Bây giờ tôi chỉ mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm sáng tỏ oan sai của chúng tôi, trả lại mọi quyền, lợi ích hợp pháp cho chúng tôi, xử lý các cán bộ làm sai dẫn đến oan sai cho gia đình chúng tôi”.

Bà Đào Thị Quới (75 tuổi, mẹ ruột Lé và Lến) nói trong nước mắt: “Tôi không liên quan gì, không biết gì hết. Thế nhưng khi xảy ra vụ việc, tôi cũng bị công an mời lên cho ở tại cơ quan điều tra hết 3 ngày 2 đêm. Thật vô lý quá”.

Còn Phạm Văn Lến kể: “Tôi không đầu thú như cơ quan điều tra kết luận. Khi xảy ra vụ việc, tôi theo mẹ lên công an phường Vĩnh Phước rồi bị nhốt luôn”. Điều này cũng thể hiện trong hồ sơ bởi ngày 9/9/2012 và 10/9/2012, Lến đã bị cơ quan điều tra triệu tập đến Phòng CSĐT công an Sóc Trăng để lấy lời khai (có biên bản hỏi cung).

Dư luận đặt vấn đề: Tại sao ngày 9/9/2012 và 10/9/2012 các điều tra viên đã hỏi cung Lến, sau đó 4 ngày lại có Biên bản người phạm tội ra đầu thú. “Tôi bị cán bộ điều tra đưa vào phòng, đánh vào cổ, nắm tóc đánh vào đầu, vào ngực, dùng giày đá vào ống chân nhiều cái”, Phạm Văn Lến cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Lé cho biết: Những ngày vừa qua, vợ chồng ông cùng em được cán bộ điều tra mời lên làm việc, chủ yếu hỏi về nội dung vụ việc. Bên cạnh đó cán bộ điều tra này cũng hỏi rất nhiều về việc có bị dùng nhục hình, mớm cung, ép cung hay không. Ông Lé nói: “Cán bộ hỏi, có gì tôi trả lời cái đó, không thêm cũng không bớt chút nào”.

Một chi tiết khá thú vị chúng tôi được ông Lé cho biết: Những ngày trong trại tạm giam công an tỉnh Sóc Trăng, ông Lé ở chung phòng với Thạch Sô Phách (một trong 7 thanh niên bị bắt oan sai 7 tháng ở huyện Trần Đề đã được trả tự do, được Viện KSND tỉnh Sóc Trăng chấp nhận bồi thường do bị bắt giam oan sai). Những ngày đó, ông thấy Phách bị sưng chân, có nhiều vết thương trên người, chảy máu lỗ tai,…và ông được Phách cho biết nguyên nhân là do bị cán bộ đánh đập.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm